Danh hiệu nghệ sĩ: Vì sao vẫn nhiều rắc rối?
Danh hiệu nghệ sĩ bỗng dưng trở thành câu chuyện nóng bỏng khi ngành văn hóa lấy ý kiến công khai về 487 hồ sơ xét tặng Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú. Dù biết, nghệ sĩ tồn tại trong lòng khán giả bằng tài năng và nhân cách, nhưng danh hiệu một khi đã được nâng lên đặt xuống thì ai cũng mong có được sự công bằng và khách quan.
Danh hiệu nghệ sĩ có thể xem như một sự ghi nhận đóng góp của cá nhân cho nền nghệ thuật nước nhà. Danh hiệu nghệ sĩ bắt đầu được phong tặng từ năm 1984 đến nay, đã trải qua 9 đợt. Danh hiệu nghệ sĩ đợt phong tặng lần thứ 10, được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đăng tải công khai để lấy ý kiến cộng đồng cho thêm phần khách quan và chính xác.
139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và 348 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, được lấy ý kiến trong vòng 20 ngày, từ ngày 26/7 đến ngày 16/8. Thực chất, đây cũng là một sinh hoạt văn hóa đáng kể của người hâm mộ. Bởi lẽ, khi nhìn vào 484 hồ sơ xét tặng đợt này, đã có nhiều bàn tán xôn xao.
Các hội đồng chuyên môn đã làm xong công việc của họ, nghĩa là căn cứ vào hồ sơ của ứng viên để đối chiếu các tiêu chí và bỏ phiếu bình chọn. Đại đa số ứng viên bị trượt ở các hội đồng chuyên môn vì chưa đủ số lượng huy chương cần thiết. Nếu tính từ đợt phong tặng thứ 9 vào năm 2019 đến nay, thì đời sống xã hội đã bị gián đoạn 2 năm vì COVID-19, nên những đợt hội diễn cấp tập và những liên hoan thích ứng bình thường mới vẫn khó bổ sung thỏa mãn số Huy chương cho các nghệ sĩ.
384 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú thì ít ai quan tâm, vì đó chỉ là món quà nghệ thuật khởi đầu. 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân mới thực sự được giới mộ điệu soi rọi kỹ lưỡng.
Người muốn được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân phải có ít nhất 20 năm kinh nghiệm, đã được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú từ 5 năm trở lên, và được ít nhất hai giải vàng hoặc một giải vàng và hai giải bạc tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế và các hội văn học nghệ thuật Trung ương từ khi được trao Nghệ sĩ Ưu tú.
Lẽ thường, muốn có giải thưởng hoặc muốn có huy chương thì phải thi thố. Thử hỏi, những nghệ sĩ lớn tuổi chỉ ngồi ghế giám khảo thì làm sao có huy chương hoặc giải thưởng? Cho nên, nghịch lý buồn cười là người thầy chấm cho người trò ở các cuộc thi, thì quay qua quay lại bỗng dưng… người thầy đứng dưới người trò về mặt danh hiệu!
Đối với các bộ môn nghệ thuật truyền thống thì phần lớn đều ủng hộ trao danh hiệu nghệ sĩ một cách cởi mở. Bởi lẽ, nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật truyền thống đều chấp nhận thiệt thòi về vật chất, chủ yếu làm nghề vì đam mê và cống hiến. Ai cũng vui mừng khi thấy danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu có tên các nghệ sĩ lĩnh vực chèo như Xuân Theo, Hoài Thu, Mai Hương, Ngọc Ánh... hoặc các nghệ sĩ tuồng như Tuyết Mai, Bích Tần, An Tư, Minh Hải... Còn ở lĩnh vực hát bội và cải lương cũng có nhiều nghệ sĩ được đề nghị phong tặng danh hiệu một cách xứng đáng. Tuy nhiên, danh sách đề nghị phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân có tên cô đào Quế Trân mà lại vắng tên cô đào Thoại Mỹ thì cũng hơi băn khoăn.
Danh hiệu nghệ sĩ đôi khi giống như tiếng thơm giữa làng, nhiều người rất khao khát. Có những người thuộc giới sáng tác như nhạc sĩ cũng không mấy tự tin vào tác phẩm của mình, mà cứ háo hức ứng thí Nghệ sĩ Nhân dân hoặc Nghệ sĩ Ưu tú. Ngoài ra, có những nghệ sĩ đã ngừng biểu diễn để tham gia công tác quản lý văn hóa, vẫn kiên trì nộp đơn đòi danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Danh hiệu nghệ sĩ xác lập từ huy chương hay từ công chúng? Có những nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập luôn hăng hái tìm kiếm huy chương, nhưng cũng có những nghệ sĩ tự do rất được công chúng yêu mến đã không màng thi thố thì chẳng thể lấy đâu ra huy chương. Trước đây, đã có trường hợp phải đặc cách phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân như trường hợp nam nghệ sĩ cải lương Minh Vương.
Nghĩ cũng lạ, có những nghệ sĩ đạt đẳng cấp thượng thừa mà đồng nghiệp đều phải công nhận, song họ không có điều kiện để tham gia hội diễn kịch hoặc tham gia liên hoan phim, thì làm sao dự phần vào những đợt phong tặng danh hiệu? Sự ngậm ngùi của những cá nhân xuất sắc ấy cũng chính là sự ngậm ngùi của khán giả. Thật oái oăm, khi quá chú trọng huy chương mà quên đi khả năng chinh phục công chúng của nghệ sĩ, thì lắm phen Nghệ sĩ Nhân dân lại xa lạ với nhân dân.
Một ví dụ khiến nhiều người tiếc nuối cho đợt xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân lần này là anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp. Hai kỷ lục gia này không lọt vào danh sách vì “tuổi nghề chưa đủ”. Những người ủng hộ Quốc Cơ - Quốc Nghiệp thắc mắc, tuổi nào cho sự khổ luyện từ bé, cống hiến suốt cả tuổi vị thành niên cho đến thời tuổi trẻ rực rỡ nhất.
“Sức mạnh đôi tay” không chỉ đến từ cơ bắp, nó là mồ hôi và máu, là hành trình chinh phục để những bước đi vững chãi, những cú chồng đầu, chống tay thót tim kia đã làm dội lên hai tiếng Việt Nam ở bên ngoài Tổ quốc. Và, nó thắp lên bao niềm vui thơ bé, giấc mơ được chinh phục những điều không thể thành có thể nơi những cô bé, cậu bé vùng sâu vùng xa.
Khi biết tin không được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp bày tỏ: “Danh hiệu không phải là mục tiêu mà chúng tôi cố gắng mọi cách để đạt được. Mặc khác, danh hiệu trước giờ của chúng tôi đa số đạt được ở nước ngoài, cho nên mọi người cũng khó hiểu hết những thành tích đó”.
Một vị đạo diễn kiên quyết không làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu, ưu tư: “Phần lớn nghệ sĩ chúng ta là những người ngộ nhận và ảo tưởng, thậm chí đam mê rồi khát vọng sẽ nhanh chóng trở thành tham vọng đến vĩ cuồng. Nếu người nghệ sĩ lúc nào cũng thấy mình xứng đáng mà không được công nhận, thấy mình rất tài năng mà lại không may mắn hoặc không gặp được người tri âm sẽ dễ sa vào chán nản, bất mãn. Từ bất mãn sẽ nhen nhóm ngọn lửa ghen tị, đố kỵ và chủ động gây đơm đặt, thị phi, làm cho hình ảnh của giới văn nghệ sĩ xấu đi rất nhiều trong con mắt của xã hội.Với nghệ thuật, luôn có một sự đào thải khắc nghiệt và sòng phẳng. Chắc chắn “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Những gì là tinh hoa thì không thể nhan nhản, những gì là độc đáo, đặc sắc cũng không thể lấy theo thành tích đổ đồng mà thành. Điều mình tâm huyết nhất khi sáng tạo là mình bỏ ra bao nhiêu, sẽ nhận lại bấy nhiêu từ công chúng”.
Nền nghệ thuật nước nhà có quyền tự hào về những Nghệ sĩ Nhân dân như Phùng Há, Song Kim, Đào Mộng Long, Nguyễn Đình Nghi, Hồng Sến, Hải Ninh, Đặng Nhật Minh, Trà Giang, Đoàn Dũng, Thế Anh, Trần Tiến, Lê Dung, Thu Hiền, Tường Vy… Thế nhưng, cũng có những nghệ sĩ không may mắn được danh hiệu gì. Dù vậy, vai diễn của họ, giọng hát của họ, điệu múa của họ, nhân cách của họ… vẫn tỏa sáng trong lòng công chúng nhiều thế hệ. Vì vậy, cái thước đo quan trọng nhất của nghệ sĩ, không phải hoàn toàn nằm ở danh hiệu được sơn son thếp vàng mà chủ yếu nằm ở sự ngưỡng vọng của người đời, một cách hồn nhiên nhất, một cách trân trọng nhất!