Đánh giá tác động khi thay thế quy hoạch ngành hàng bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn

Bộ Công thương đã ban hành Lộ trình xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành công thương đến năm 2025. Tuy nhiên, tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực', nhiều ý kiến đề nghị Bộ đánh giá những tác động khi thay thế khi thay thế quy hoạch ngành bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Thực hiện Nghị quyết số 11/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, Bộ Công thương đã bãi bỏ 27 quy hoạch và trình Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ 3 quy hoạch. Phần lớn các ngành này đều có tiêu chuẩn, quy chuẩn cho
các sản phẩm, nên để hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 3262/2018 về Lộ trình xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành công thương đến năm 2025.

Theo quan điểm cá nhân và nhìn từ góc độ thực tiễn, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu ủng hộ việc bỏ quy hoạch ngành sản phẩm, song đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn trước việc, một số bộ ngành tỏ ra lúng túng để tìm công cụ thay thế, cụ thể như báo cáo của Bộ công thương, sau khi bỏ 27 quy hoạch ngành thì cho rằng các tiêu chuẩn quy chuẩn không thay thế được hoàn toàn được quy hoạch vì thiếu đi hai yếu tố cung cầu và bố trí không gian để phát triển.

Ông PHAN ĐỨC HIẾU, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “ Về không gian phát triển thì Bộ Công thương nên giải thích thật kỹ bởi đây là một trong những nội dung quan trọng trong giám sát lần này, quan hệ giữa bỏ quy hoạch sản phẩm, công cụ thay thế. Liên quan đến bãi bỏ 27 quy hoạch ngành sản phẩm, Bộ Công thương có đánh giá tác động tiêu cực, tích cực như thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Một ví dụ tích cực là quy hoạch điểm bán xăng dầu, sau khi bỏ quy hoạch ngành này, các doanh doanh nghiệp đánh giá rất tốt vì đã tạo điều kiện cho mỗi đại lý xăng dầu có thể cạnh tranh công bằng và cạnh tranh bằng chất lượng phục vụ”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan cũng đề nghị ngành công thương rà soát tổng thể đánh giá những tác động của việc bãi bỏ một số quy hoạch ngành hàng.

Bà ĐỖ THỊ LAN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội: “Trong luật phòng chống tác hại thuốc lá, có quy định Bộ công thương chịu trách nhiệm lập quy hoạch Kinh doanh thuốc lá, tuy nhiên cho đến nay không còn phù hợp với Luật Quy hoạch nhưng bộ đã đề xuất xử lý vấn đề này như thế nào, bộ đã chủ động xây dựng chiến lược phòng chống thuốc lá, chủ yêu, bộ có quan tâm gì, trong này chưa thấy liệt kê bỏ?”

Về vấn đề nay, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng cho biết trong quá trình nghiên cứu ban hành luật đã phân tích làm rõ những lợi thế cũng như hạn chế để làm sao bãi bỏ một số quy hoạch ngành hàng, sản phẩm để theo định hướng thị trường, chuyển hướng công cụ quản lý nhà nước đối với ngành hàng đối với sản phẩm theo hướng chiến lược, hoặc đề án.

Ông TRẦN QUỐC PHƯƠNG, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Liên quan đến quy hoạch rất may chúng ta đã bỏ quy hoạch ngành thép kịp thời đã giúp nước ta không bị rơi vào vụ kiện bán phá giá thép, mà trường hợp nếu bị kiện sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến ngành sản xuất này. Điều này cho thấy lợi thế khi chúng ta bỏ quy hoạch sản phẩm cụ thể. Về quản lý sau khi bỏ quy hoạch thì ngoài quy hoạch còn rất nhiều công cụ khác."

Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý ngành, đại diện Cục công nghiệp, Bộ công thương cho rằng việc bãi bỏ quy hoạch ngành, cụ thể ở đây là ngành thép đã khiến cho cơ quan quản lý nhà nước bối rối trong việc quản lý.

Ông NGUYỄN NGỌC THÀNH, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương: "Việc bãi bỏ quy hoạch ngành thép đã dẫn tới không có công cụ quản lý. Trong khi đó, các dự án đầu tư sản xuất thép chủ yếu nằm ở gần cảng biển, liên quan đến sử dụng đất, có ảnh hưởng nhất định đến môi trường quanh khu vực đặt nhà máy cũng như đời sống của người dân ở khu vực lân cận. Và do không có công cụ quản lý Nhà nước với sản xuất thép nên các địa phương bối rối, bộ quản lý ngành cũng bối rối".

Giải trình với Đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết thực chất đây là chuyển sang công cụ quản lý khác, từ quy hoạch bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chiến lược phát triển lĩnh vực.

Ông NGUYỄN SINH NHẬT TÂN, Thứ trưởng Bộ Công thương: "Ngành công thương hiện đã có đầy đủ chiến lược để định hướng phát triển các lĩnh vực chuyên ngành, đặc biệt những chiến lược phát triển công nghiệp, thương mại đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, và tới đây sẽ bổ sung thông tin nêu trên vào báo cáo để Đoàn giám sát hiểu rõ tình hình”.

Để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong quy hoạch, các đại biểu cũng đề nghị không chỉ riêng ngành công thương mà các bộ ngành cần chuẩn hóa các dữ liệu dùng chung, nhằm phân tích đánh giá được tổng thể các quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển chung của đất nước.

Thực hiện : Thùy Linh Tùng Dương

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/danh-gia-tac-dong-khi-thay-the-quy-hoach-nganh-hang-bang-tieu-chuan-quy-chuan