Dành nguồn lực cho đồng bào dân tộc thiểu số

Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Trung ương, tỉnh dành nhiều nguồn lực đầu tư và hiện thực hóa các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nâng cao chất lượng cuộc sống

3 năm kể từ khi công trình cấp nước tập trung xã Ninh Lai (Sơn Dương) đi vào vận hành khai thác, chất lượng cuộc sống của hàng trăm hộ dân xã Ninh Lai có sự thay đổi rõ rệt. Ông Ôn Văn Tám, Tổ trưởng Tổ Quản lý công trình cấp nước tập trung xã Ninh Lai cho biết: Xã Ninh Lai có 17 thôn, trên 2.000 hộ dân, trong đó trên 80% là đồng bào dân tộc Sán Dìu. Trước đây, người dân chủ yếu sử dụng nước lần từ trên núi, không bảo đảm vệ sinh. Khi công trình cấp nước được xây dựng đã có 1.300 hộ đăng ký sử dụng nước sạch và hiện đã tăng lên 1.687 hộ.

Bà Hoàng Thị Hai, dân tộc Sán Dìu, thôn Ninh Phú chia sẻ, gia đình bà hiện có 4 nhân khẩu. Lúc trước gia đình bà và các hộ sử dụng nước lần từ trên núi vừa tốn kém lại không bảo đảm vệ sinh, vì đường ống dẫn nước về rất hay bị hỏng, thường xuyên phải thay thế. Chính vì vậy, khi có công trình nước sạch bà đã đăng ký sử dụng ngay. Có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, bà rất yên tâm, sức khỏe của các thành viên trong gia đình được bảo đảm, nhất là những bệnh về đường tiêu hóa không còn hay bị mắc như trước.

Đồng bào dân tộc Sán Dìu, xã Ninh Lai (Sơn Dương) đã được sử dụng nước sạch.

Đồng bào dân tộc Sán Dìu, xã Ninh Lai (Sơn Dương) đã được sử dụng nước sạch.

Từ khi điện lưới quốc gia được kéo về thôn Khuổi Ma, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) đã thắp lên niềm vui lẫn sự kỳ vọng về một cuộc sống mới của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Anh Hầu Xuân Nhì phấn khởi cho biết: Có điện lưới rồi, không cần dùng đèn dầu nữa, bà con sắm sửa mua quạt, ti vi về dùng, được xem phim, các cách làm kinh tế hay trong cả nước... Theo anh Nhì, có điện gia đình anh đầu tư máy làm đá sạch, với công suất trên 3 tấn đá/1 ngày để phục vụ bà con trong xã và các xã lân cận. Vào những ngày nắng nóng gia đình tiêu thụ được khoảng 1 tấn đá sạch, thu về gần 2 triệu đồng. Dự định trong thời gian tới sẽ đầu tư máy làm đá sạch công suất to hơn nữa để phục vụ cho bà con trong khu vực ATK này. Có điện làm cái gì cũng dễ, cuộc sống thấy sung sướng hơn trước nhiều.

Đồng chí Triệu Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi cho biết: Với sự quan tâm của Nhà nước, 2 thôn cuối cùng của xã là Khuổi Ma và Tấu Lìn đã có điện lưới quốc gia. Theo lời Phó Chủ tịch xã Triệu Văn Quỳnh, đồng bào người Mông, người Dao biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã mang điện lưới quốc gia về đến bản. Có điện sẽ giúp đời sống sinh hoạt của bà con được cải thiện rõ rệt.

Thông tin từ ngành Điện lực tỉnh, trong giai đoạn 2019-2024, tỉnh đã huy động 1.080 tỷ đồng đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó vốn ngân sách nhà nước 195,6 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 42,8 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách 841,6 tỷ đồng. Riêng với dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia đã thực hiện đầu tư xây dựng hoàn thành 22 hạng mục công trình đường dây và trạm biến áp cấp điện cho trên 3.700 hộ dân của 59 thôn bản.

Thu hẹp khoảng cách khu vực

Đồng chí Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh khẳng định: Với mục tiêu rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Nhà nước, tỉnh dành nhiều nguồn lực đầu tư và hiện thực hóa các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hiện tại, tỉnh đang thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, bao gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai trên địa bàn tỉnh với 10 dự án và 13 tiểu dự án; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra còn rất nhiều các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, dân tộc thiểu số rất ít người...

Với phương châm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất, từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã thực hiện phân bổ kinh phí để đầu tư xây dựng 570 công trình hạ tầng phục vụ cho sản xuất, trao đổi hàng hóa, sinh hoạt của nhân dân. Đến hết năm 2023 tỉnh đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 1.276 hộ; chuyển đổi nghề cho 1.978 hộ; hỗ trợ xây dựng công trình nước sinh hoạt phân tán cho 3.517 hộ. Triển khai 13 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và đầu tư 37 công trình cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bà Bàn Thị Giàng, dân tộc Dao, thôn Tân Cường, xã Tân An (Chiêm Hóa) phấn khởi cho biết: Bản thân bà và hàng chục hộ đồng bào Dao trong thôn rất mừng khi tỉnh, huyện đã có chính sách hỗ trợ phát triển khôi phục nghề dệt thổ cẩm và xây dựng thôn trở thành điểm du lịch cộng đồng. Bà Giàng tin tưởng trong tương lai gần quê hương bà sẽ phát triển, người Dao ở Tân Cường khấm khá hơn nữa.

Với việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ và bền vững bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng lên, khoảng cách giữa khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với các vùng trong tỉnh đã được thu hẹp. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 4%/năm, trên 99,9% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia, tăng 1,06% so với năm 2019; trên 90% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh...

Đồng chí Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiệu quả từ việc huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước gắn với các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống mọi mặt của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh. Phát huy vai trò nòng cốt, thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dân tộc như: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách, dự án hỗ trợ cho người nghèo; ưu tiên nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, đẩy mạnh giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo... Qua đó, nâng cao chất lượng mọi mặt đời sống đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng hiệu quả, lâu dài, bền vững.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/danh-nguon-luc-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-196777.html