Danh sách trường học ở TP.HCM có cây xanh nguy hiểm cần đốn hạ
Sở Xây dựng đề nghị theo dõi, kiểm tra kỹ các cây phượng có kích thước lớn, cây bị sâu bệnh, cây được trồng lâu năm (khoảng trên 20 năm).
Sở Xây dựng TP.HCM vừa ban hành kết quả khảo sát, đánh giá hiện trạng, đồng thời kiến nghị những cây xanh nào cần đốn hạ ở 21 trường học trên địa bàn TP.
Cụ thể, có 21 trường học tại quận 1, 3, 4, 5, 10 và Bình Thạnh được khảo sát, đánh giá tình trạng cây xanh.
Kết quả cho thấy các cây xanh trong khuôn viên trường do các trường tự quản lý, chăm sóc. Đa số các trường thực hiện công tác cắt tỉa cây xanh khoảng 1 lần/năm và các trường tự thuê cá nhân, đơn vị cắt tỉa, đốn hạ cây xanh khi cần thiết.
Về tình trạng cây xanh: Hầu hết các cây xanh được cắt tỉa chưa đúng kỹ thuật, nhiều cây bị cắt trụi cành nhánh - gây mất mỹ quan và sức sống của cây. Về lâu dài, các cành nhánh sẽ mọc nhiều tại chỗ cắt, các cành nhánh này dễ gãy gây nguy hiểm cho học sinh, nhất là đối với các cây cao như Sọ khỉ, Me tây....
Ngoài ra, đa số các cây được trồng trong các bồn xây cao khoảng 30-60 cm, các bồn này thường được sử dụng làm chỗ ngồi cho học sinh, một số cây trong bồn gốc cây cao có hệ rễ sẽ bị bó trong bồn, rễ khó mọc lan ra bên ngoài...
Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão và phục vụ công tác quản lý về lâu dài, Sở Xây dựng đề nghị trường học thực hiện các biện pháp sau:
Đối với các cây bị sâu bệnh, sam, mục thân, rễ cây bị bó trong bồn, bị cắt rễ thì khi thực hiện cải tạo sân trường phải làm lại bồn gốc cây. Ngoài ra, các trường cũng phải hợp đồng với đơn vị có chuyên môn, năng lực chăm sóc cây xanh để khảo sát cắt tỉa, đốn hạ kịp thời.
Bên cạnh đó, phải theo dõi, kiểm tra kỹ các cây phượng có kích thước lớn, cây bị sâu bệnh, cây được trồng lâu năm (khoảng trên 20 năm), cây trồng trong các bồn xây cao. Đồng thời, phải theo dõi cây bàng (thường bị sâu róm, gây ngứa nếu học sinh chạm vào), phải đảm bảo các cây cao lớn như Sọ khỉ, Dầu, Me tây... được kiểm tra thường xuyên, cắt tỉa tán cây.
Về việc trồng bổ sung hoặc thay thế cây xanh đã đốn hạ, Sở Xây dựng yêu cầu nghiên cứu kỹ đặc tính, chủng loại cây trồng. Đối với các cây trồng mới và tùy vào điều kiện của từng trường, nên xây bồn gốc cây rộng và độ cao bồn không nên quá 20 cm hoặc có thể hạ thấp bằng mặt đất.
Những trường được kiến nghị đốn hạ cây
Quận 1:
Trường THCS Trần Văn Ơn: Cây phượng trước sân trường, tình trạng nghiêng ra đường, rễ nổi, có dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro cao, cần sớm đốn hạ.
Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm: Bốn cây phượng vĩ trước sân trường có tình trạng thân cong, nghiêng, rễ nổi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Cây vú sữa có tình trạng tương tự. Đề xuất đốn hạ bốn cây phượng, cây vú sữa, cắt tỉa các cây khác.
Quận 3:
Trường THCS Lê Quý Đôn: Cần đốn hạ cây Sọ khỉ cổ thụ sát hàng rào để đảm bảo an toàn.
Trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai: Cần đốn hạ cây nhạc ngựa bị cắt cụt ngọn, theo dõi kiểm tra cây vú sữa.
Quận 4:
Trường MN Nguyễn Tất Thành: Đa số cây có nhiều nhánh xụ, một số có tình trạng nghiêng. Đề nghị trường liên hệ với đơn vị chuyên môn kiểm tra đánh giá tình trạng cây và có biện pháp xử lý thích hợp.
Trường TH Đặng Văn Côn: Cây phượng sam mục thân. Đề nghị trường liên hệ với đơn vị chuyên môn kiểm tra đánh giá tình trạng cây và có biện pháp xử lý thích hợp.
Quận 5:
Trường TH Bàu Sen, đốn hạ ngay hai cây (phượng và bàng) trồng trong bồn cây bị nghiêng, nặng tán.
Trường TH Trần Bình Trọng: Đốn hạ ngay ba cây phượng trong khuôn viên trường.
Trường MN Họa Mi 2: Đốn hạ sớm cây Sọ khỉ và cây phượng.
Quận 10:
Trường THPT Nguyễn Du: Đề nghị đốn hạ một cây phượng loại 3 có dấu hiệu mục thân.
Trường THCS Lạc Hồng: Đốn hạ ngay một cây phượng bị mục tại vết cắt cũ.
Quận Bình Thạnh:
Trường TH Thanh Đa: Một cây bàng rễ nổi, sam thân, một cây phượng bị bọng gốc, một cây lim sẹt bị nghiêng, cần đốn hạ với những cây nguy hiểm.
Trường TH Hồng Hà: Cây phượng bị rễ nổi, bọng thân.
Trường THCS Hà Huy Tập: Hai cây bàng bị bọng, mục thân, cây lim sét trồng trong bồn cao bị lấp cổ rễ.