Đánh giá về cuộc chiến 'tiêu hao kinh tế' của phương Tây với Nga
Mặc dù các biện pháp trừng phạt không thể đánh bại Nga, nhưng chúng đã có tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước này vào năm ngoái và dự kiến sẽ còn có tác động lớn hơn trong năm nay.
Theo nhận định của Tiến sĩ Antonio Graceffo, chuyên gia kinh tế và là giảng viên về kinh tế tại các trường đại học Mỹ, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt Moskva. Khía cạnh kinh tế của cuộc xung đột này đã được gọi là "mặt trận thứ ba". Mặc dù các biện pháp trừng phạt không thể đánh bại Nga, nhưng chúng đã có tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước này vào năm ngoái và dự kiến sẽ còn có tác động lớn hơn trong năm nay.
Các biện pháp trừng phạt đầu tiên do Mỹ áp đặt ngay sau khi xung đột ở Ukraine bắt đầu đã ngăn chặn việc bán hầu hết hàng hóa và công nghệ cho Nga. Các ngân hàng và công ty phương Tây bị cấm giao dịch với nhiều ngân hàng lớn nhất của Nga. Nhiều tổ chức tài chính của Nga đã bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Các tổ chức tài chính không còn được phép cấp tín dụng cho một số tập đoàn lớn của Nga. Dự trữ ngoại tệ của Điện Kremlin, được gửi tại các ngân hàng phương Tây, đã bị đóng băng và giao dịch trái phiếu chính phủ Nga đã bị cấm.
Trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính khác dự đoán rằng nền kinh tế Nga sẽ suy giảm từ 8 đến 10%. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Nga đã nhanh chóng hành động để bảo vệ nền kinh tế và ổn định tiền tệ. Chính phủ Nga đã quốc hữu hóa tài sản của các công ty nước ngoài rút khỏi nước này. Các ngân hàng Nga tăng lãi suất lên 20%. Các hạn chế được đặt ra đối với việc chuyển đổi đồng rúp sang USD, trong khi các công ty buộc phải chuyển đổi 80% số USD mà họ nắm giữ sang đồng rúp. Mặc dù ban đầu đồng rúp đã mất giá, nhưng đến mùa hè năm 2022 đã phục hồi.
Một hậu quả ngoài ý muốn đối với các biện pháp trừng phạt ngăn cản xuất khẩu sang Nga là chúng đã ngăn dòng vốn rút khỏi nước này. Với doanh thu xuất khẩu tăng do giá dầu tăng vọt và ngân sách chi cho nhập khẩu giảm, đến tháng 11 năm ngoái, Nga đã có thặng dư thương mại lớn. Doanh thu từ dầu khí tăng 28 % trong khi GDP tiếp tục phát triển.
Vào tháng 12/2022, tất cả đã thay đổi, khi bảng cân đối kế toán của Nga phải hứng chịu một loạt tin xấu. Giá dầu giảm mạnh, EU áp đặt trần giá dầu và Moskva hoàn thành việc hạch toán chi phí xung đột cho thấy GDP giảm 2,1 % vào năm 2022.
Năm 2021, Nga cung cấp 17,5% lượng dầu của thế giới, 47% lượng palađi, 16,7% niken, 13% nhôm và gần 1/4 lượng phân kali. Việc hạn chế xuất khẩu nguyên liệu này cũng gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu, và do đó, các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất được áp dụng đối với các mặt hàng ít quan trọng hơn: thép, than và gỗ chế biến xuất khẩu sang châu Âu. Kết hợp lại, chúng chỉ chiếm 11,7% xuất khẩu của Nga. Do đó, chúng không gây tác hại lớn với Moskva, nhưng những hạn chế này gây áp lực kinh tế to lớn lên các khu vực cụ thể của Nga, nơi đặt các mỏ, nhà máy chế biến và sản xuất.
Moskva cũng đã tìm cách giảm thiểu tác động đối với nền kinh tế trong nước bằng cách tăng chi tiêu công thêm 32%. Trong năm 2022, Điện Kremlin đã tăng chi tiêu ngân sách theo kế hoạch lên 113 tỷ USD, gần một nửa trong số đó dành cho quân đội. Số tiền còn lại được dùng để tăng các khoản thanh toán xã hội, bao gồm cả viện trợ cho các gia đình có trẻ em. Chi tiêu này đã tạo ra thâm hụt ngân sách khoảng 50 tỷ USD và được bù đắp bằng việc rút tiền từ Quỹ tài sản quốc gia.
Năm 2022 đã kết thúc với nền kinh tế Nga không bị tổn thất như các chuyên gia phương Tây dự đoán, nhưng cũng không như kỳ vọng của Điện Kremlin. Sản xuất ô tô mới giảm 59 %, trong khi sản xuất máy bay giảm ít nhất 25%. Chỉ có khoảng 30% máy công cụ được sản xuất tại Nga và ngành chế tạo máy đã suy giảm 10% vào năm ngoái.
Ngành dược phẩm phụ thuộc khoảng 80% vào nguyên liệu thô nhập khẩu. Hậu quả là nguồn cung thuốc bị khan hiếm. Phụ tùng thay thế đang cạn kiệt và ngày càng nhiều phương tiện và máy móc phải ngừng hoạt động. Những lệnh cấm của phương Tây đối với việc bán công nghệ lưỡng dụng cũng đã ảnh hưởng đến việc sản xuất các thiết bị quân sự.
Hiện tại, Nga có thể vẫn đang sử dụng hàng dự trữ, nhưng một khi cạn kiệt, sẽ rất khó để sản xuất vũ khí và thiết bị hiện đại hơn. Các vi mạch là một trong những mặt hàng không còn được bán cho Nga và họ sẽ khó tự sản xuất. Máy bay không người lái (UAV), vốn đóng một vai trò quan trọng trong cuộc giao tranh ở Ukraine, sẽ khó chế tạo nếu không có đầu vào công nghệ phương Tây. Những máy bay không người lái, chẳng hạn như UAV “cảm tử” KUB-BLA, E95M và Orlan-10 UAV, tất cả đều dựa vào công nghệ nhập khẩu.
Sản lượng dầu của Nga tăng 7% kể từ đầu năm, nhưng điều này có thể là do nhu cầu gia tăng từ quân đội Nga. Tuy nhiên, với việc xuất khẩu sang châu Âu giảm, sản lượng dự kiến sẽ giảm từ 7 đến 8% vào cuối năm 2023. Việc áp giá trần với dầu được áp dụng, có nghĩa là không có loại dầu nào có thể bán cho châu Âu với giá hơn 60 USD/thùng. Các công ty bảo hiểm và tàu buôn của châu Âu và đồng minh sẽ không chở dầu của Nga có giá cao hơn 60 USD/thùng.
Kể từ khi mức trần được đưa ra vào tháng 12/2022, doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm 17%. Để thu hút người mua, dầu của Nga phải được định giá thấp hơn giá dầu thị trường. Đồng thời, giá xăng và dầu toàn cầu đã giảm 43% kể từ mức đỉnh năm 2022. Giờ đây, Nga không chỉ phải bán dưới mức giá toàn cầu thấp hơn này mà để vượt qua các lệnh trừng phạt, khí đốt và dầu mỏ còn phải đi một chặng đường dài đến Ấn Độ. Điều này kéo dài thêm một tháng và chi phí thêm khoảng 10 USD mỗi thùng. Theo hầu hết các nhà phân tích, nền kinh tế Nga dự kiến sẽ giảm 2,3%. Tuy nhiên, sự thu hẹp này có thể tồi tệ hơn nếu Nga không tìm được thị trường bổ sung cho hàng xuất khẩu của mình.
Trong năm thứ hai của cuộc xung đột, chi tiêu quốc phòng của Nga dự kiến sẽ đạt 5% GDP. Thâm hụt ngân sách năm 2023 có thể được bù đắp bằng cách rút tiền từ Quỹ tài sản quốc gia, nhưng Điện Kremlin đã chi khoảng 1/4 quỹ, chỉ còn lại hơn 87 tỷ USD dưới dạng tài sản lưu động. Với việc cấm bán trái phiếu chính phủ Nga trên phạm vi quốc tế, tăng thuế và cắt giảm các chương trình xã hội có thể là những lựa chọn duy nhất còn lại. Năm ngoái, Chính phủ Nga đã tăng chi tiêu xã hội và việc đảo ngược các chính sách đó có thể gây ra phản ứng dữ dội từ công chúng.
Samuel Charap, một nhà khoa học chính trị cao cấp tại Tập đoàn RAND và là cựu cố vấn cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng Nga có thể chịu được các biện pháp trừng phạt cho đến nay, bởi vì chúng đã được áp đặt dần dần, trong khoảng thời gian một năm, tạo cho Moskva thời gian để điều chỉnh. Bên cạnh đó, có một thị trường "ngầm" đang giúp Nga vượt qua các lệnh trừng phạt.
Vì vậy, trong tuyên bố khai mạc tại phiên điều trần của Ủy ban Thượng viện Mỹ, nghị sĩ Tim Scott nói rằng các biện pháp trừng phạt thứ cấp, hiện có cần phải được thực thi đối với Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác được cho là đang hỗ trợ nền kinh tế Nga.
Rachel Ziemba, một thành viên cao cấp về kinh tế và an ninh tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, nói rằng các biện pháp trừng phạt hiện không thể đánh bại được Nga hoàn toàn, mà sẽ chỉ có thể làm suy yếu nước Nga, hạn chế nghiêm trọng tốc độ tăng trưởng GDP và khiến nước này tụt hậu trong nhiều năm về phát triển công nghệ. Tuy nhiên, chiến thắng cuối cùng sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ và các đồng minh có tiếp tục hỗ trợ Ukraine hay không.
Theo chuyên gia trên, cuộc xung đột này cũng có thể coi là cuộc chiến tiêu hao kinh tế giữa Nga và Ukraine. Nước nào sụp đổ trước sẽ thua. Nền kinh tế Ukraine bị thu hẹp 30,4% trong năm 2022. Khoảng 8 triệu người đã rời khỏi đất nước, trong khi 5,4 triệu người phải di tản ở trong nước. Hệ thống cơ sở hạ tầng năng lực bị đe dọa. Sản xuất đang bị thu hẹp, do ảnh hưởng bởi hậu cần và vận chuyển không chắc chắn. Không có cách nào để Kiev có thể phục hồi nền kinh tế, càng không thể đảm bảo mức sống cho toàn bộ người dân mà không có sự trợ giúp từ bên ngoài.
Và điều đó cho thấy một cạnh khác của cuộc chiến kinh tế. Trong khi các đồng minh phương Tây đang tìm cách hủy hoại nền kinh tế Nga, họ cũng tìm cách hỗ trợ cho Ukraine. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuyên bố rằng hỗ trợ tài chính của Mỹ là cần thiết để giúp Chính phủ Ukraine tồn tại. Yuliya Pavytska, một nhà phân tích kinh tế tại Trường Kinh tế Kiev, xác nhận rằng nền kinh tế Ukraine phụ thuộc vào viện trợ từ phương Tây, nhưng khẳng định rằng sẽ không sụp đổ.
Tóm lại, Tiến sĩ Antonio Graceffo cho rằng, kế hoạch chi tiết cho chiến tranh tiêu hao kinh tế đã được phát triển trong khoảng thời gian hàng thế kỷ. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đang là thử nghiệm khác và phương Tây sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung chiến lược này để khiến nó trở thành một trong những vũ khí mạnh nhất được triển khai trong các cuộc chiến trong tương lai.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya-1 ngày 15/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá tình hình kinh tế nước này ổn định, với những chỉ số đạt được không chỉ tốt hơn dự báo mà còn vượt kỳ vọng của giới lãnh đạo đất nước. Tổng thống Nga nêu rõ tỷ lệ thất nghiệp - một trong những chỉ số kinh tế vĩ mô chính của nước này, đang ở mức thấp lịch sử. Tổng thống Putin cho biết lạm phát tại Nga thấp hơn dự báo, đặc biệt đang có xu hướng giảm. Do đó, ông cho rằng đến cuối quý I/2023, lạm phát có thể giảm xuống gần 5% so với mức 11,9% hiện tại.
Nhật báo New York Times của Mỹ ngày 31/1 đăng tải bài viết đánh giá lĩnh vực ngoại thương của Nga phần lớn đã quay trở lại mức trước khi cuộc xung đột ở Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022 và nền kinh tế nước này nói chung đã chứng tỏ khả năng phục hồi tốt hơn dự đoán của phương Tây.