Đánh giá toàn diện bất cập trong đấu thầu mua sắm thuốc, thiết bị y tế
Nêu yêu cầu này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách phản ánh, thực tế có những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này xuất phát từ những văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu.
Trình Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) sáng nay, 7/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi toàn diện Luật này.
Theo đó, so với Luật hiện hành, dự luật mới sửa đổi 75 điều, bổ sung mới 21 điều, giữ nguyên 2 điều, bãi bỏ 12 điều.
Nội dung của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở 5 nhóm chính sách đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua trong đề nghị xây dựng Luật.
Cụ thể, các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm xác định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu; nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu.
Việc sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện chính sách đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh, mua sắm sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi nhóm lao động yếu thế nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu cũng là mục tiêu của dự thảo luật sửa đổi lần này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự luật tiếp tục quy định về hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, đồng thời bổ sung hoạt động lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật.
Dự thảo cũng xác định rõ phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp có vốn nhà nước, trong đó tiếp tục áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng quy định tại khoản 1, Điều 88 Luật Doanh nghiệp, bao gồm: doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Không áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng (bãi bỏ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu năm 2013).
Để phù hợp với phạm vi điều chỉnh nêu trên của Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp nhà nước, dự thảo Luật (khoản 32, Điều 4) sửa đổi khái niệm “Vốn Nhà nước”, theo đó gồm: vốn ngân sách nhà nước; vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ ngoài vốn ngân sách nhà nước; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo luật hiện hành, vốn Nhà nước bao gồm vốn ngân sách Nhà nước; công trái quốc gia, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương; vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh; vốn vay được bảo đảm bằng tài sản của Nhà nước; vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước; giá trị quyền sử dụng đất.
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đề nghi tiếp tục rà soát kỹ, quy định về khái niệm “vốn nhà nước” bảo đảm đầy đủ, bao quát và thống nhất với quy định tại các luật có liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN, Luật Đối tác công tư…
Một số ý kiến đề nghị, không đưa vào phạm vi điều chỉnh đối với nguồn thu dịch vụ do người dân tự nguyện chi trả của đơn vị sự nghiệp y tế, do đây không phải là nguồn vốn nhà nước và để đảm bảo quyền tự chủ của đơn vị.
Ý kiến khác cho rằng, để phát huy quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, đề nghị quy định trong luật cho phép đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ được lựa chọn việc áp dụng hoặc không áp dụng quy định của Luật Đấu thầu. Có ý kiến đề nghị chỉ áp dụng đấu thầu đối với đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Đồng tình với đề xuất bỏ “dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng” của dự thảo Luật Đấu thầu so với luật hiện hành, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, việc bỏ quy định trên nhằm tạo sự đồng bộ với khái niệm doanh nghiệp Nhà nước quy định của Luật số 69/2014/QH13 về Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp là phù hợp.
Dù vậy, nhiều đại biểu lưu ý cần rà soát, sửa đổi quy định rõ việc quản lý vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp khác không thuộc Doanh nghiệp Nhà nước tại Luật số 69/2014/QH13 để một mặt bảo đảm tăng cường quản lý vốn của Nhà nước và vốn của doanh nghiệp nhà nước, song phải bảo đảm được quyền tự chủ và quyền quyết định kinh doanh của doanh nghiệp.
Lo ngại quy định này sẽ thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu, dẫn đến thiếu chặt chẽ trong quản lý vốn của nhà nước tại doanh nghiệp, có ý đề nghị giữ quy định phạm vi điều chỉnh của luật bao gồm các dự án đầu tư phát triển có sử dụng vốn nhà nước cấp trực tiếp, vốn nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước từ 50% trở lên hoặc dưới 50% nhưng trên 1.000 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.
Liên quan đến nội dung về đấu thầu tập trung, mua thuốc, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường phản ánh, đa số ý kiến của Ủy ban đề nghị Chính phủ cần đánh giá toàn diện, sâu sắc những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua để có những quy định cụ thể hơn, hạn chế việc giao Chính phủ quy định chi tiết.
Bởi lẽ, thực tế thời gian qua những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này xuất phát từ những văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu.