Đánh Mỹ ở căn cứ Tecnic: Trận 'Téc Ních 2' đêm 5 rạng 6/6/1969

Sau lễ công bố kết nạp tôi vào đảng, anh Phận là Mũi trưởng, đại đội trưởng cho toàn đội hình tiếp tục chui qua hàng rào kẽm gai còn lại đã được tổ cắt rào mở, đội hình lọt qua dãy lô cốt, đang tiền nhập sâu vào bên trong thì lính gác Mỹ phát hiện và nổ súng, thế là trận chiến đấu bắt đầu, chúng tôi đánh sâu vào trung tâm bằng thủ pháo, B40 và AK47, lại có một khẩu đội súng phun lửa đi cùng.

Căn cứ Mỹ bị đánh tơi bời, hỗn loạn, còi báo đông rú ầm ĩ. Đánh đến gần khu trung tâm thì anh Phận bắt được liên lạc với mũi bạn, do vậy anh bảo tôi báo cho mọi người đi cùng rút ra mau. Chúng tôi nhằm hướng của mở đánh ra đến dãy lô cốt thì thấy xe tăng và bộ binh địch đã được điều đến vây chặt. Anh Phận chiếm được một ụ súng, tôi và một số chiến sĩ cùng theo anh vào đó ẩn nấp, đã nhìn thấy khu vực cửa mở trước mặt, nhưng trên nóc lô cốt gần cửa mở lính Mỹ đã tập trung ở đó, dùng súng bắn sối sả vào bên trong.

CCB Nguyễn Văn Khuynh (giữa- hàng ghế đầu) gặp được gia đình Đại đội trưởng Nguyễn Tôn Phận tại xã Thái Thịnh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương (Hai người ngồi bên tay trái ông Khuynh là em anh Phận, hai người ngồi phía sau là em rể anh Phận. Người ngồi sát bên tay phải ông Khuynh là Sài, bên cạnh Sài là Vũ Văn Dầy cùng đơn vị tôi năm 1969

CCB Nguyễn Văn Khuynh (giữa- hàng ghế đầu) gặp được gia đình Đại đội trưởng Nguyễn Tôn Phận tại xã Thái Thịnh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương (Hai người ngồi bên tay trái ông Khuynh là em anh Phận, hai người ngồi phía sau là em rể anh Phận. Người ngồi sát bên tay phải ông Khuynh là Sài, bên cạnh Sài là Vũ Văn Dầy cùng đơn vị tôi năm 1969

Xe tăng vẫn lướt qua trước mặt với cự ly rất gần, anh Phận kéo tôi lại gần và nói: xem ai còn B40 mang lại cho tôi, tôi lần xung quanh ụ súng thấy mấy chiến sĩ đang nằm tránh đạn, trong đó có một người vác B40 nhưng đã bắn hết đạn, rất may một chiến sĩ khác là xạ thủ phụ vẫn khoác trên vai một dàn 4 quả. Lấy được B40, tôi lắp một quả vào nòng giao ngay anh Phận, khi thấy một chiếc M41 chạy ngang trước mặt, anh Phận giương súng ngắm, sau đó lại để nó chạy qua và nói: súng phun lửa còn bắn được không ? chiến sĩ súng phun lửa đáp: mới bắn có một bình, còn hai bình nữa. Anh Phận bảo phun vào hầm ngầm của lô cốt trước mặt xem sao. Một luồng lửa dài phun ra, trùm lên chiếc lô cốt, nhưng dịch ở ụ súng phản ứng ngay làm chiến sĩ phun lửa bị thương nát bàn tay trái, tôi băng cho anh ta và bảo gỡ bỏ bình đeo trên vai, nhưng anh ta chần trừ không muốn bỏ vì đây là vũ khí hiếm của binh chủng hóa học. Trong khoảnh khắc đó, anh Phận kiểm tra lại quả B40, ngắm chiếc lô cốt bắn liền hai quả, tay cầm một quả thủ pháo hô: tất cả theo tôi, rồi anh lao vút ra khỏi ụ súng, tôi cũng lao theo anh, nhưng địch bắn rát phía anh Phận, đạn cày tung trước mặt nên buộc tôi phải lùi về ụ súng, cùng một số chiến sĩ khác trụ tại đây.

 Căn nhà nơi sinh ra anh Phận, nay một người em kế tiếp chăm lo hương khói ông bà, bố mẹ và anh Phận

Căn nhà nơi sinh ra anh Phận, nay một người em kế tiếp chăm lo hương khói ông bà, bố mẹ và anh Phận

Tiếng súng tấn công đã thưa dần, tôi nói với mấy chiến sĩ: mình đang bị vây hãm, địch chờ trời sáng sẽ ra tay, bây giờ chỉ còn cách liều chết mà ra thôi, muốn vậy phải đánh được chiếc lô cốt, không để địch bắt sống hoặc giết chết ở đây, ông nào khỏe thử ném một quả thủ pháo vào hầm ngầm trước mặt. Một chiến sĩ chạy ra ném quả thủ pháo nhưng không tới, nó nổ bên ngoài, ném quả thứ hai vẫn không trúng, tên lính đứng trên lô cốt phát hiện dùng lựu đạn ném tới ụ súng nhưng cũng không tới, một quả thủ pháo khác ném tới hầm ngầm nhưng nó lại nổ ngay trên miệng hầm. Đang khó khăn vì thủ pháo và đạn đã cạn thì tên lính Mỹ trước mặt sách súng tụt xuống hầm ngầm, chớp thời cơ, tôi rút một quả thủ pháo lao ra khỏi ụ súng và hô: chạy theo tôi, rồi lao vụt đến miệng hầm ngầm của lô cốt rút chốt thủ pháo ném vào đó. Một tiếng nổ ịch dưới hầm ngầm, khói phụt ra ngoài, tôi vòng qua bên phải lô cốt gặp một tử sĩ tay còn cầm quả thủ pháo nằm sát lỗ châu mai và thoáng nhận ra đây là anh Phận, cứ tưởng anh đã ra được bên ngoài rồi, có thể anh bị địch bắn khi chuẩn bị ném thủ pháo. Tôi nhanh chóng gỡ quả thủ pháo trong tay anh rút chốt ném bồi vào chiếc lô cốt rồi ôm Ak lăn một đoạn dài thì gặp cửa mở, thế là tôi nhanh chóng lao ra hết 4 lớp rào, đến hàng rào ngoài cùng thì gặp một chiến sĩ tên là Thận (Hải Dương) bị thương vào một bên chân nằm ở đây, anh là chiến sĩ tổ cắt rào. Tôi hỏi anh có thấy ai ra được không ? anh nói từ lúc tôi bị thương nằm đây chờ không thấy ai ra để đưa về trạm cứu thương vì tôi không còn đi được. Vất vả lắm tôi mới đưa được anh Thận về tổ cứu thương ngay dưới dốc đồi của căn cứ. Mọi người thấy tôi ra được rất mừng, tôi nói luôn: tôi chưa bị thương, các anh theo tôi vào cửa mở lấy tử sĩ bên trong hàng rào còn mấy người và còn nhiều người chưa ra được. Một người nói: không phải dẫn, ông ra được đây thì nhanh chóng về nơi tập kết báo cáo, việc lấy tử sĩ để chúng tôi lo, nghe vậy tôi chấp hành và về vị trí tập kết, không kịp báo cáo gì thì mọi người bảo tôi mặc quần áo và rút nhanh khỏi đây ngay.

Thế là kết thúc trận đánh, mũi 14 người chỉ có tôi và anh Thận bị thương trở về, lúc đó khoảng 3h sáng ngày 6/6/1969.

TÌM QUÊ HƯƠNG ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG

Chiến tranh đã chấm dứt trên 40 năm, nhưng trận đánh căn cứ Tecnic đêm 5/6/1969 cứ ám ảnh tôi mãi bởi hình ảnh Đại đội trưởng Nguyễn Tôn Phận. Tháng 2/1969 Khi anh được bổ xung vào đơn vị là đại đội phó thấy vai còn băng vết thương trong trận đánh biệt kích gần đây, rồi anh được giao nhiệm vụ đi điều nghiên ở căn cứ Téc Ních chưa kịp nhận hết mặt chiến sĩ. Sau trận tập kích vào căn cứ này cách đây 25 ngày (vào đêm 11/5/1969), anh Thanh (Hải Dương) đại đội trưởng bị thương và mất sức chiến đấu, anh được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng, cấp trên lại giao tiếp tục bồi cho nó một đòn nữa để đập tan kế hoạch hành quân đánh vào chiến khu D của ta. Anh Phận được chỉ định là mũi trưởng đánh vào vị trí mà trước đó đại đội phó Tuyển (phú Thọ) và 15 chiến sĩ không ai trở về, do vậy có một số chiến sĩ tỏ ra lo ngại, không phấn khởi nhận nhiệm vụ. Anh Phận tập hợp đại đội và nói:Tôi bị thương chưa khỏi, nên chưa ai bắt tôi phải ra trận, nhưng vì yêu cầu nhiệm vụ tôi tự nguyện tham gia trận này, đồng chí nào cùng tôi tham gia trận đánh thì bước lên một bước, nếu không tôi cũng không bắt buộc. Nhiều chiến sĩ bước lên (trong đó có tôi), một số khác thì đứng lại và báo cáo với đủ lý do khác nhau. Anh Phận chọn đủ số lượng 14 người (cộng hai chiến sĩ súng phun lửa là 16 tay súng). Khi vào đến hàng rào thì có một chiến sĩ kêu đau bụng phải một người đưa ra nên chỉ còn 14 tay súng. Sau đêm đánh trận này, chỉ còn mình tôi ra khỏi được căn cứ trước lúc trời sáng và một chiến sĩ bị thương vào chân còn nằm tại hàng rào được tôi dìu về sở chỉ huy, còn lại 12 chiến sĩ cùng đại đội trưởng hy sinh và mất tích trong căn cứ cho đến nay.

Cứ mải đánh đấm mà quên không hỏi anh quê ở đâu nên suốt thời gian qua tôi tích cực tham gia tổ chức các ban liên lạc cựu chiến binh đặc công ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận, hy vong tìm được địa chỉ của anh. Có dịp gặp lại các chỉ huy cũ như Thiếu tướng Năm Phúc chính ủy, anh hùng Nguyễn Xuân Tình, anh hùng Đỗ Văn Ninh, anh Lê Như Hòa cùng thời với anh, mọi người đều biết nhưng không rõ anh Phận quê ở đâu, có tin nói anh quê Hà Bắc, tôi đến dự họp BLL ở Bắc Ninh hỏi cũng không ai biết nên cuộc tìm kiếm bế tắc.

Năm 2009, thật may mắn gặp được anh Sài là chiến sĩ cùng đơn vị từ năm 1969, qua Sài, tôi liên lạc được với một số chiến sĩ nữa quê Ninh Giang Hải Dương biết rõ anh Phận quê xã Thái Thịnh, huyện Kinh Môn, Hải Dương. Tôi đề nghị với Sài giúp đến gặp gia đình xác minh xem có đúng là nơi sinh ra anh Phận. Chỉ mấy ngày sau được Sài báo tin đúng là địa chỉ nhà anh Phận, tôi không còn nghi ngờ gì nên vội xin xe của cơ quan đón Sài và một chiến sĩ nữa cùng đơn vị C47, D5 đặc công đến thăm gia đình anh.

Xe đã đến địa phận huyện Kinh Môn, tôi hồi hộp, xúc động vì chắc sẽ được gặp lại hình ảnh anh Phận trên bàn thờ. Đến nơi chỉ nhìn khuôn mặt hai người anh em ruột của anh tôi đã khảng định với mọi người đây chính là nơi sinh ra anh Phận, đại đội trưởng của tôi. Gia đình lập bàn thờ riêng cho anh, bên cạnh bàn thờ ông bà, cha mẹ. Rất tiếc khi đi B, anh không để lại ảnh nào rõ nét nên gia đình phải vẽ truyền thần, tuy không thật giống nhưng khắc họa được những đặc điểm cơ bản trên khuôn mặt anh.

Sau khi thắp hương tưởng niệm anh, toàn thể gia đình tụ tập đầy đủ và rất xúc động khi chuẩn bị được nghe thông tin về người con của gia đình bị mất tăm tích ở chiến trường. Tôi bắt đầu kể diễn biến trận đánh đêm 5/6/1969, dẫn tới việc anh dũng cảm hy sinh đánh địch để giải vây cho đồng đội và trường hợp tôi là người duy nhất thoát được vòng vây của địch trở về. Một người trong gia đình cho tôi xem giấy báo tử cũng ghi rõ anh hy sinh ngày 5/6/1969 tại mặt trận phía nam, chức vụ Đại đội trưởng. Tôi nói rằng trường hợp anh hy sinh cũng như rất nhiều trường hợp khác của bộ đội đặc công, khó có thể tìm được hài cốt, khi mà địch phản kích quyết liệt tới mức một số chiến sĩ bị mắc kẹt trong căn cứ địch, sau đó cũng không có ai trở về, nhưng vị trí hy sinh thì có thể xác định được. Tôi hy vong quan hệ Việt- Mỹ dần được cải thiện, họ có thể cung cấp vị trí chôn các liệt sĩ của ta.

Trái tim người lính

Đại tá CCB Đặc Công Nguyễn Văn Khuynh/Thành Đô ( biên tập-giới thiệu)

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/danh-my-o-can-cu-tecnic-tran-tec-nich-2-dem-5-rang-661969-a19166.html