Đánh người nơi công cộng: Xử lý nghiêm minh để phòng ngừa chung cho xã hội

Với những hành vi đánh người nơi công cộng mà được camera ghi lại hoặc các thiết bị điện tử cá nhân ghi lại trình báo sự việc với cơ quan chức năng hoặc đăng tải lên không gian mạng thì cần phải được xác minh kịp thời, xử lý nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ Gây rối trật tự công cộng, Cố ý gây thương tích... xảy ra trên cả nước. Những vụ việc bắt nguồn từ mâu thuẫn trong quá trình tham gia giao thông. Ví như, vụ nam tài xế xe lexus đánh shipper, người đàn ông đánh nam học sinh nhập viện tại Nghệ An, hay người đàn ông "tung cước" vào đầu tài xế tại showroom ô tô ở Hà Nội, … gây bức xúc trong dư luận.

Thực tế trên phản ánh thực trạng nhiều người có ý thức coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác, đề cao cái tôi cá nhân, sẵn sàng sử dụng vũ lực khi không hài lòng với ai đó. Hậu quả, nhiều người đã bị khởi tố, bắt tạm giam hoặc đang bị điều tra, xem xét trách nhiệm hình sự.

Cần hành xử văn minh, sẵn sàng lắng nghe và đối thoại

Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu Thanh niên chia sẻ: Những vụ việc trên cơ bản xuất phát từ những mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình hai bên tiếp xúc, giao tiếp, ứng xử với nhau nhưng cũng có nhiều trường hợp, chỉ đơn giản do một bên thấy bên kia “ngứa mắt” hoặc muốn thể hiện “dũng khí” của mình.

Mặt khác, nhiều vụ xô xát xảy ra do hai bên không tìm được tiếng nói chung, không kiểm soát được cảm xúc của mình, từ đó dẫn đến các hành vi thiếu kiểm soát. Điều này cũng thể hiện sự báo động trong văn hóa ứng xử của một bộ phận dân chúng. Ngoài ra, một bộ phận người trong xã hội, nhất là các bạn trẻ nghĩ rằng việc giải quyết mâu thuẫn, bất đồng bằng bạo lực là chuyện đương nhiên.

“Do hệ thống camera an ninh được lắp đặt nhiều ở nơi công cộng, thêm vào đó là đa phần người dân đã sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet. Bởi vậy, việc lưu lại các chứng cứ, quay clip những hành vi đánh người, bạo lực nơi công cộng là rất dễ dàng. Những hành vi thiếu chuẩn mực, có tính chất côn đồ, thái độ hung hăng, gây rối trật tự công cộng, gây thương tích rất dễ rơi vào ống kính máy quay từ các camera an ninh hoặc điện thoại thông minh. Đây là sự phát triển của xã hội, tiến bộ của xã hội, phát triển công nghệ tuy nhiên đạo đức, văn hóa của nhiều người không theo kịp dẫn đến những hành vi thiếu chuẩn mực, vi phạm pháp luật bị tố giác bởi các thiết bị điện tử” - Tiến sỹ Tuấn Anh nói.

Đánh giá cao sự vào cuộc của cơ quan chức năng, nhưng theo Tiến sỹ Tuấn Anh, nhiều vụ việc chưa kịp can thiệp để lại những hậu quả rất nghiêm trọng. Các đối tượng có hành vi côn đồ, bạo lực cần bị nghiêm trị.

“Tôi cũng có một quan điểm cần xử lý tất cả các hành vi côn đồ trên đường phố dù hậu quả có nghiêm trọng hay không. Tôi nghĩ rằng, mức độ thương tích của bị hại chỉ nên coi là yếu tố tăng nặng và là căn cứ để xử lý. Còn những hành vi côn đồ, bạo lực theo tôi một lần nữa khẳng định là vẫn nên có chế tài xử phạt thật mạnh tay để không chỉ cảnh cáo, cảnh tỉnh đối tượng mà còn là bài học cho những đối tượng khác hay những người có ý định thực hiện những hành vi như vậy”- Tiến sỹ Tuấn Anh nêu quan điểm.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, trưởng đại diện Văn phòng Luật Chính pháp cho rằng, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm hành vi đánh nhau, đánh người, gây rối trật tự công cộng. Bởi vậy, mọi hành vi đánh người nơi công cộng đều được xác định là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu đánh người gây ra thương tích hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cần nâng cao ý thức cộng đồng, tránh sự thờ ơ vô cảm

Trường hợp hành vi đánh người là sử dụng hung khí nguy hiểm, đánh vào vùng trọng yếu của nạn nhân, bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra hoặc hành vi có mục đích giết người thì đối tượng thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội giết người theo quy định tại điều 123 Bộ Luật Hình sự và án lệ số 47 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Cần lưu ý là pháp luật quy định hành vi giết người không đòi hỏi hậu quả nạn nhân phải tử vong, chỉ cần có động cơ, mục đích giết người hoặc hành vi có thể dẫn đến chết người là có thể bị xử lý về tội giết người, không phụ thuộc vào việc nạn nhân có tử vong hay không. Hình phạt của tội giết người rất nghiêm khắc, mức thấp nhất là 7 năm tù, mức cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

Trường hợp hành vi đánh người chưa đủ căn cứ để xử lý về tội giết người, cơ quan điều tra cũng có thể xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 bộ luật hình sự. Điều đáng chú ý là tội cố ý gây thương tích có hai trường hợp là khởi tố theo yêu cầu của người bị hại và khởi tố không phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại.

Trường hợp cố ý gây thương tích mà mức độ thương tích từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a, đến điểm k, khoản 1, điều 134 bộ luật hình sự thì đòi hỏi phải có đơn yêu cầu của người bị hại cơ quan điều tra em mới khởi tố, quá trình giải quyết vụ án nếu người bị hại rút đơn thì vụ án sẽ được định chỉ.

Luật sư Đặng Văn Cường, trưởng đại diện Văn phòng Luật Chính pháp

Luật sư Đặng Văn Cường, trưởng đại diện Văn phòng Luật Chính pháp

Trường hợp hành vi cố ý gây thương tích với mức độ thương tích từ 31% trở lên hoặc dưới 31% nhưng thuộc một trong các trường hợp có thể áp dụng khoản 2, điều 134 bộ luật hình sự Thì việc khởi tố vụ án không phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại, nếu có thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc có tố cáo, tố giác, kiến nghị khởi tố hoặc bằng những kênh thông tin khác mà cơ quan điều tra phát hiện ra thì vẫn xử lý hình sự đối với đối tượng cố ý gây thương tích mà không phụ thuộc vào việc nạn nhân có đơn hay không. Ngoài ra, hành vi đánh người nơi công cộng còn là hành vi gây rối trật tự công cộng. Bởi vậy trong trường hợp không đủ căn cứ để xử lý về tội gây rối trật tự cố ý gây thương tích thì cũng có thể khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng để xử lý nếu hành vi được xác định là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác.

Để giảm thiểu những vụ việc đánh người nơi công cộng, gây rối trật tự công cộng phải thực hiện rất nhiều các giải pháp. Trong đó giải pháp trước mắt là cần phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, cần có những biện pháp can thiệp, hỗ trợ, bảo vệ người yếu thế khi va chạm xảy ra. Đồng thời cần giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống cho các bạn trẻ.

“Cần phải nâng cao ý thức cộng đồng, tránh sự thờ ơ vô cảm. Dư luận xã hội cần tẩy chay, lên án những hành vi coi thường người khác, coi thường tính mạng sức khỏe của người khác, những hành vi đánh người, gây rối trật tự công cộng. Với những hành vi đánh người nơi công cộng mà được camera ghi lại hoặc các thiết bị điện tử cá nhân ghi lại trình báo sự việc với cơ quan chức năng hoặc đăng tải lên không gian mạng thì cần phải được xác minh kịp thời, xử lý nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội. Cần đề cao yếu tố giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật, giáo dục văn hóa trong nhà trường để nâng cao đạo đức của thế hệ trẻ, đạo đức xã hội, tích cực đấu tranh với cái sai, cái xấu, với những hành vi thiếu chuẩn mực để xây dựng một cộng đồng ngày càng văn minh, lành mạnh và tiến bộ”- Luật sư Cường nói.

Đồng tình quan điểm của Luật sư Cường, Tiến sỹ Tuấn Anh cho rằng, những người tham gia giao thông ngoài đường trước hết cần tuân thủ luật pháp, quy định một cách tuyệt đối. Không chủ đích gây gổ, đánh nhau hay cổ vũ cho các hành vi bạo lực. Giữ thái độ tích cực, thân thiện, bình tĩnh trong giải quyết các mâu thuẫn. Trong trường hợp gặp những vụ xô xát, mâu thuẫn cần tìm cách can ngăn, giúp đỡ người bị hại và báo cho chính quyền địa phương và cơ quan công an gần nhất. Mỗi cá nhân cũng cần có ý thức sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm. Không quay phim, chụp ảnh các vụ xô xát, ẩu đả lên mạng để câu view, câu like bởi những hành vi này sẽ có thể gây ra các cuộc tranh luận không hồi kết trên mạng cũng như làm cho người dân hoang mang, từ đó ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa phương.

Nguyễn Hiền/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/danh-nguoi-noi-cong-cong-xu-ly-nghiem-minh-de-phong-ngua-chung-cho-xa-hoi-post1156393.vov