Danh nhân Chu Văn An được UNESCO vinh danh nhân kỷ niệm 650 năm ngày mất của ông
UNESCO sẽ cùng Việt Nam kỷ niệm 650 năm ngày mất của danh nhân Chu Văn An vào năm 2020. Đây là kết quả của khóa họp hội đồng chấp hành UNESCO lần thứ 206 tại Paris (Pháp) ngày 16/4.
Tại khóa họp này, hồ sơ kỷ niệm 650 năm ngày mất của danh nhân Chu Văn An cùng với 48 hồ sơ khác được lựa chọn từ 71 hồ sơ do 41 quốc gia đề cử.
Các hồ sơ đề cử theo tiêu chí do tổ chức UNESCO đề ra, trong đó đáng chú ý là phải phù hợp với lý tưởng và sứ mệnh của tổ chức UNESCO trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học, thông tin truyền thông, góp phần thúc đẩy hòa bình, đối thoại văn hóa, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, đồng thời mỗi sự kiện, nhân vật đề cử phải có tầm ảnh hưởng rộng rãi, được biết đến cả ở bên ngoài quốc gia đề cử.
Chu Văn An (1292 – 1370) được coi là người thầy của mọi thời đại, nhà giáo lỗi lạc của Việt Nam, đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học, với triết lý giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với thực hành, học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội.
Tư tưởng đó của ông không những có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người Việt Nam mà còn góp phần phát triển các giá trị nhân văn trong khu vực. Quan điểm giáo dục của ông có những giá trị tiến bộ vượt thời đại, gần gũi với mục đích giáo dục của thế giới hiện nay mà UNESCO đã đúc kết, đề xuất: học để biết, học để làm, học để chung sống và học để làm người.
Có giai thoại kể rằng, ông có người học trò vốn là Thủy thần, đã biến hình để xin được vào trường học. Câu chuyện khó tin, nhưng lại khẳng định: Cái đức và cái tài của Chu Văn An khiến quỷ thần cũng phải tìm đến để xin thụ giáo. Hơn ai hết, chỉ riêng Chu Văn An mới có được câu chuyện về đạo đức siêu trần này.
Sinh thời, Chu Văn An luôn luôn được dân chúng ca ngợi về phẩm chất thanh cao. Ông được tôn là Vạn thế sư biểu, nghĩa là người thầy chuẩn mực của Việt Nam muôn đời. Sau khi ông qua đời, triều đình đã đưa ông vào thờ ở Văn Miếu, xem ông ngang hàng với những bậc Thánh hiền ngày xưa.
Trần Nguyên Đán đánh giá về những đóng góp của ông: Nhờ có ông mà “bể học xoay làn sóng, phong tục trở lại thuần hậu”. Nhà sử học Ngô Sỹ Liên đời Lê Thánh Tông đã phải khen: "Những nhà Nho ở nước Việt ta được dùng ở đời không phải không nhiều, có kẻ chỉ nghĩ đến công danh, kẻ thì chuyên lo về phú quý, kẻ lại a dua với đời, có kẻ chỉ biết ăn lộc giữ thân. Người chịu để tâm đến đại đức, suy nghĩ đến việc giúp vua nêu đức tốt cho dân được nhờ ơn, Chu Văn An ở đời Trần có lẽ gần được như thế”.
Người dân vùng quê Thanh Đàm (Thanh Trì ngày nay) thờ ông làm Thành hoàng và gọi là đức Thánh Chu. Những di tích trong nước có liên quan đến ông đều gắn với uy danh người thầy giáo: Đền Thanh Liệt, Đền Huỳnh Cung, Đền Văn Điển, Đền Phượng Sơn, Mả Thuồng Luồng, Đầm Mực, Linh Đàm... Điều đấy nói lên rằng, vị trí của ông trong lịch sử giáo dục Việt Nam hoàn toàn được khẳng định.
Trước đây, UNESCO đã từng vinh danh các danh nhân kiệt xuất của Việt Nam trước đây nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi (1980), 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990), 250 năm ngày sinh Nguyễn Du (2015). Việc UNESCO cùng Việt Nam kỷ niệm 650 năm ngày mất của Chu Văn An lần này khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị về văn hóa, giáo dục của Việt Nam, đồng thời góp phần quảng bá cho các mục tiêu bình đẳng trong giáo dục cho tất cả mọi người và tinh thần học tập suốt đời mà UNESCO đang thúc đẩy.
Theo quy định của UNESCO, kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 40 diễn ra vào tháng 11/2019 sẽ chính thức ra Nghị quyết cùng kỷ niệm các sự kiện, nhân vật kiệt xuất của thế giới.
Đoàn Việt Nam do ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam dẫn đầu, đã tham dự các hoạt động quan trọng trong khóa họp Hội đồng Chấp hành UNESCO từ ngày 3-17/4/2019.