Đánh giá tác động việc chậm ban hành chính sách dân tộc khó nhưng phải làm
Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc với Chính phủ về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021, các ý kiến cho rằng, nhiều văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực dân tộc còn chưa hoặc chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết, cần phải có đánh giá tác động của việc chậm trễ này và làm rõ trách nhiệm của các bên.
Theo đó, sáng 09/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc làm việc với Chính phủ về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Nie Kđăm - Trưởng Đoàn giám sát và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Hầu A Lềnh chủ trì hội nghị.
Kết quả rà soát cho thấy vẫn còn nhiều văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực dân tộc còn chưa hoặc chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết. Trong đó Luật Giáo dục và Luật Thi đua khen thưởng là nhiều văn bản chậm ban hành nhất. Chỉ tính riêng Luật Giáo dục năm 2005 sửa đổi năm 2009 có đến 5 nghị định liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số được ban hành chậm hơn 10 năm, có nghị định chậm đến hơn 15 năm. Nội dung các chính sách lại rất thiết thực đối với đồng bào dân tộc thiểu số như chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; chính sách ưu tiên tuyển sinh, hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người; chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non; cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Các thành viên Đoàn Giám sát cho rằng việc chậm trễ này cần phải đánh giá tác động và làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan nhưng báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ nội dung này.
Bà TRẦN THỊ DUNG - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: “Phải xem xét lại thẳng thắn và rõ ràng vấn đề này, tại sao lại chậm đến mười mấy năm như thế. Nếu không có cuộc giám sát hôm nay, chúng ta cứ nói với nhau và không ai thừa nhận, vì vậy cần phải làm rõ và tập trung những vấn đề mà hàng ngày hàng giờ ảnh hưởng đến đồng bào dân tộc thiểu số, các cháu, các cô giáo. Chính sách nhà nước có rồi mà không thể đến được vì thiếu văn bản dưới luật thì thiệt hại cho các đối tượng này như thế nào.”
Bà TRẦN THỊ HOA RY - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: “Tác động về việc chưa ban hành, ban hành chậm và không triển khai được ảnh hưởng như thế nào trong chính sách của đồng bào trong thời gian vừa qua, cụ thể như quyết định 2085, 2086 tôi tham gia trong Quốc hội tôi cũng chất vấn mãi với các đơn vị liên quan đến cung cấp nguồn vốn, khi có nguồn vốn 1 ngàn tỷ rồi không có hướng dẫn chính sách để ban hành mà trong khi đó đối tượng yếu thế, dễ tổn thương và người ta chờ đợi và chúng ta nợ chính sách nhưng báo cáo này chưa đề cập đánh giá đã ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của đồng bào.”
Giải trình từ phía Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng việc đánh giá tác động là cần thiết nhưng đây là nội dung rất khó vì không đủ dữ liệu để triển khai sớm.
Ông HẦU A LỀNH - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: “Đánh giá tác động cụ thể của từng chính sách không nhanh được bởi vì có những chính sách phải tổng kết sơ kết .. phải tổng hợp từ rất nhiều cấp, nhiều ngành khác nhau, bây giờ đánh giá được tác động một cách chính xác về nguồn lực, về biện pháp thực thi rồi công tác phối hợp, hiệu quả tác động về kinh tế xã hội đời sống của bà con cái gì được, cái gì chưa được thì phải có thời gian.”
Về nội dung này, kết luận phiên họp, Trưởng đoàn Giám sát Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng Ủy ban Dân tộc cũng cần có đánh giá sơ bộ và tìm phương án giải quyết cho vấn đề này để có cơ sở kiến nghị cho các vấn đề liên quan.
Ông Y THANH HÀ NIÊ KĐĂM - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng đoàn Giám sát: “Đánh giá tác động của từng chính sách được ban hành để hoàn thành báo cáo trình Đoàn giám sát hoặc tại thời điểm kết thúc cuộc giám sát thì cũng khó nhưng ý kiến của chuyên gia cũng đã nêu rõ là cần có đánh giá chi tiết nhất có thể để làm cơ sở kiến nghị, Ủy ban Dân tộc Ủy ban Dân tộc là cơ quan được Chính phủ giao thì Ủy ban Dân tộc phải đề xuất cách giải quyết.”
Tình trạng chậm và chưa ban hành các văn bản quy định chi tiết theo thẩm quyền đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tổ chức triển khai thực hiện chính sách dân tộc và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số cũng như tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi. Thông qua hoạt động giám sát lần này và việc đánh giá tác động của việc thiếu và chậm trễ ban hành sẽ góp phần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan bộ ngành và có hướng khắc phục trong thời gian tới để những chính sách rất nhân văn của Đảng và nhà nước thực sự đi vào thực tiễn, mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào dân tộc thiểu số./.
Thực hiện : Phan Xanh Minh Công