Danh nhân tuổi Mão rạng danh đất Việt
Trong lịch sử nước ta có rất nhiều danh nhân tuổi Mão nổi tiếng làm rạng danh đất Việt. Với tài năng, sự thông tuệ của mình, họ đã có những đóng góp vô cùng quan trọng trong tiến trình dựng nước và giữ nước, tạo nền móng vững chắc xây dựng một nước Việt Nam anh hùng, độc lập, tự chủ hiện nay.
Hổ tướng Phạm Ngũ Lão
Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước của nhân dân ta đã ghi dấu nhiều chiến công chói lọi chống giặc ngoại xâm, trong đó nổi bật là 3 lần chiến thắng giặc Nguyên - Mông của nhà Trần. Góp phần quan trọng trong chiến thắng này là tài thao lược của tướng quân Phạm Ngũ Lão (sinh năm Ất Mão 1255) - một trong 3 hổ tướng lừng danh (Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng) của nhà Trần. Phạm Ngũ Lão quê ở làng Phù Ủng, nay là thôn Phù Ủng, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.
Sử sách ghi lại rằng, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn mang quân đi qua làng Phù Ủng. Khi đó, mọi người đều dẹp vào hai bên nhường đường, nhưng Ngũ Lão vẫn điềm nhiên ngồi đan sọt. Một người lính lấy giáo đâm vào đùi, nhưng ông không phản ứng gì. Hưng Đạo Vương nghe quân lính thưa lại, thấy lạ liền lại gầ n hỏi chuyện, không ngờ ông trả lời rành rọt về cách dùng binh. Hưng Đạo Vương liền chiêu mộ ông về Vạn Kiếp giúp huấn luyện quân lính.
Năm 1285, giặc Nguyên - Mông xâm lược nước ta lần thứ hai, Phạm Ngũ Lão cùng tướng quân Trần Quang Khải tiến đánh Chương Dương, Hàm Tử, đập tan đội binh thuyền khổng lồ của quân Nguyên chiếm đóng Thăng Long. Sau đó, ông được lệnh mang 3 vạn quân phục kích đánh địch ở Vạn Kiếp, chặn đường địch rút chạy lên biên giới phía Bắc.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ ba, ông cùng các tướng nhà Trần bày trận phục kích đường rút lui của giặc trên sông Bạch Đằng. Trong trận này, quân nhà Trần bắt sống các tướng giặc Phàn Tiếp, Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi. Phạm Ngũ Lão tiếp tục truy kích tiêu diệt gần hết cánh quân của Thoát Hoan trên đường bộ.
Những năm sau đó, phụng lệnh triều đình, ông có 4 lần cất quân đi trừng phạt sự xâm chiếm, quấy nhiễu của quân Ai Lao, 2 lần Nam chinh đánh thắng quân Chiêm Thành. Trận đánh nào ông cũng giành chiến thắng nên được gọi là vị tướng bách chiến, bách thắng.
Nhà yêu nước Phan Bội Châu
Phan Bội Châu (sinh năm Đinh Mão 1867), quê ở làng Đan Nhiễm, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông nổi tiếng là người thông minh, học giỏi. Năm lên 6 tuổi, Phan Bội Châu thuộc hết Tam tự kinh; 7 tuổi, hiểu kinh truyện; 8 tuổi, làm thông thạo loại văn cử tử. 13 tuổi, đỗ đầu kỳ thi huyện. Năm 16 tuổi, Phan Bội Châu đỗ đầu xứ. Năm 19 tuổi, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Phan Bội Châu tổ chức một đội thí sinh quân lên đường ứng nghĩa, nhưng chưa kịp hành động thì địch đã về càn quét ở làng.
Năm 1904, ông lập ra Hội Duy Tân, chủ trương bạo động và nhờ ngoại viện để khôi phục nền độc lập. Đầu năm 1905, ông sang Nhật rồi quay về nước tổ chức và lãnh đạo phong trào Đông Du (1905-1908), đưa lưu học sinh Việt Nam sang Nhật học tập chính trị, khoa học, quân sự để chống lại bọn đế quốc, thực dân. Ông viết nhiều tác phẩm tuyên truyền cách mạng như Việt Nam vong quốc sử, Hải ngoại huyết thư...
Năm 1909, Phan Bội Châu bị Chính phủ Nhật trục xuất, phong trào Đông Du tan rã. Ông sang Trung Quốc ẩn náu một thời gian rồi sang Xiêm hoạt động. Năm 1911, ông lại trở về Trung Quốc và thành lập Việt Nam quang phục hội với tôn chỉ đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập nước “Cộng hòa dân quốc Việt Nam”.
Sau những hoạt động yêu nước, Phan Bội Châu bị bắt giam tại Trung Quốc từ năm 1913-1917. Khi được ra tù, ông tiếp tục tìm đường cứu nước. Giữa năm 1924, ông cải tổ Việt Nam quang phục hội thành Việt Nam quốc dân đảng. Tháng 12/1924, sau khi được tiếp xúc với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ông dự định sang năm 1925 sẽ cải tổ lại Việt Nam quốc dân đảng theo hướng tiến bộ nhất. Tháng 6/1925, Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt ở Thượng Hải, giải về nước và bị xử án chung thân. Trước phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước, ông được thả và đưa về an trí tại Huế.
Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội ta
Đại tướng Hoàng Văn Thái (sinh năm Ất Mão 1915), tên thật là Hoàng Văn Xiêm, quê ở xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ông là một trong 34 đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.
Hoàng Văn Thái sớm giác ngộ, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1936 và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam lúc 23 tuổi. Từ năm 1941-1945, ông đảm nhiệm các cương vị: chỉ huy Đội cứu quốc quân Bắc Sơn, Trưởng đoàn học viên Việt Nam tại Trường Quân sự Liễu Châu (Trung Quốc), phụ trách công tác tình báo, tác chiến trong Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Hiệu trưởng Trường Quân chính kháng Nhật...
Tháng 9/1945, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao thành lập Bộ Tổng Tham mưu và là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của QĐND Việt Nam. Trên cương vị này, ông đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng cơ quan tham mưu chiến lược của Quân đội. Ngày 20/1/1948, ông nhận quân hàm Thiếu tướng trong đợt phong quân hàm cấp tướng đầu tiên. Ông làm Tham mưu trưởng và là Đảng ủy viên các chiến dịch lớn có ý nghĩa lịch sử đối với sự trưởng thành, chiến thắng của Quân đội như Chiến dịch Biên giới, Trung du, Hoàng Hoa Thám, Hà Nam Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào…
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Tướng Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng chiến dịch, trực tiếp chỉ huy công tác tham mưu - tác chiến tại mặt trận, góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông được chỉ định làm quyền Bí thư Khu ủy 5, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5. Ông đã cùng các đồng chí khác lãnh đạo, chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đánh bại các cuộc hành quân của Mỹ, ngụy… Sau Hiệp định Paris (tháng 1/1973), ông làm Phó Tổng Tham mưu trưởng thứ nhất, phụ trách công tác tác chiến và chi viện cho chiến trường. Ông cùng Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược, thực hiện các ý định, chủ trương của Bộ Chính trị, tạo thế và lực cho ta nắm thời cơ giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.
Từ năm 1974-1986, đồng chí Hoàng Văn Thái làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Phó Tổng Tham mưu trưởng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương. Năm 1980, ông được Đảng, Nhà nước phong quân hàm Đại tướng.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/danh-nhan-tuoi-mao-rang-danh-dat-viet-post458259.html