Đánh giá về thủ tục hải quan, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản nói gì?

Đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tại buổi Công bố kết quả về mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu năm 2018, ngày 8/1, bà Trần Hoàng Yến đã đưa ra một số thủ tục hành chính gây cản trở, đồng thời khuyến nghị giải pháp để cơ quan chức năng giảm thời gian và phi phí cho doanh nghiệp ngành thủy sản thời gian tới.

Bà Trần Hoàng Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại (VASEP PRO) chia sẻ tại buổi Công bố. (Ảnh: Minh Hoa/DNVN).

Bà Trần Hoàng Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại (VASEP PRO) chia sẻ tại buổi Công bố. (Ảnh: Minh Hoa/DNVN).

Tuy nhiên, bà Yến chỉ rõ: Mặc dù cơ quan hải quan đã có nhiều cải cách và quy định về thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp rút ngắn được thời gian thông quan hàng hóa, nhưng lĩnh vực thủy sản chưa có nhiều thủ tục hành chính đưa lên cổng thông tin một cửa quốc gia.

“Theo phản ánh nhận được của các cơ quan thủy sản, năm 2018 vẫn còn một số thủ tục hành chính gây cản trở cho hoạt động xuất nhập khẩu. Việc sửa đổi văn bản thủ tục hải quan còn chậm so với tiến độ đề ra, công tác kiểm tra xuất nhập khẩu chuyên nghành chưa thực sự được cải thiện, còn rất nhiều vướng mắc. Chưa kể đến việc thực thi của một số cơ quan hải quan địa phương vẫn còn gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp, tạo rào cản không đáng có cho doanh nghiệp”, bà Yến nói.

Cụ thể hơn, bà Yến đã nêu ra các bất cập liên quan đến vấn đề phế liệu, phế phẩm, vật tư, nguyên liệu dư thừa trong ngành thủy sản không được miễn thuế; vấn đề nộp thuế tại hai cơ quan thuế khác nhau và thủ tục chiếu xạ hàng hóa thủy sản xuất khẩu.

Theo đó, trong ngành thủy sản, vấn đề phế liệu, phế phẩm, vật tư, nguyên liệu dư thừa không bao giờ được miễn thuế.

Các ngành khác là gia công thì sử dụng gần như hết nguyên liệu nhập về, trừ tỉ lệ rất nhỏ lỗi, hỏng. Nhưng riêng ngành thủy sản, nguyên liệu dư thừa bỏ đi rất nhiều, tới 20-25% nên không bao giờ đáp ứng được chỉ tiêu 3% nguyên liệu vật tư dư thừa được miễn thuế. Điều này gây thiệt thòi lớn cho ngành thủy sản. VASEP đã có rất nhiều văn bản phản ánh lên Bộ Tài chính nhưng chưa được giải quyết.

Đối với vấn đề nộp thuế, từ giữa năm 2018 đến nay, một số thuế như thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt doanh nghiệp phải nộp cho hải quan còn thuế thu nhập doanh nghiệp thì nộp cho cơ quan thuế địa phương. Như vậy, doanh nghiệp thủy sản phải nộp một lúc cho hai cơ quan thuế và điều này đã làm gia tăng thêm thủ tục hành chính cho cả hai cơ quan thuế, gây phức tạp hơn cho công tác quản lý thuế. VASEP đã kiến nghị nên quy về một mối - về cơ quan thuế nội địa, để tiện lợi hơn, nhưng đến giờ vẫn chưa được Bộ Tài chính xem xét.

Nguồn: Internetr.

Nguồn: Internetr.

Đó là chưa kể tới quy định chỉ cho phép kiểm hóa hộ với hàng nguyên liệu nhập khẩu, mà không cho phép với hàng xuất khẩu, dẫn đến tình trạng một số hàng của các doanh nghiệp thủy sản phải làm thủ tục chiếu xạ, doanh nghiệp phải chuyển hàng lên TPHCM hoặc Bình Dương (vì chỉ hai nơi này mới có). Chiếu xạ xong lại đưa hàng quay lại tỉnh mình, nhà máy của mình để chi cục hải quan của tỉnh làm thủ tục kiểm hóa, sau đó, kéo ngược hàng hóa về nơi đưa đi xuất khẩu. Doanh nghiệp vì thế mất rất nhiều thời gian và chất lượng hàng bị ảnh hưởng. Bất cập này đã được VASEP gửi lên Tổng cục Hải quan và VASEP vẫn lại… chờ phản hồi.

Ngoài ra, các ngành khác được hưởng quy định quản lý rủi ro, giảm kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu, nhưng với ngành thủy sản thì bị kiểm tra tất cả các lô hàng, dẫn đến việc nhập khẩu của doanh nghiệp kéo dài, làm giảm chất lượng và tăng chi phí.

Khuyến nghị mà đại diện cho VASEP đưa ra là:

Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan tiếp tục có những cải cách về quy định thuế, hải quan, thúc đẩy cải cách các quy định thủ tục kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành có liên quan để giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tổng cục Hải quan cần tổ chức và thực hiện có hiệu quả hơn việc thi hành pháp luật hải quan sao cho thông thoáng hơn các thủ tục.

Cuối cùng, đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan tiếp tục nâng cấp công nghệ thông tin khi giải quyết thủ tục hành chính, sớm đưa ra nhiều thủ tục của các bộ ngành lên cổng thông tin một cửa quốc gia, bà Yến nhấn mạnh.

Nhật Minh

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/y-kien/danh-gia-ve-thu-tuc-hai-quan-hiep-hoi-che-bien-va-xuat-khau-thuy-san-noi-gi-4492.html