Dành hết tâm lực cho học trò khiếm thị

Từ khi được học với thầy, chưa bao giờ chúng tôi nghe thầy nói nặng lời với bất cứ học trò nào. Thầy âm thầm yêu thương, chăm lo những đứa trẻ khiếm thị với phương châm 'dỗ trước, dạy sau'

Thầy giáo Nguyễn Thanh Thăng - nguyên Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy Thanh thiếu niên mù Hải Phòng, nay là Trường Nuôi dạy Trẻ em Khiếm thị Hải Phòng - là người sống rất giản dị. Khi nghỉ hưu, tài sản giá trị nhất của thầy là căn nhà cấp bốn.

Xoay xở để học trò ăn học miễn phí

Có hôm, tôi đi xe ôm tới thăm thầy Thăng, vừa rẽ vào ngõ đã có người báo: "Thầy đi phát quà rồi, Năm nay thầy xin được gạo cho những người khuyết tật trong phường ăn Tết".

Thầy Thăng là vậy, đến tuổi hưu lại tham gia những công việc xã hội của phường Thành Tô, quận Hải An, TP Hải Phòng. Thầy luôn nhắc nhở học trò cũ: "Đối với người khiếm thị, lúc nào cũng phải kiên trì và nhiệt tình trong lao động cũng như trong học tập". Thầy đã dùng chính bản thân để giáo dục đạo đức cho học trò về việc tiếp tục cống hiến cho xã hội.

Trước khi nhận chức hiệu trưởng Trường Nuôi dạy Thanh thiếu niên mù Hải Phòng, thầy đã nhiều năm làm chuyên viên của Hội Người mù thành phố. Hiểu rõ những hạn chế của học trò hỏng mắt song thầy vẫn cứ dấn thân vì hạnh phúc của bao đứa trẻ khiếm khuyết. Thầy không phải là người dạy cho chúng tôi học tập các môn như văn, toán mà hơn thế, thầy là người mẹ lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho bầy trẻ.

Tới nay đã hơn 30 năm, nhiều phụ huynh học sinh Trường Nuôi dạy Thanh thiếu niên mù Hải Phòng vẫn chưa quên buổi họp phụ huynh dịp kết thúc năm học đầu tiên của trường. Hôm ấy, tất cả các khoản đóng góp của gia đình cho học sinh đều được trả lại. Gia đình nào đón con về nhà chơi còn được nhận những bữa cơm của ngày nghỉ. Thầy hiệu trưởng giải thích: "Nhà trường không thể cho học sinh này ăn mà không cho học sinh kia ăn. Nhà trường cân đối tài chính, quyết định miễn cả".

Thầy giáo Nguyễn Thanh Thăng và tác giả trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2020. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Thầy giáo Nguyễn Thanh Thăng và tác giả trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2020. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Từ khi trường thành lập tới năm 2000, học sinh khiếm thị được miễn phí toàn phần. Học trò từ tỉnh khác đến học cũng không phải đóng góp. Có giai đoạn khó khăn, học sinh đông, mỗi bữa ăn lên tới hơn 50 suất. Nhà trường đành kêu gọi phụ huynh đóng góp một phần nhưng nhiều gia đình khó khăn xin miễn, thầy lại thôi, không thu nữa. Những dịp lễ Tết, học sinh chúng tôi đều có quà từ các nhà hảo tâm. Học sinh học hết tiểu học ra trường được nhận phần quà bằng hai lần tháng lương cơ bản.

Để khuyến khích các gia đình cho con đi học hòa nhập cộng đồng, học sinh khiếm thị đi học hòa nhập ở các trường bình thường từ năm 1991-2000 được hưởng chế độ như là học sinh nội trú. Những gia đình nghèo được tặng xe đạp để chở con đi học. Thầy Thăng là người hiểu hơn ai hết: Hỏng mắt phải hòa nhập cộng đồng thì điều kiện phát triển sẽ tốt hơn, cộng đồng sẽ có nhiều người cảm thông, chia sẻ hơn. Với thầy, gia đình có con khuyết tật là khổ lắm rồi. Ai có điều kiện tự nguyện đóng góp, thầy giới thiệu gia đình nghèo để phụ huynh giúp đỡ nhau.

Đừng sợ ngã!

Ngôi trường ngày ấy ở trong khuôn viên nhà thờ Phố Dinh, đường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, TP Hải Phòng. Trường lúc mới thành lập chỉ có 6 căn phòng.

Thường ngày, thầy Thăng ngồi làm việc ở chiếc bàn dưới mái hiên lớp học. Với tiếng bước chân nhanh nhẹn hoạt bát và tiếng cười ấm áp của thầy, những học sinh khiếm thị chúng tôi cảm thấy thân thuộc tựa như bố mình ở nhà. Cảm giác phải sống xa gia đình dần tan biến. Chúng tôi thấy mái trường như là căn nhà thứ hai của mình. Những đêm mùa đông giá rét, thầy tới từng giường kiểm tra xem học trò nào chưa đủ ấm. Những trưa hè nóng bức, thầy lại đi kiểm tra xem phòng nào quạt chưa đủ mát…

Thầy đã dành hết tâm lực để dạy bảo, giúp học trò trưởng thành và tự tin hơn. Buổi sinh hoạt tập thể thứ hai đầu tuần là tiết dạy của thầy. Cả trường ngồi quây quần trong căn phòng nội trú của học sinh nam, nghe thầy chia sẻ về cuộc sống. Thầy thường kể về những tấm gương người khiếm thị vượt khó, trở thành những người có ích và những kỳ vọng của thầy đối với chúng tôi. "Người khiếm thị làm ra được một đồng giá trị bằng người mắt sáng làm ra được một ngàn đồng" - thầy tâm niệm.

Tôi cảm thấy may mắn và tự hào khi có một người hiệu trưởng như thầy Thăng. Thầy luôn đồng hành, hỗ trợ và truyền cảm hứng cho chúng tôi trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường và cả sau này.

Thầy hay dặn: "Người khiếm thị tự di chuyển, không cẩn thận sẽ vấp ngã. Khi đứng lên ta sẽ biết đường đi. Sợ ngã, cứ ở trong nhà cả đời thì chúng ta sẽ phải sống phụ thuộc vào gia đình về mọi mặt". Giọng nói của thầy dứt khoát nhưng ấm áp, khiến chúng tôi cảm thấy gần gũi và thân thiện. Sự chân chất của người dân quê và sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ là những điều nhiều phụ huynh không thể quên được từ người hiệu trưởng tận tâm với công việc.

Với chiếc xe đạp, thầy đi khắp các vùng quê của TP Hải Phòng, đến từng nhà học sinh để hiểu rõ hơn về từng hoàn cảnh. Với thầy, phụ huynh giàu hay nghèo đều như nhau, đều được nhà trường coi trọng cả. Thầy sống khiêm nhường với tất cả mọi người. Câu danh ngôn "Ngọc không mài không sáng, người không học không tài" mà thầy thường xuyên nhắc nhở vẫn luôn ở trong tâm trí tôi hơn 30 năm. Thầy nhấn mạnh: "Người hỏng mắt luôn phải lắng nghe và suy ngẫm, đừng bột phát nói những điều cảm tính".

Học hết tiểu học ở Trường Nuôi dạy Thanh thiếu niên mù Hải Phòng, tôi tiếp tục học hòa nhập nên thời gian gắn bó với thầy dài hơn các bạn cùng khối lớp. Phần lớn học trò của trường ngày ấy sau này đều có khả năng lao động tự nuôi sống mình. Nhiều người là cán bộ quản lý hội người mù thành phố và các quận - huyện. Nhiều người mở tiệm tẩm quất, tạo việc làm cho các bạn đồng tật…

Cảm hóa học sinh bằng sự nhân hậu

Tôi nhớ thầy Thăng đưa ra khẩu hiệu cho giáo viên nhà trường là: "Dỗ và dạy: Dỗ trước, dạy sau". Tất cả giáo viên phải gần gũi, nắm vững hoàn cảnh, tâm tư, tình cảm của học sinh, hướng các em đi theo quỹ đạo của giáo dục. Nhờ tấm lòng nhân hậu, thầy đã cảm hóa được rất nhiều học trò. Tôi biết ơn về sự ảnh hưởng tích cực từ thầy, giúp tôi tiếp nối con đường gắn bó với giáo dục đặc biệt như người thầy mà mình hằng yêu quý.

Lê Trung Cường (Giáo viên Trường Khiếm thị Hải Phòng)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/danh-het-tam-luc-cho-hoc-tro-khiem-thi-196240602200903548.htm