Đánh thức điểm du lịch cộng đồng giữa đại ngàn Trường Sơn
Sâu trong dãy Trường Sơn trùng điệp, nơi mây vờn núi và những bản làng Mông yên bình, xã Mường Lống (Nghệ An) vừa chính thức được công nhận là điểm du lịch cộng đồng. Một quyết định mở ra cơ hội mới cho du lịch miền Tây Nghệ An – nơi cái nghèo từng đeo bám, nhưng nay đang thức giấc bằng chính bản sắc và lòng người hiếu khách...

Mường Lống là một trong những địa điểm du lịch Nghệ An được nhiều bạn trẻ tìm đến để khám phá.
Vài chục năm trước, hiếm ai nhắc đến Mường Lống với hình ảnh đẹp đẽ nào ngoài cái danh “thủ phủ thuốc phiện”. Nằm ở độ cao hơn 1.500m, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, Mường Lống từng bị cô lập với thế giới bên ngoài. Đỉnh điểm, cả xã có hàng trăm ha trồng cây thuốc phiện – loài cây từng được xem là “cần câu cơm” duy nhất giữa núi rừng.
HỒI SINH MỘT VÙNG ĐẤT TỪ KÝ ỨC CŨ THÀNH ĐIỂM ĐẾN ĐẦY TIỀM NĂNG
Đến năm 1997, nhờ chính sách xóa bỏ cây thuốc phiện của Nhà nước và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, Mường Lống bắt đầu bước ra khỏi bóng tối. Cây độc bị thay thế bằng mận tam hoa, đào rừng, ngô nếp, rau xanh. Người dân học cách làm kinh tế, rồi dần dà biết đến hai chữ “du lịch”.
Từ chỗ chỉ quanh quẩn làm nương, nuôi gà, trồng ngô, bà con bắt đầu làm homestay, mở cửa đón khách. Nhiều người học nấu ăn, hướng dẫn tham quan, dệt thổ cẩm, tổ chức các buổi trải nghiệm văn hóa… Một hành trình âm thầm nhưng bền bỉ, đưa Mường Lống từ “vùng cấm” thành điểm đến đầy tiềm năng.

Ở độ cao hơn 1.500m, Mường Lống quanh năm mát mẻ, đẹp như một bức tranh thủy mặc giữa đại ngàn Trường Sơn. Ảnh: Nhật Thanh.
Mường Lống nay vẫn như ngày xưa, trời xanh, mây trắng với những mái nhà trình tường đất. Nhưng không còn là một Mường Lống đóng kín, mà là một bản làng mở lòng với du khách, giữ được những nét riêng của người Mông giữa thời hiện đại.
Với thời tiết khí hậu quanh năm mát mẻ khiến nơi đây được ví như “xứ sở của mây”. Mỗi mùa đều có nét riêng. Xuân hoa mận nở trắng núi. Hè mây bảng lảng trên đỉnh trời. Thu vàng óng những rặng ngô. Đông se lạnh và rực rỡ váy áo dân tộc.

Du khách đến săn mây tại Mường Lống. Ảnh: Nguyen Lan Vinh.
Du khách đến đây không chỉ để ngắm cảnh. Họ ăn bữa cơm bản, có gà đen, lợn bản, măng rừng, uống rượu ngô; họ thử mặc váy Mông, tự tay dệt vải, làm bánh truyền thống; họ ngồi bên bếp lửa, nghe người già kể chuyện, nghe tiếng khèn đêm hội rộn ràng…
Anh Phạm Hoài Nam, một du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ sau ba ngày ở Mường Lống: “Tôi từng đến nhiều nơi vùng cao, nhưng Mường Lống có gì đó rất khác. Ở đây không phải chỉ để chụp ảnh, check-in rồi đi. Mường Lống giữ chân người ta bằng sự bình yên, bằng cái thật thà của con người và cả nhịp sống chậm rãi mà thành phố không có”.
Chị Lầu Y Dếnh ở bản Mường Lống 1 là một trong những người đầu tiên trong bản mạnh dạn làm homestay. Ngôi nhà gỗ đơn sơ được chị sửa sang lại, thêm phòng nghỉ, nhà tắm, không gian sinh hoạt cộng đồng. Nhưng điều khiến du khách nhớ nhất không phải sự tiện nghi, mà chính là cách người chủ nhà đón khách bằng cả tấm lòng.

Khách du lịch trải nghiệm cách làm bánh
Chị Dếnh kể: “Lúc đầu tôi cũng ngại lắm, không biết phải tiếp khách thế nào. Sau khi được đi tập huấn, được học hỏi mô hình từ các nơi khác, tôi bắt đầu làm từng chút một và đến giờ thì quen. Mỗi lần khách đến, tôi dạy họ làm bánh, dệt vải, đi chợ phiên, mang đến cho du khách những khám phá trải nghiệm về văn hóa, con người, vùng đất và thiên nhiên cảnh quan nơi đây”.
Homestay của chị Dếnh có thể đón từ 40 – 50 khách mỗi lượt. Thu nhập trung bình mỗi tháng sau khi trừ chi phí khoảng 5 – 7 triệu đồng, một con số không nhỏ với vùng cao.
Hiện nay, trên toàn xã có 5 homestay, hoạt động chủ yếu trong các dịp lễ hội hoặc mùa xuân khi hoa mận nở. Đặc biệt, năm 2022, Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Mường Lống được thành lập với 67 thành viên, riêng tổ homestay có 10 người. Hợp tác xã kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch cộng đồng, giúp người dân có thêm nguồn thu ổn định, xóa đói giảm nghèo bền vững.
MỘT QUYẾT ĐỊNH, MỘT BƯỚC NGOẶT
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã chính thức công nhận “Điểm du lịch cộng đồng Mường Lống” – một dấu mốc quan trọng cho sự phát triển vùng đất này. Theo đó, xã Mường Lống sẽ được hỗ trợ quảng bá, xây dựng hạ tầng, phát triển dịch vụ, đồng thời hướng tới mô hình du lịch bền vững gắn với bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường.
UBND xã Mường Lống được giao quản lý trực tiếp điểm du lịch, phối hợp các sở, ngành để giữ gìn trật tự, đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường, bảo tồn bản sắc và tạo điều kiện cho người dân tham gia làm du lịch. Các cơ quan như Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Sở Xây dựng, Công an tỉnh… cũng được phân công hỗ trợ trong quá trình triển khai.

Với khí hậu mát mẻ vào mùa hè, sương mù bao phủ mùa đông, mùa xuân cùng với cảnh đẹp, Mường Lống ngày càng thu hút được nhiều du khách về khám phá. Ảnh: Nhật Thanh.
Ông Vừ Bá Lỳ, Phó Bí thư Đảng ủy xã Mường Lống, chia sẻ: “Người dân mình chịu khó, chỉ cần có định hướng và hỗ trợ đúng thì sẽ làm được. Mường Lống không cần phải giống nơi khác, chỉ cần giữ đúng những gì đang có với cái khí hậu, cảnh sắc và văn hóa người Mông – thì tự nhiên sẽ có khách đến”.
Trong năm 2023 – 2024, Mường Lống đón hơn 2.000 lượt khách. Đông nhất là dịp lễ hội hái mận, hay mùa xuân khi hoa nở trắng rừng. Du lịch không chỉ mang lại nguồn thu nhập, mà còn làm thay đổi tư duy của người dân. Họ tự hào hơn về văn hóa của mình, giữ gìn nếp sống truyền thống, và cởi mở hơn với thế giới bên ngoài.
Nhiều điểm đến khác cũng đang được đia phương định hướng phát triển, như bản Yên Hòa (xã Mỹ Lý), đỉnh Puxailaileng (xã Na Ngoi), hay chợ biên giới Nậm Cắn. Nhưng Mường Lống – với vị trí, khí hậu và bản sắc sẵn có – vẫn là một trong những điểm sáng nhất của du lịch cộng đồng vùng biên giới Nghệ An.
Từ một bản làng nằm lặng lẽ giữa mây núi, Mường Lống đang dần “thức giấc” không phải bằng những công trình lớn hay dự án đồ sộ, mà bằng chính hơi ấm, tình người, và tiếng khèn ngân dài giữa đại ngàn Trường Sơn.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/danh-thuc-diem-du-lich-cong-dong-giua-dai-ngan-truong-son.htm