Đánh giá thực chất kết quả phát triển kinh tế

6 tháng đầu năm 2024, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Hà Nam đứng đầu khu vực đồng bằng sông Hồng, song nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt 50% kế hoạch năm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp; số lượng doanh nghiệp giải thể tăng… Thảo luận tại Kỳ họp thứ 18, các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, chỉ rõ khó khăn và đề xuất các giải pháp để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của 6 tháng cuối năm.

5 chỉ tiêu chưa đạt 50% kế hoạch năm

Qua nghiên cứu kỹ lưỡng báo cáo của UBND tỉnh và nắm bắt thực tiễn khách quan, các đại biểu HĐND tỉnh Hà Nam đánh giá cao nỗ lực của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024. Đặc biệt, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, song tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt vẫn 10,35%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 4 cả nước. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư tăng khá; các ngành thương mại, dịch vụ tiếp tục phục hồi và có bước phát triển. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều hoạt động sôi nổi; các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, thiết thực, đúng đối tượng; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống Nhân dân ổn định.

Nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế dù đạt cao, nhưng chủ yếu phụ thuộc vào trụ cột tăng trưởng của ngành công nghiệp, đại biểu Nguyễn Đức Toàn thẳng thắn chỉ rõ nhiều hạn chế, khó khăn hiện hữu. Cụ thể, 5 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm chưa đạt 50% kế hoạch năm 2024 gồm: tốc độ tăng trưởng GRDP; GRDP bình quân đầu người; thu cân đối ngân sách nhà nước; năng suất lao động; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Ngoài ra, tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn còn nhiều khó khăn khiến số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng cao so với cùng kỳ và lớn hơn số doanh nghiệp thành lập mới.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hà Nam Đặng Thanh Sơn phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Đào Cảnh

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hà Nam Đặng Thanh Sơn phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Đào Cảnh

Tại phiên thảo luận, đại biểu HĐND tỉnh nêu vấn đề, thu ngân sách 6 tháng đầu năm mới đạt khoảng 40%, chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, nguồn thu từ tiền sử dụng đất mới đạt 23% làm ảnh hưởng đến nguồn chi đầu tư xây dựng cơ bản. Theo đại biểu Phạm Văn Tạo, năm 2024, kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản đã được điều chỉnh rất nhiều lần và số thu tiền sử dụng đất điều hành theo tiến độ thu. Tuy nhiên, tiến độ thu chậm làm ảnh hưởng rất nhiều đến công tác triển khai các dự án. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến cho tiến độ giải ngân chậm.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh việc thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức của một số đơn vị, địa phương còn hạn chế, gây khó dễ cho doanh nghiệp, người dân; khó khăn phát sinh trong sáp nhập đơn vị hành chính.

Đề xuất nhiều giải pháp thiết thực

Khẳng định 2024 là năm bản lề thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế của cả nhiệm kỳ, các đại biểu HĐND tỉnh Hà Nam đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần tăng cường các giải pháp thực hiện mục tiêu thu ngân sách năm 2024 đã đề ra (đạt 16.787 tỷ đồng); đặc biệt là nguồn thu từ tiền sử dụng đất để bảo đảm nguồn vốn thực hiện kế hoạch đầu tư công, bảo đảm tiến độ triển khai, thi công các dự án. Bên cạnh đó, rà soát, cân đối, bố trí, giải ngân vốn cho các dự án nằm trong danh mục đầu tư công theo đúng kế hoạch, sát với khả năng, tiến độ triển khai thực hiện dự án để phát huy hiệu quả vốn đầu tư, tránh tình trạng tồn đọng vốn đầu tư vào các dự án chưa hoặc chậm triển khai thực hiện. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ GPMB, bố trí tái định cư, triển khai các dự án đầu tư công, nhất là các dự án sử dụng nguồn vốn Trung ương để bảo đảm tiến độ theo yêu cầu.

Theo đại biểu HĐND tỉnh, sự phát triển của doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, do đó, UBND tỉnh cần thực hiện tốt hơn các giải pháp hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp trong tỉnh; hỗ trợ cung cấp thông tin cho doanh nghiệp để mở rộng đối tác, khả năng tiếp cận khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức công vụ cho cán bộ để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, gây khó dễ, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề số doanh nghiệp giải thể tăng cao, đại biểu Đinh Văn Hồng đề nghị UBND tỉnh có phân tích, đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân. Trên cơ sở đó, đưa ra các giải pháp trong quản lý doanh nghiệp sau khi đăng ký kinh doanh bảo đảm hoạt động hiệu quả, đúng quy định, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu HĐND tỉnh cũng kiến nghị các giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 20.4.2022 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn như: hỗ trợ phát triển đàn bò sữa; bố trí kinh phí thanh toán hỗ trợ thực hiện mô hình mạ khay máy cấy ở huyện Lý Nhân… Bên cạnh đó, rà soát các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở các xã để hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai hoàn thiện và nâng cao chất lượng thực hiện sau khi đã đạt chuẩn, nhất là các tiêu chí về cảnh quan, môi trường, tỉ lệ tham gia BHYT; hướng dẫn việc xây dựng thôn, xã thông minh để cấp xã, cấp huyện hoàn thành tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Đào Cảnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/danh-gia-thuc-chat-ket-qua-phat-trien-kinh-te-i381374/