Dành nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Mở rộng đối tượng hay tập trung vào doanh nghiệp có tác động lan tỏa là vấn đề cần cân nhắc để phát huy hiệu quả của các gói hỗ trợ.

Song có thể thấy, nếu đổi mới sáng tạo được dành nguồn lực thỏa đáng, có thể tạo động lực phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam.

Gói hỗ trợ lần 2 của Chính phủ dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do Covid-19 đang tiếp tục được đề xuất

Mở rộng đối tượng hỗ trợ

Công ty MimosaTek (Khu công nghệ phần mềm TP.HCM) là một trong 7 start-up nông nghiệp nổi bật châu Á. Bà Lê Lan Anh, Giám đốc vận hành MimosaTek cho biết, dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng MimosaTek chưa tiếp cận được nguồn vốn trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ (gói hỗ trợ lần 1).

Doanh nghiệp này mới nhận được một số hỗ trợ chung chung như được gia hạn nộp bảo hiểm xã hội trong quý I/2020 và thuế giá trị gia tăng 6 tháng đầu năm. MimosaTek cũng đã nộp phiếu đăng ký xin miễn giảm thuế gửi cơ quan thuế quận Thủ Đức (TP.HCM), nhưng chưa thấy hồi âm.

Mới đây, gói hỗ trợ lần 2 của Chính phủ dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do Covid-19 đang tiếp tục được đề xuất.

Bày tỏ quan điểm với phóng viên Báo Đầu tư về gói hỗ trợ lần 2, ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhấn mạnh, gói này có thể không lớn về giá trị, nhưng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp mà vẫn bố trí kinh phí hỗ trợ như vậy, thì cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, gói hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ thuế, chỉ dành cho một số ngành nghề, trong khi hầu hết ngành nghề đều bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

“EuroCham cho rằng, cần mở rộng đối tượng ngành nghề được hưởng hỗ trợ thuế, hoặc không cần cân nhắc quá nhiều về đối tượng được hỗ trợ, bởi suy cho cùng, hỗ trợ là để nền kinh tế duy trì lượng tiền nhất định và doanh nghiệp có thể xoay vòng. Như vậy, gói hỗ trợ sẽ có tính lan tỏa. Hãy để tất cả doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ, thì sẽ có tác dụng kích thích kinh tế”, ông Minh nói.

Nếu không muốn cào bằng trong hỗ trợ, theo ông Minh, có thể thống kê số lượng doanh nghiệp bị ảnh hưởng và mức độ bị ảnh hưởng qua các báo cáo tài chính doanh nghiệp mà ở đó chỉ rõ các con số doanh thu, lợi nhuận, hợp đồng ký kết… để cân nhắc các tiêu chí này trước khi đưa ra mức hỗ trợ.

Đại diện EuroCham khuyến nghị, điều cần lưu tâm với gói hỗ trợ lần 2 là phải miễn/giảm nhiều hơn, thay vì giãn/hoãn nộp thuế, và miễn nhiều loại thuế hơn cho doanh nghiệp.

Dành nguồn lực cho đổi mới sáng tạo

PGS-TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, dự báo của các tổ chức quốc tế và trong nước về tăng trưởng của Việt Nam đều cho thấy viễn cảnh khó khăn vẫn ở phía trước. Bởi, nền kinh tế Việt Nam với độ mở lớn, ắt chịu nhiều rủi ro từ biến động kinh tế chính trị thế giới...

Gói hỗ trợ lần 2 cần có những lựa chọn tốt hơn, dành một phần quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để sau Covid-19, nền kinh tế Việt Nam có thể đứng dậy với một tư thế khác, tạo luồng “máu” khác.

Mặc dù vậy, ông Thiên đánh giá, Chính phủ Việt Nam đang có những đối sách hợp lý khi thực hiện chiến lược vừa chống dịch, vừa giữ nền kinh tế không bị suy sụp và đến nay đạt được kết quả tương đối tốt.

Theo ông Thiên, điều quan trọng là cần xác định rõ chiến lược cứu doanh nghiệp. Với gần 97% là doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ, sức chống chọi của doanh nghiệp trong nước còn yếu. Tuy nhiên, đây cũng là lợi thế, chứ không hoàn toàn là bất lợi, vì quy mô càng nhỏ, thì tính linh hoạt càng cao. “Đây là điểm mà Việt Nam nên tận dụng và không phải quá lo lắng mà phân tán các gói cứu trợ”, ông Thiên lưu ý.

Vị chuyên gia này cho biết: “Chúng tôi đề nghị với Chính phủ cách tiếp cận là, trong điều kiện nguồn lực ít, tai họa còn kéo dài, thì sự khôn ngoan của Chính phủ là làm sao để cứu trợ hiệu quả nhất, tiền cứu trợ được phân phối cho những đối tượng có thể giúp nền kinh tế chống chọi với dịch bệnh tốt nhất. Như vậy, sau khi dịch qua đi, nền kinh tế có thể đứng dậy một cách vững vàng nhất”.

Để làm được như vậy, ông Thiên gợi ý, cần xác định cứu những doanh nghiệp có tác động lan tỏa, có sức kéo với nền kinh tế; cứu những doanh nghiệp còn khỏe để sau đó, những doanh nghiệp này quay sang cứu doanh nghiệp yếu hơn trong hệ sinh thái, vì Nhà nước không thể cứu được tất cả doanh nghiệp.

Đặc biệt, gói hỗ trợ lần 2 cần có những lựa chọn tốt hơn, dành một phần quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để sau Covid-19, nền kinh tế Việt Nam có thể đứng dậy với một tư thế khác, tạo luồng “máu” khác. Bởi, các doanh nghiệp này có thể tạo ra một xu thế, một làn sóng để nền kinh tế đứng dậy trên nền tảng khác - nền tảng công nghệ. “Nếu chỉ bỏ tiền cứu doanh nghiệp cũ, thì nền kinh tế đứng dậy vẫn cũ, không có gì mới. Đây là điểm mấu chốt”, ông Thiên nói.

Trở lại với MimosaTek, đại diện doanh nghiệp này kiến nghị, gói hỗ trợ lần 2 nên xem xét miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. “Phương án Chính phủ đầu tư vào start-up là hiếm thấy ở Việt Nam, nhưng hỗ trợ tài chính thì hoàn toàn có thể. Cần có các hình thức hỗ trợ cụ thể, nhất là hỗ trợ tiền mặt, kể cả khoản hỗ trợ nhỏ hoặc hỗ trợ không hoàn lại cho các start-up mới; cho vay lãi suất ưu đãi đối với các start-up đã có dự án, nhưng đang gặp khó về dòng tiền…”, bà Lan Anh kiến nghị.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/danh-nguon-luc-ho-tro-doanh-nghiep-doi-moi-sang-tao-d129052.html