Danh mục cổ phiếu cần quan tâm hôm nay 4/5

Trong phiên hôm nay, các cổ phiếu được công ty chứng khoán khuyến nghị giao dịch gồm: HPG và NKG.

Danh mục cổ phiếu cần quan tâm hôm nay 4/5 gồm: HPG và NKG. Ảnh minh họa: TTXVN

Danh mục cổ phiếu cần quan tâm hôm nay 4/5 gồm: HPG và NKG. Ảnh minh họa: TTXVN

Công ty Chứng khoán SSI khuyến nghị trung lập với HPG của Tập đoàn Hòa Phát khi nhận định giá thép điều chỉnh có thể ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận trong ngắn hạn.

Theo SSI, giá mục tiêu 1 năm của HPG là 19.800 đồng/cổ phiếu (từ 20.000 đồng/cp) dựa trên PE và EV/EBITDA lần lượt là 11x và 6,5x. SSI kỳ vọng lợi nhuận sẽ phục hồi tích cực hơn vào cuối năm 2023/đầu năm 2024. Tuy nhiên, giá thép điều chỉnh mạnh có thể sẽ gây áp lực lên giá cổ phiếu trong ngắn hạn.

Trong quý I/2023 HPG ghi nhận lợi nhuận dương trở lại với mức 383 tỷ đồng. Phần lớn sự phục hồi lợi nhuận diễn ra trong tháng 3, nhờ giá thép tăng 3% -10% so với tháng trước và sản lượng tiêu thụ tăng 5% so với tháng trước.

Mặt khác, công suất hoạt động lò cao của HPG tiếp tục giảm xuống mức thấp kỷ lục 65% từ 70% trong quý IV/2022 và 100% trong quý I/2022. Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong quý I/2023 đạt 869 nghìn tấn, giảm 35% so với cùng kỳ do mức nền cao trong quý I/2022 (đây là quý có sản lượng cao nhất từ trước đến nay), nhưng phục hồi 6% so với quý trước. Sản lượng tiêu thụ của sản phẩm khác, bao gồm HRC, thép ống, tôn mạ và phôi thép cũng giảm từ 27%-59% so với cùng kỳ.

Trong 1-2 quý tới, SSI cho rằng nhu cầu thép trong nước tiếp tục suy yếu do tác động của sự chững lại của thị trường bất động sản và nền kinh tế vĩ mô. Mặt khác, HRC được hỗ trợ tốt nhờ nhu cầu xuất khẩu phục hồi. Tuy nhiên, việc giá thép trong khu vực điều chỉnh 10%-15% gần đây từ mức đỉnh vào tháng 3 sẽ gây áp lực lên giá trong nước và tỷ suất lợi nhuận của HPG trong ngắn hạn.

SSI điều chỉnh nhẹ ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2023 lần lượt từ 121 nghìn tỷ đồng và 9,7 nghìn tỷ đồng xuống 114,5 nghìn tỷ đồng (-19,8% so với cùng kỳ) và 9,3 nghìn tỷ đồng (+9,6% so với cùng kỳ) chủ yếu do dự báo sản lượng tiêu thụ thép xây dựng giảm từ 4,1 triệu xuống còn 3,8 triệu tấn (-11,2% so với cùng kỳ) và phôi thép từ 240 nghìn tấn xuống còn 160 nghìn tấn (-44% so với cùng kỳ).

Dự báo sản lượng tiêu thụ HRC, thép ống và tôn mạ lần lượt là 2,3 triệu tấn (-12,3% so với cùng kỳ), 717 nghìn tấn (-1% so với cùng kỳ) và 319 nghìn tấn (-3% so với cùng kỳ).

Cùng nhóm ngành thép, SSI cũng đưa ra nhận định trung lập đối với NKG của Công ty Thép Nam Kim.

Tại Đại hội cổ đông do NKG tổ chức gần đây đã đặt ra kế hoạch doanh thu 20 nghìn tỷ đồng (giảm 13,3% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, công ty dự kiến sẽ lãi trước thuế 400 tỷ đồng so với khoản lỗ 107 tỷ đồng trong năm 2022, dựa trên mục tiêu sản lượng tiêu thụ là 940 nghìn tấn (+7,4% so với cùng kỳ) và giá thép HRC ở mức từ 600-700 USD/tấn.

Theo ước tính sơ bộ của ban lãnh đạo, NKG tiếp tục ghi nhận khoản lỗ gần 50 tỷ đồng trong quý I/2023. Sản lượng tiêu thụ trong quý I/2023 đạt khoảng 194 nghìn tấn và giảm 25% so với cùng kỳ, nhưng phục hồi 6,2% so với quý trước nhờ sản lượng xuất khẩu tăng 14,1%.

Trong quý II/2023, ban lãnh đạo kỳ vọng lợi nhuận sẽ được cải thiện do các đơn đặt hàng xuất khẩu đã tăng trở lại với giá bán khá tốt so với chi phí đầu vào hiện tại của công ty. Tuy nhiên, SSI lưu ý rằng giá HRC trong khu vực đã điều chỉnh hơn 10%, điều này có thể sẽ gây áp lực lên tỷ suất lợi nhuận của công ty thép trong ngắn hạn.

SSI đặt mục tiêu cổ phiếu NKG với giá 1 năm là 13.600 đồng/cổ phiếu, dựa trên P/B mục tiêu là 0,65x và dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2023 là 196 tỷ đồng. SSI cho rằng giá cổ phiếu đã phản ánh triển vọng lợi nhuận phục hồi trong năm 2023. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá cổ phiếu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự điều chỉnh của giá thép trong khu vực./.

Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/danh-muc-co-phieu-can-quan-tam-hom-nay-4-5/289962.html