Đánh giá nguy cơ, giám sát và tiến tới cảnh báo sớm thiên tai
Tai biến thiên nhiên, trong đó có tai biến địa chất như trượt lở, sụt lún, động đất, xói lở bờ sông, bờ biển đã và đang gây thiệt hại lớn về người, tài sản ở Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long.
Sáng 29/8, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đánh giá tình hình thiên tai khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long và lãnh thổ Việt Nam, đề xuất các giải pháp phòng, tránh giảm thiểu thiệt hại.”
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết tai biến thiên nhiên, trong đó có tai biến địa chất như trượt lở, nứt đất, sụt lún, động đất, sạt lở, xói lở bờ sông, bờ biển đã và đang gây những thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh tế, giao thương.
Từ những năm 1980, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có những nghiên cứu tiên phong đánh giá về vấn đề thiên tai.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã xây dựng và phát triển hệ thống phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu nhằm đánh giá nguy cơ tai biến, giám sát và tiến tới cảnh báo sớm, cảnh báo gần với thời gian thực.
Trước những diễn biến trượt lở, nứt đất tại Tây Nguyên trong tháng 7 và 8/2023, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức Đoàn công tác nhằm khảo sát, đánh giá sơ bộ hiện trạng, nguyên nhân, làm căn cứ cho các đề xuất, định hướng tiếp theo.
Tiến sỹ Trần Quốc Cường, Trưởng đoàn công tác thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ cho biết trượt, nứt đất ở các tỉnh vùng Nam Tây Nguyên, trong các tháng 6,7 và 8, đã phát triển dồn dập trên nhiều đối tượng dân cư, công trình, gây thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới an sinh, kinh tế.
Tai biến trượt, nứt đất khu vực này đã đạt tới một quy mô rất lớn. Diện phá hủy của một số điểm trượt vượt quá 10-15 ha, hiếm gặp ở các vùng khác trên cả nước.
Phần lớn các điểm trượt, nứt đất quy mô lớn đã xuất hiện ở Nam Tây Nguyên mới ở giai đoạn đầu, đang tiếp tục phát triển, đe dọa phá hủy toàn bộ các công trình xây dựng đã đầu tư và các khu dân cư.
Trượt, nứt đất quy mô lớn có nhiều khả năng lan rộng ở Nam Tây Nguyên, khi các yếu tố tác động từ xây dựng công trình, khai thác tài nguyên, khai thác khoáng sản chưa được điều chỉnh cho thích hợp với đặc điểm địa chất xung yếu của toàn vùng.
Đề xuất các giải pháp ứng phó, Tiến sỹ Trần Quốc Cường cho biết thời gian tới, các bộ, ngành cần có sự đầu tư thích đáng cho việc nghiên cứu khoa học, công nghệ xử lý các hiện tượng này.
Các nghiên cứu, nhiệm vụ khoa học về trượt lở, sạt trượt, nứt đất tại Nam Tây Nguyên cần đưa ra các biện pháp giảm thiểu thiệt hại; trong đó chú trọng tới kỹ thuật, công nghệ giám sát, cảnh báo thời gian tai biến trượt lở theo diện và theo điểm; tăng cường sự phối hợp trong nghiên cứu, nhận diện và xử lý các tai biến.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đề xuất, khi nghiên cứu thiên tai cần làm rõ vai trò của quy luật tự nhiên và tác động nhân sinh đến việc hình thành thiên tai; tiếp cận lịch sử, tiếp cận hệ thống khi triển khai nghiên cứu thiên tai; tăng cường vai trò liên ngành và đa ngành; sự kết hợp của các chương trình trọng điểm KC.08, KC.09… trong nghiên cứu thiên tai.
Riêng khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long cần thực hiện cụm nhiệm vụ giai đoạn 2025-2030 như nghiên cứu phương pháp công nghệ giám sát, cảnh báo sớm tai biến địa chất; điều kiện địa kỹ thuật đô thị và khu dân cư trọng điểm, hồ chứa nước, hồ thủy lợi, bãi chôn lấp rác thải, khu vực khai thác khoáng sản phục vụ phát triển bền vững cho địa phương.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang yêu cầu các Vụ quản lý ngành của Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng các chương trình, Ban Chủ nhiệm các chương trình KC.08; KC.09 tham khảo, chủ động đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, góp phần giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra, phát triển kinh tế, xã hội các vùng trọng điểm./.