Danh sỹ đất Châu Cầu

Là một trong những danh tướng có tài triều Nguyễn, tên tuổi và sự nghiệp của Bùi Văn Dị đã làm rạng danh dòng họ Bùi ở đất Châu Cầu cổ kính hằng trăm năm. Những cống hiến cũng như tài năng văn chương Bùi Văn Dị đã làm cho truyền thống yêu nước và thi ca của Hà Nam được bồi đắp dày thêm. Hậu thế gọi ông là danh sỹ đất Châu Cầu Bùi Văn Dị.

Sử sách có ghi, Tướng công Bùi Văn Dị tên chữ là Ân Niên, Châu Giang, Hải Nông và Tốn Am, sinh năm 1833 trong một gia đình nho học ở đất Châu Cầu - một làng cổ lớn của Phủ Lý xưa, nằm trải dài bên bờ sông Châu. Năm 1855, ông đỗ cử nhân, rồi sau đó một năm mới vào Huế dự thi Hội, thi Đình và đạt học vị phó Bảng cùng người em họ, con ông chú ruột là Bùi Văn Quế. Bùi Văn Dị lần lượt được bổ làm tri huyện Lang Tài, Việt Yên, Yên Dũng thuộc tỉnh Bắc Ninh; Án sát Ninh Bình. Năm 1876, Bùi Văn Dị được cử làm Chánh sứ, đi sứ nhà Thanh. Hai năm sau, ông được sung vào nội các, được cử làm Duyệt quyển thi Hội, thi Đình lần thứ 2.

Năm 1881, Bùi Văn Dị làm đại thần quản lý Nha thương bạc. Sau năm đó, quân Pháp mở rộng xâm lược đánh chiếm Bắc Kỳ, ông đã dâng sớ đề nghị kiên quyết chống Pháp và được cử làm Khâm sai Phó kinh lược sứ Bắc Kỳ, trực tiếp chỉ huy trận đánh ngày 27 và 28/3/1883 chặn quân Pháp lấn ra ngoại vi Hà Nội. Ông được cử làm tham tán quân thứ Bắc Ninh. Tinh thần chiến đấu và lòng yêu nước của ông bị tổn thương đến phát bệnh khi triều đình nhà Nguyễn ký hàng ước 25/3/1883. Bùi Văn Dị không chịu nổi sự sỉ nhục quốc thể đã từ chối chức Tổng đốc Ninh Thái về ở ẩn tại Thanh Hóa.

Phố mang tên danh sỹ Bùi Văn Dị nằm trên địa bàn thành phố Phủ Lý.

Phố mang tên danh sỹ Bùi Văn Dị nằm trên địa bàn thành phố Phủ Lý.

Tuy nhiên, duyên nợ với triều đình chưa hết, năm 1884, ông bị triệu về làm Nhật Giảng Quan, giảng giải sách cho vua Kiến Phúc và sau đó là vua Hàm Nghi. Thời gian này, sức khỏe đã yếu, ông phải về dưỡng bệnh tại Hải Quật, Yên Định (Thanh Hóa). Đến cuối năm 1887, ông lại được triều đình gọi về làm Phụ chính đại thần. Trong dịp này, ông đã được truy phục học vị Tiến sỹ khoa Ất Sửu 1865. Ba năm sau đó, ông từ chức Thượng thư Bộ Lại và Phụ chính đại thần, trong lòng mang nặng nỗi niềm chính sự. Ông mất năm 1895 tại Huế. Linh cữu được đưa về quê xã Châu Cầu, Phủ Lý xưa, an táng tại cánh đồng Ngũ Mã. Sau này, con cháu họ Bùi đất Châu Cầu đã di chuyển mộ ông về nghĩa trang Bảo Lộc...

Trong một lần đến viếng mộ danh sỹ Châu Cầu Bùi Văn Dị, GS,TS Đinh Khắc Thuân, Viện Hán Nôm được con cháu dòng họ Bùi giới thiệu tấm bia ghi chép đầy đủ cuộc đời và sự nghiệp của Bùi Văn Dị. GS, TS Đinh Khắc Thuân khẳng định: Tấm bia này là một trong những tư liệu quý giúp việc nghiên cứu và dịch thuật của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, Hán Nôm về cuộc đời và sự nghiệp của Bùi Văn Dị. Ở tấm bia khắc chữ Hán cả hai mặt này cho thấy, Bùi Văn Dị không chỉ là một hiền tài của Triều Nguyễn mà ông còn là một danh sỹ nổi tiếng văn chương thi phú.

Ông nói: “Cụ nghè Bùi Văn Dị là con người của công việc nhưng vì yêu mến văn chương nên trong cuộc sống cụ vẫn dành một phần thời gian để ứng tác. Những tác phẩm, tạm gọi là thế của cụ đều khá tiêu biểu cho tinh thần của một chí sỹ yêu nước cuối thế kỷ 19. Dù không đồ sộ, nhưng nó là nguồn tư liệu rất quý để nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của một vị đại khoa danh giá đất Hà Nam”.

Theo GS,TS Đinh Khắc Thuân, Bùi Văn Dị vào triều làm quan cùng các đại thần Bùi Tuấn, Nguyễn Tư Dán trao đổi văn thơ, học thuật. Thời đó, vua Tự Đức dày công cho biên tập các loại sách quý. Thấy Bùi Văn Dị am hiểu văn học, có tài thơ phú nên ông được vua mời vào Viện Hàn lâm làm việc. Trong khoảng hai mươi năm trời, ông đã ứng tác nhiều bài văn thơ hay, chứng tỏ là một bậc uyên thâm nho nhã. Bùi Văn Dị và vua Tự Đức có những giao cảm thời thế mà chỉ qua thơ văn, chữ nghĩa mới có thể giãi bày hết tâm tư. Tình cảm với nước của vua tôi thật khó diễn tả hết khi đất nước lâm vào cảnh lầm than. Trong một lần đi đò qua sông Gianh, ông đã viết: “Chinh chiến bao năm tuổi chẳng chờ/ Dung nhan vàng võ, tóc râu phờ/ Chỉ thương người ngựa sông Gianh nọ/ Khuya khoắt ba quân đứng gọi đò”.

Bùi Văn Dị luôn hướng lòng về xã tắc non sông. Đau nỗi đau của người bất lực với thế thời binh biến mà lòng tự rằn vặt khôn nguôi: “Thơ dâng lệ những tuôn ròng/ Diệt thù hiềm nỗi mình không đủ tài/ Tấm son dù thác khôn phai/ Bồng bềnh kiếp sống bạc phơi mái đầu”. Ông viết: Các thi gia xưa nay, ai cũng có sở trường riêng... Nếu dựa theo nếp cũ, cóp nhặt phép thường, thì chữ và câu dù có hay ho, tinh thần và ý tứ đã là kém cỏi”. Bởi có quan niệm ấy, nên thơ ông như là một cây đàn có nhiều cung bậc: có dáng mây bay, có tiếng suối chảy, có giọng bình văn dịu êm, có tiếng gươm khua hùng tráng. Có tiếng phẫn nộ với kẻ thù, có lời âm thầm tự trách có vần thơ tâm sự với non sông, có vần thơ thủ thỉ xót thương với người bạn đời đã khuất...

Sau này, Nguyễn Huệ Chi cũng viết: Thơ ông viết về thiên nhiên, phản ảnh cuộc sống thật lúc bấy giờ... Nhìn chung, chúng đều mang một âm hưởng trầm buồn, hiếm hoi lắm mới có một niềm vui bất chợt đến. Nhưng dù buồn hay vui, thơ ông đều là tiếng nói chân thật của một tâm hồn giàu chất thơ.

Cùng với nhiều bậc danh khoa triều Nguyễn Việt Nam, Tiến Sỹ Bùi Văn Dị của Hà Nam được khắc tên trong văn bia văn Miếu - Huế. Điều này ghi dấu sự công nhận của triều đình với các nhà khoa bảng hiển đạt qua con đường học vấn khoa cử. Họ là những người đã nêu cao gương sáng về truyền thống hiếu học của một vùng đất văn hóa nói riêng và cả dân tộc nói chung. Mặc dù đến hôm nay, nhiều tư liệu về Tiến sỹ Bùi Văn Dị chưa được dịch thuật hết và công bố rộng rãi, nhưng ông vẫn là người được đánh giá cao về tài năng và nhân cách.

Giang Nam

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/que-huong-nui-doi-song-chau/danh-sy-dat-chau-cau-131960.html