Đánh giá tác động của dịch COVID-19 để xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, do tình hình dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, nếu không có các chính sách kinh tế đủ mạnh, vượt hơn mức bình thường thì nền kinh tế khó phục hồi.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ sẽ có báo cáo đánh giá tác động về các chính sách ban hành, những các kết quả đạt được, những hạn chế và đánh giá hiệu quả từng gói hỗ trợ. Đồng thời, đánh giá về những chính sách mới và kể cả nguồn lực để xem xét chính sách nào thực hiện được ngay trong cuối năm và chính sách dài hạn…
Cùng với đó, Bộ trưởng Dũng yêu cầu các bộ ngành thống kê, đánh giá tình hình doanh nghiệp và sản xuất kinh doanh một cách sâu rộng, toàn diện đầy đủ. Từ đó, xây dựng bức tranh tổng thể để có chính sách phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực và xây dựng lại các kịch bản tăng trưởng.
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng tính toán các biến số có độ bao phủ rộng hơn, xây dựng một mô hình đầy đủ tính toán các yếu tố tác động. Từ đó, đưa ra được các gói hỗ trợ đủ mạnh về liều lượng và kịp thời hơn, hướng tới đúng đối tượng nhằm phát huy hiệu quả lớn nhất.
“Về nguyên tắc, chính sách lần 2 phải bao quát toàn diện các đối tượng, phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay, kích thích tăng trưởng kinh tế. Các chính sách đều phải gắn đến quản lý cơ cấu các ngành, lĩnh vực; phải gắn với tái cơ cấu và những lĩnh vực liên quan. Gói hỗ trợ phải đảm bảo đa mục tiêu chứ không chỉ kích thích tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội, đặc biệt ảnh hưởng tới các ngành hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống. Nhiều doanh nghiệp phát sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, trong khi thu nhập, lao động,việc làm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng nhanh.
Cụ thể, có tới 17,6 triệu người bị giảm thu nhập do dịch COVID-19. Thu nhập thấp kéo theo khó khăn trong việc kích thích tiêu dùng trong nước.
Số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng kinh doanh trong 7 tháng của năm tăng 41,5%. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây; trong đó, đặc biệt thất nghiệp ở nhóm thanh niên từ 15 - 54 tuổi, chiếm 30,7% tổng số thất nghiệp. Đáng lo ngại ở chỗ, những ảnh hưởng này kéo theo các hệ lụy về mặt xã hội, đặt ra thách thức, đòi hỏi các cơ quan cần sớm có giải pháp đồng bộ.
Các biện pháp phải hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động duy trì sản xuất, kinh doanh và khuyến khích quay trở lại hoạt động, tránh việc cắt giảm hơn nữa số lao động đang làm việc. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn đang gặp khó khăn về sự thiếu hụt dòng tiền do chi phí cố định và chi phí duy trì hoạt động lớn trong khi doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng.
Việc gia hạn các chính sách đã và đang thực hiện được đề xuất kéo dài đến hết tháng 12/2020. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch tiếp tục phức tạp, có thể nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài một số chính sách sang năm 2021.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, cần tiếp tục gia hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân hộ gia đình, cá nhân kinh doanh và tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ đến hết năm 2020 (kéo dài toàn bộ chính sách tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần gia hạn thời gian thực hiện các chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cùng đó, kéo dài thời gian hỗ trợ đối với khách hàng phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến hết 31/12/2020 và sửa đổi Thông tư theo hướng giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn dễ dàng tiếp cận được chính sách; đồng thời, đề xuất việc cần trình các cấp có thẩm quyền có các điều chỉnh chính sách tài khóa mạnh hơn để kích thích sản xuất và tiêu dùng…