Dành nguồn lực xứng đáng cần thiết để hoạt động văn hóa, nghệ thuật

Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ, trách nhiệm chung của Đảng, Nhà nước, toàn thể nhân dân. Do vậy, cần chủ động phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất, dành sự quan tâm và cả nguồn lực xứng đáng cần thiết để hoạt động văn hóa, nghệ thuật...

Đây là nhấn mạnh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại lễ khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (nhiệm kỳ 2019-2024) của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam vào hôm nay (18/11), tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Đại hội. Ảnh: VGP

Qua 5 năm (2014-2019), Báo cáo của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số đánh giá nhiều tài năng mới ở khắp các vùng miền từ Tây Bắc, Việt Bắc, miền Trung, Tây Nguyên đến Tây Nam Bộ... đã được phát hiện và bổ sung. Số lượng tác phẩm được công bố, xuất bản, triển lãm... ngày càng tăng, trong đó có nhiều tác phẩm được trao tặng giải thưởng của địa phương, khu vực, của Nhà nước và quốc tế. Nhiều văn nghệ sĩ người dân tộc được trao tặng danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước. Hệ thống tổ chức của Hội được củng cố và phát triển, đặc biệt là sự hình thành và hoạt động của các Chi hội các tỉnh vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trong 5 năm qua, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và toàn thể đội ngũ văn nghệ sỹ, nghệ nhân người dân tộc thiểu số hoặc hoạt động liên quan đến văn học nghệ thuật dân tộc đã không ngừng nỗ lực vươn lên, đạt được nhiều thành tựu rất đáng trân trọng, tiếp tục đưa sự nghiệp văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số phát triển, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật, làm giàu kho tàng di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam ta.

Trong nhiệm kỳ tới đây, Phó Thủ tướng đề nghị Hội tập trung xây dựng kế hoạch đào tạo, phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ sáng tác, biểu diễn, sưu tầm, nghiên cứu, lý luận, phê bình và quản lý trong lĩnh vực văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số. Đội ngũ này phải vững vàng về tài năng, am hiểu sâu sắc văn hóa dân tộc mình, gắn bó mật thiết với quê hương, nỗ lực sáng tạo ra nhiều tác phẩm, công trình, sản phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, hấp dẫn với quần chúng. Đây là nhiệm vụ vừa có tính chiến lược, vừa cấp bách.

Quang cảnh đại hội. Ảnh: VGP

Hội cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, phát huy mạnh mẽ vai trò của chi hội các tỉnh, thành phố và của các chuyên ngành, các lĩnh vực hoạt động. Tăng cường phối hợp thường xuyên và có hiệu quả với các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành, các cơ quan đảng, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương.

Để xây dựng và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật của các dân tộc thiểu số; Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ủy đảng, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, các địa phương, các hội văn học, nghệ thuật Trung ương và địa phương... cần chủ động phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất, dành sự quan tâm và cả nguồn lực xứng đáng cần thiết để hoạt động văn hóa, nghệ thuật đúng với phương châm "phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội".

Phó Thủ tướng tin tưởng, thời gian tới, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tiếp tục vươn lên mạnh mẽ hơn nữa trong tổ chức, tập hợp, động viên đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân bằng tấm lòng tất cả vì văn hóa dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, cùng tài năng của mình góp phần thiết thực và hiệu quả vào việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật, trực tiếp nhất là Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa XI) về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/danh-nguon-luc-xung-dang-can-thiet-de-hoat-dong-van-hoa-nghe-thuat-post70579.html