'Đánh' mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia rượu, có phải là giải pháp tốt?

Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể tác động gián tiếp tới 24 ngành hàng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, cơ quan soạn thảo vẫn chưa đưa ra được đánh giá tác động của việc tăng thuế tới các ngành kinh tế khác, bao gồm cả dịch vụ lưu trú, ăn uống…

Dự kiến, trong năm nay, có 3 luật thuế sẽ được sửa đổi, bổ sung và đều tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp. Đó là Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trong đó, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 10 tới đây và thông qua tại Kỳ họp tháng 5/2025. Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật đó là tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia liên tục từ năm 2026 và đến năm 2030 sẽ chịu thuế suất lên tới 100%.

 Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể tác động gián tiếp tới 24 ngành hàng trong nền kinh tế. (Ảnh: ST)

Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể tác động gián tiếp tới 24 ngành hàng trong nền kinh tế. (Ảnh: ST)

Cụ thể, Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đề xuất hai phương án đánh thuế với mặt hàng rượu bia. Cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính đang nghiêng về phương án 2. Đó là: rượu từ 20 độ trở lên được áp thuế 80% vào năm 2026, tăng dần lên 100% vào 2030; rượu dưới 20 độ chịu thuế 50%, sau đó tăng lên cao nhất 70%; bia các loại cũng tăng dần, từ 80% lên 100%.

24 ngành sẽ bị ảnh hưởng

Theo TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt là điều tiết về hành vi tiêu dùng, trên cơ sở đó mới điều tiết sản xuất, hành vi tiêu dùng không chỉ với hàng hóa xa xỉ mà cả hàng hóa hướng tới bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường. Mục tiêu cuối cùng mới là thu ngân sách.

Xét theo mục tiêu đó, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia là cần thiết, nhằm điều tiết hành vi tiêu dùng đối với sản phẩm không có lợi cho sức khỏe. Tuy vậy, “bất kỳ chính sách nào khi được ban hành cần được đánh giá toàn diện trên nhiều khía cạnh”, song với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) lần này, việc đánh giá tác động còn khá sơ sài, chưa toát lên được tác động thực sự của quy định đưa ra, bà Thảo nhìn nhận.

Minh chứng cho nhận định trên, bà Thảo dẫn kết quả kháo sát sơ bộ cho thấy, việc tăng thuế này có thể tác động gián tiếp tới 24 ngành hàng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, Cơ quan soạn thảo vẫn chưa đưa ra được đánh giá tác động của việc tăng thuế tới các ngành kinh tế khác, bao gồm cả dịch vụ lưu trú, ăn uống… Do đó, cần có đánh giá toàn diện việc tăng thuế này không chỉ tác động tới ngành rượu bia, mà tới cả các ngành khác trong nền kinh tế.

Mặt khác, theo bà Thảo, các nhà đầu tư khi lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực nào đó, họ sẽ phải có tầm nhìn dài hạn, lên tới vài chục năm. Vì thế, nếu chính sách thay đổi không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp trong ngành hàng đó, mà còn khiến nhà đầu tư trong ngành hàng khác sẽ nhìn vào và lo ngại về rủi ro chính sách. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của nền kinh tế. Vì thế, việc đánh giá tác động toàn diện để đưa ra chính sách hợp lý còn nhằm củng cố tâm lý, niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Chia sẻ với ý kiến trên, chuyên gia Phan Đức Hiếu cho rằng, nhìn tổng thể, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia là cần thiết để thể chế hóa chủ trương, yêu cầu của Đảng, Nhà nước và theo xu hướng chung. Việc đánh thuế theo phương pháp thuế tương đối cũng phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.

Tuy vậy, Cơ quan soạn thảo cần có đánh giá tác động toàn diện, chứ không chỉ nhằm vào việc tăng giá, giảm tiêu dùng, dẫn đến giảm sản xuất, thậm chí ngừng sản xuất và kéo theo vấn đề việc làm, các ngành hàng liên quan cũng bị ảnh hưởng.

Mục tiêu tăng thuế nhằm hạn chế tiêu dùng là chưa đủ

Một trong những mục tiêu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia cao như đề xuất của Cơ quan soạn thảo là nhằm hạn chế tiêu dùng để bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Minh Thảo cho rằng, cần hết sức cân nhắc mục tiêu này.

“Chúng ta luôn có giả định là thuế tăng thì giá tăng, dẫn đến cầu tiêu dùng giảm. Song, nó còn hệ lụy tới các ngành trong chuỗi liên ngành. Việc đánh giá tác động ở đây không chỉ với doanh nghiệp, người tiêu dùng mà cả các ngành liên quan khác, nên cần phải nhìn nhận toàn diện” , bà Thảo phát biểu.

 Một trong những mục tiêu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia cao như đề xuất của Cơ quan soạn thảo là nhằm hạn chế tiêu dùng để bảo vệ sức khỏe người dân. (Ảnh: ST)

Một trong những mục tiêu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia cao như đề xuất của Cơ quan soạn thảo là nhằm hạn chế tiêu dùng để bảo vệ sức khỏe người dân. (Ảnh: ST)

Cũng theo bà Thảo, nếu tăng thuế quá cao, dẫn đến mức giá tăng lên trên mức kỳ vọng của người tiêu dùng thì có thể dẫn đến hàng nhập lậu, hoặc sản xuất không theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Như vậy, mục tiêu bảo vệ sức khỏe khi tăng thuế có nguy cơ không đạt.

“Để bảo đảm thị trường công bằng, minh bạch, các cơ quan liên quan cần ban hành quy huẩn, tiêu chuẩn với mặt hàng đó, mới tránh được hàng giả, kém chất lượng. Chỉ khi xây dựng được quy chuẩn, tiêu chuẩn và áp dụng thống nhất mới tạo ra động lực cạnh tranh công bằng”, TS. Nguyễn Minh Thảo nói.

Dẫn kết quả khảo sát tại các đại phương, bà Chu Thị Vân Anh cho biết, với sản phẩm rượu tự nấu, không đăng ký với cơ quan quản lý thì giá rượu chỉ 40.000 đồng/lít, trong khi sản phẩm rượu tự nấu nhưng có đăng ký với cơ quan quản lý, sử dụng các trang thiết bị đạt chuẩn để sản xuất rượu thì giá tăng lên 45.000 đồng/lít; đa số người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn rượu giá 40.000 đồng/lít.

Rõ ràng, giá có tác động lớn tới hành vi của người tiêu dùng. Song, nếu tăng thuế cao thì chi phí sản phẩm chính thống sẽ tăng ở mức cao, đẩy khoảng cách chênh lệch với sản phẩm rượu không được kiểm soát càng thêm lớn. Điều này có thể tạo cho thị trường rượu lậu phát triển hơn, giảm thị trường của sản phẩm chính thống, tạo sự không công bằng trong cạnh tranh, bà Vân Anh lo ngại.

Chia sẻ với các ý kiến trên, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, Cơ quan soạn thảo cần đánh giá toàn diện hơn, không phải là tăng thuế thì tăng giá bán, giúp hạn chế tiêu dùng là đạt mục tiêu. Như thế là chưa đủ. Đặc biệt, phải tính đến ảnh hưởng tới các ngành khác, vì rượu, bia là ngành có tính lan tỏa.

“Cần thống nhất quan điểm rằng đánh thuế để hạn chế tiêu dùng dẫn đến hạn chế sản xuất, chứ không phải là dừng và đóng cửa sản xuất. Sản xuất có thể bị thu hẹp, song phải ở phạm vi vẫn có thể tăng trưởng chứ không phải là bị dừng hoàn toàn, bị đào thải. Đặc biệt, trong sản xuất cần phải tính đến sản xuất trong nước và nhập khẩu. Nếu không cẩn thận, việc đánh thuế này có thể khiến bất lợi cho sản xuất trong nước và đưa ra thuận lợi cho sản phẩm nhập khẩu. Như thế là mục tiêu không đúng và không nên có”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Mai Cao Hưng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/danh-manh-thue-tieu-thu-dac-biet-doi-voi-bia-ruou-co-phai-la-giai-phap-tot-post310046.html