Doanh nghiệp Trung Quốc lo chậm chân trong ứng dụng AI
Lãnh đạo của hãng công nghệ lớn tại Trung Quốc là Tencent đã lên tiếng về những lo ngại khoảng cách ứng dụng AI trong doanh nghiệp, do việc Trung Quốc bị cản trở tiếp cận chip tiên tiến...

Nhà phân tích S&P Global cho biết hạn chế tiếp cận các chip tiên tiến đặt ra thách thức cho toàn bộ ngành công nghệ Trung Quốc
Việc áp dụng rộng rãi các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) trong các doanh nghiệp Trung Quốc đang bị cản trở bởi hạn chế trong việc tiếp cận các đơn vị xử lý đồ họa (GPU) tiên tiến, chủ yếu do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu ngày càng chặt chẽ của Mỹ, theo một lãnh đạo cấp cao của Tencent Holdings.
VẤN ĐỀ NGHIÊM TRỌNG NHẤT LÀ SỰ KHAN HIẾM GPU VÀ NGUỒN LỰC TÍNH TOÁN
Mới đây, lãnh đạo của hãng công nghệ lớn tại Trung Quốc là Tencent đã lên tiếng về những lo ngại khoảng cách ứng dụng AI trong doanh nghiệp, do việc Trung Quốc bị cản trở tiếp cận chip tiên tiến. Theo South China Morning Post, ông Wang Qi, Phó chủ tịch bộ phận điện toán đám mây của Tencent, cho biết: “Vấn đề nghiêm trọng nhất là sự khan hiếm tài nguyên [GPU] và nguồn lực tính toán”. Ông nhấn mạnh rằng tình hình trở nên trầm trọng hơn do động thái gần đây của chính phủ Mỹ, yêu cầu cấp phép cho việc xuất khẩu chip H20 của Nvidia sang Trung Quốc.
Nvidia bắt đầu bán chip AI H20 cho thị trường Trung Quốc vào đầu năm 2024, sau khi các dòng chip tiên tiến hơn như A100, H100, A800 và H800 bị đưa vào danh sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ vì lý do an ninh quốc gia. Ông Wang nhận định rằng các biện pháp kiểm soát thương mại này sẽ “làm gia tăng khoảng cách ứng dụng AI giữa Trung Quốc và Mỹ trong ngắn hạn.
SCMP cho rằng đánh giá của lãnh đạo Tencent đã phản ánh khó khăn của Trung Quốc trong việc vượt qua cái gọi là “quy luật quy mô” (scaling law) trong AI, được đề xuất trong một bài báo năm 2020 của OpenAI – đơn vị sáng tạo ChatGPT. Quy luật này cho rằng trí thông minh của một mô hình AI phụ thuộc vào ba yếu tố chính: dữ liệu huấn luyện lớn hơn, tài nguyên tính toán mạnh hơn và số lượng tham số mô hình nhiều hơn.
Các GPU tiên tiến, đặc biệt từ các nhà cung cấp Mỹ như Nvidia và AMD, được các nhà phát triển ưa chuộng để huấn luyện mô hình AI quy mô lớn và xây dựng các ứng dụng AI, chẳng hạn như các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs) – công nghệ nền tảng cho các dịch vụ AI tạo sinh như ChatGPT.
ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN CHIP NỘI ĐỊA
Dù đối mặt với các hạn chế, ông Wang cho biết các biện pháp kiểm soát chip của Mỹ đang thúc đẩy ngành công nghệ Trung Quốc “tăng tốc nỗ lực thích nghi các mô hình ngôn ngữ lớn với các chất bán dẫn sản xuất trong nước”. Huawei Technologies được kỳ vọng sẽ ra mắt chip AI Ascend 920 vào cuối năm nay, định vị công ty như một nhà cung cấp GPU thay thế cho Nvidia tại Trung Quốc. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành hướng dẫn mới, tuyên bố việc sử dụng chip Ascend của Huawei “ở bất kỳ đâu trên thế giới” sẽ bị coi là vi phạm các quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
Báo cáo của các nhà phân tích S&P Global cho biết: “Việc thắt chặt các hạn chế về chip AI có thể ảnh hưởng đến các khoản đầu tư của Tencent trong lĩnh vực này. Hạn chế tiếp cận các chip tiên tiến đặt ra thách thức cho toàn bộ ngành công nghệ Trung Quốc”.
Trong buổi công bố kết quả kinh doanh quý đầu tiên, Chủ tịch Tencent Martin Lau Chi-ping đã giảm nhẹ tác động của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip mới nhất từ Mỹ. “Đây là một tình huống rất năng động”, ông Lau nói, đồng thời cho biết Tencent “chỉ cần quản lý tình hình này”. Ông tiết lộ công ty đã tích lũy “một kho dự trữ chip khá mạnh” từ trước, và những chip này sẽ được phân bổ “cho các ứng dụng mang lại lợi nhuận tức thì” như quảng cáo và gợi ý nội dung.
Tencent công bố doanh thu quý I đạt 180 tỷ nhân dân tệ (25 tỷ USD), mức cao nhất kể từ khi niêm yết tại Hồng Kông vào năm 2004. Kết quả này cho thấy những nỗ lực không ngừng trong lĩnh vực AI của công ty đang mang lại hiệu quả.
Chủ tịch Tencent cũng lưu ý rằng ngành công nghệ Trung Quốc đang bắt đầu “từ bỏ niềm tin vào quy luật quy mô” mà các công ty công nghệ Mỹ thường nhấn mạnh. Ông cho biết: “Giờ đây, chúng ta có thể thấy rằng ngay cả với một cụm tính toán nhỏ hơn, vẫn có thể đạt được kết quả huấn luyện rất tốt”.
XIAOMI TUYÊN BỐ ĐẦU TƯ GẦN 7 TỶ USD VÀO THIẾT KẾ CHIP
Một số công ty Trung Quốc đã đạt được tiến bộ trong việc giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp chip AI Mỹ. Ví dụ, DeepSeek, một công ty có trụ sở tại Hàng Châu, đã thu hút sự chú ý toàn cầu khi liên tục ra mắt hai mô hình AI mã nguồn mở tiên tiến, V3 và R1, với chi phí và nguồn lực tính toán thấp hơn đáng kể so với yêu cầu của các gã khổng lồ công nghệ khi phát triển LLMs.

Xiaomi vừa tiết lộ khoản đầu tư 50 tỷ nhân dân tệ (tương đương 6,94 tỷ USD) sẽ được triển khai từ năm 2025 để phát triển công nghệ chip
Tương tự, vào tháng Ba, Ant Group – công ty fintech thuộc Alibaba Group Holding (chủ sở hữu của South China Morning Post) – cho biết họ đã thành công trong việc huấn luyện các mô hình ngôn ngữ lớn bằng GPU nội địa, giảm chi phí huấn luyện tới 20%.
Mới đây nhất, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Xiaomi đã công bố kế hoạch đầu tư gần 7 tỷ USD vào thiết kế chip trong ít nhất 10 năm tới. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực tự chủ trong lĩnh vực bán dẫn giữa căng thẳng thương mại với Mỹ.
Theo Wall Street Journal, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Xiaomi, ông Lei Jun, tiết lộ khoản đầu tư 50 tỷ nhân dân tệ (tương đương 6,94 tỷ USD) sẽ được triển khai từ năm 2025 để phát triển công nghệ chip. Người phát ngôn của Xiaomi xác nhận rằng khoản đầu tư này sẽ kéo dài trong ít nhất một thập kỷ.
Ông Lei cũng cho biết Xiaomi đã chi 13,5 tỷ nhân dân tệ để phát triển chip di động tiên tiến XringO1, sử dụng công nghệ quy trình 3 nanomet. Chip này, cùng với các sản phẩm mới khác, sẽ được công ty chính thức giới thiệu vào hôm 22/5 tới đây.
Truyền thông nhà nước CCTV nhận định chip 3nm XringO1 của Xiaomi đánh dấu một bước đột phá trong thiết kế chip của Trung Quốc, giúp nước này bắt kịp các tiến bộ công nghệ quốc tế. Thành tựu này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Mỹ áp đặt các hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến, khiến Trung Quốc phải đẩy mạnh phát triển công nghệ bán dẫn nội địa.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-trung-quoc-lo-cham-chan-trong-ung-dung-ai.htm