Đánh giá tổng thể về trường chuyên, đề ra định hướng căn bản
Những ý kiến khác nhau xoay quanh mô hình trường chuyên những ngày qua thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhìn lại chặng đường phát triển của các trường chuyên, có thể thấy vai trò quan trọng của hệ thống này trong công tác đào tạo nhân tài. Để phát triển năng lực của học sinh, tăng hiệu quả đầu tư, ngành Giáo dục sẽ đánh giá tổng thể về kết quả và những bất cập để xác định hướng đi căn bản cho hệ thống trường chuyên trong thời gian tới.
Những đóng góp tích cực
Hệ thống trường chuyên tại Việt Nam ra đời vào khoảng năm 1965, bắt đầu từ những lớp chuyên toán tại các trường đại học, sau đó được thiết lập rộng rãi ở nhiều tỉnh, thành phố. Điểm qua kết quả của một số trường chuyên lớn để thấy những đóng góp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Các thế hệ học trò Trường Trung học phổ thông (THPT) chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Hồ Chí Minh) đều tự hào về truyền thống là nơi đào tạo nhiều tài năng, như Trần Minh Triết - một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2001; Lê Diệp Kiều Trang có mệnh danh “cô gái vàng của làng khởi nghiệp Việt Nam”... Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) cũng nổi tiếng với những thành tích về đào tạo nhân tài, trong đó có nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Trần Thọ Đạt; “cao thủ toán học” Vũ Đức Tài từng chinh phục 12 trường đại học hàng đầu của Mỹ...
Còn tại Hà Nội, những thành tích về giáo dục mũi nhọn của ngành Giáo dục Thủ đô trong những năm qua có sự đóng góp không nhỏ của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Đây cũng là ngôi trường có số lượng thành viên đội tuyển tham dự các kỳ Olympic quốc gia, quốc tế nhiều nhất, góp phần giữ vững vị trí dẫn đầu về chất lượng của ngành Giáo dục Thủ đô nhiều năm qua. Một trong những cái “tên vàng” được nhắc nhiều nhất, đó là Nguyễn Mạnh Quân với thành tích kép: Vừa giành Huy chương vàng, vừa là thí sinh Việt Nam đầu tiên đạt điểm cao nhất kỳ thi Olympic thiên văn học và vật lý thiên văn năm 2019 - môn học chưa có trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành của học sinh Việt Nam.
Cần thiết phải đổi mới
Những ý kiến khác nhau về mô hình trường chuyên xuất phát từ sau chia sẻ của một cựu học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsteram trên mạng xã hội. Bên cạnh việc khẳng định những đóng góp của các trường chuyên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước..., các ý kiến cũng bày tỏ sự quan tâm, mô hình này sẽ phát triển như thế nào để vừa phát huy năng lực học sinh chuyên, vừa tăng hiệu quả đầu tư.
Từng là cựu học sinh chuyên, giảng dạy tại trường chuyên, Tiến sĩ Nguyễn Đức Huy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, trường chuyên là cần thiết, tuy nhiên, mô hình này cần đổi mới, thích ứng với sự phát triển kinh tế, xã hội và khoa học, kỹ thuật. Trường chuyên phải thực hiện đầy đủ, toàn diện các yêu cầu giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời với nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng, phát triển tài năng. Với vai trò, nhiệm vụ như vậy, việc đầu tư cho trường chuyên nhiều hơn so với các trường phổ thông đại trà là phù hợp.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cần làm rõ mục đích, nhiệm vụ của trường chuyên là tuyển chọn, bồi dưỡng nhân tài, từ đó có sự ưu tiên đầu tư. Trường chuyên phải thay đổi phương thức đào tạo học sinh theo hướng phát triển tích hợp nhiều môn, thay cho việc đào tạo theo từng môn cơ bản như hiện nay; phải huy động thêm nguồn lực từ các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở sản xuất để phục vụ tốt hơn cho công tác đào tạo nhân tài. Học sinh chuyên cũng cần có thêm các điều kiện cần thiết về môi trường học tập, rèn luyện để nâng cao sức khỏe, phát triển thẩm mỹ, xúc cảm, góp phần thúc đẩy sự say mê, sáng tạo.
Liên quan đến sự phát triển của trường chuyên, bà Lê Thanh Thúy (ngõ 294 Đội Cấn, phường Cống Vị, quận Ba Đình) đề xuất, các ngành chức năng cần xem xét, đánh giá về sự tồn tại của cấp trung học cơ sở trong trường chuyên hiện nay, xem có cần thiết và đúng quy định không. Nếu không, cần điều chỉnh để mở rộng cơ sở vật chất, tạo điều kiện nhiều hơn cho học sinh cấp THPT học tập, phát triển toàn diện.
Dư luận cũng đặt câu hỏi, thành phố đầu tư để xây dựng trường THPT chuyên với đầy đủ chức năng nhằm tạo điều kiện bồi dưỡng nhân tài, nhưng hiện cơ sở vật chất ấy đang được sử dụng để phục vụ cho cấp THCS với lý do tạo nguồn cho cấp THPT thì có là hợp lý ? Với mặt bằng giáo dục hiện nay ở các thành phố lớn, địa phương nào cũng đầu tư trường chất lượng cao, chả nhẽ hệ thống này không đóng góp được gì cho việc tạo nguồn học sinh tài năng ?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, theo quy định tại Luật Giáo dục, cấp trung học cơ sở không có trường chuyên. Hiện tại, một vài trường THPT chuyên có cấp trung học cơ sở, nhưng không phải là hệ chuyên. Dù chưa có đánh giá cụ thể về vai trò của hệ trung học cơ sở ở trường chuyên, nhưng thực tế cho thấy, số học sinh trung học cơ sở ở trường chuyên khi thi vào hệ THPT chuyên có tỷ lệ đỗ cao.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành cho rằng, Luật Giáo dục quy định trường chuyên dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập, nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục toàn diện, nhà nước ưu tiên bố trí giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị và ngân sách cho trường chuyên. Ngày 24-6-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 959/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 với 6 giải pháp, nhằm thực hiện nhiệm vụ phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, tạo nguồn tiếp tục đào tạo thành nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Như vậy, mô hình trường chuyên đã được Đảng, Nhà nước chỉ đạo và thể chế hóa tại Luật, vì vậy không thể xã hội hóa trường chuyên.
Để có định hướng phát triển mô hình trường chuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức tổng kết Đề án vào cuối năm nay, đánh giá những kết quả và hạn chế, từ đó xác định hướng đi căn bản cho hệ thống trường chuyên thời gian tới.