Độc đáo trang phục vỏ cây của người Cơ Tu

Những tấm áo, trang phục làm từ vỏ cây rừng được đồng bào Cơ Tu ở vùng cao thành phố Đà Nẵng ( tỉnh Quảng Nam trước đây) trân trọng giữ gìn và thường chỉ dùng để diện vào những dịp lễ hội của buôn làng như Tết, lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu, lễ kết nghĩa giữa hai làng anh em.

Bên cạnh trang phục thổ cẩm truyền thống, trang phục được làm từ vỏ cây rừng được đồng bào Cơ Tu thường được diện vào những dịp lễ hội lớn của buôn làng như một sự trân trọng vẻ đẹp độc đáo, đầy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng nơi đây.

Trang phục được làm từ vỏ cây của đồng bào Cơ Tu

Trang phục được làm từ vỏ cây của đồng bào Cơ Tu

Với đồng bào Cơ Tu, những bộ trang phục được làm từ vỏ cây không chỉ là một chiếc áo, chiếc khố để diện đẹp vào những dịp hội hè mà chứa đựng trong đó nhiều giá trị văn hóa truyền thống của tộc người.

Những bộ trang phục thơm mùi nhựa cây, mộc mạc cũng chính là sự phản ánh tinh thần hòa hợp, thương yêu, gắn kết giữa con người Cơ Tu với núi rừng, cây cỏ, thiên nhiên, cùng nương tựa, chở che nhau để cùng sinh tồn, phát triển.

Trang phục vỏ cây được mặc vào những lễ hội quan trọng của đồng bào Cơ Tu

Trang phục vỏ cây được mặc vào những lễ hội quan trọng của đồng bào Cơ Tu

Ông Cơlâu Nhanh- đồng bào Cơ Tu tại xã Bến Giằng, thành phố Đà Nẵng (trước đây là xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: Nếu phụ nữ Cơ Tu tự hào đều biết dệt thổ cẩm từ khi còn nhỏ, tự dệt nên những sản phẩm thổ cẩm cho gia đình, thì đàn ông Cơ Tu cũng tự hào khi giỏi chế tác nhạc cụ, săn bắt, dựng nhà, làm nương rẫy,…Và đặc biệt là biết vào rừng sâu tìm vỏ cây để làm nên những bộ trang phục vỏ cây cho riêng mình và tặng cho những người thương, quý.

Vỏ cây pơ plem (một loại cây thân gỗ) là nguyên liệu để làm nên bộ trang phục độc đáo

Vỏ cây pơ plem (một loại cây thân gỗ) là nguyên liệu để làm nên bộ trang phục độc đáo

Theo các già làng, trước khi biết đến nghề trồng bông, kết sợi, nhuộm màu chàm, dệt thổ cẩm, người Cơ Tu dùng vỏ cây pơ plem (một loại cây thân gỗ) để làm khố, váy, cây phải vừa đủ độ dài, rộng, dẻo, mềm và bền; các loại áo, mũ thì chọn dây cây zilang (loại câu thân dây, thường mọc từng bụi).

Vỏ cây pơ plem, dây zilang phải ngâm dưới suối 3-4 ngày cho ra hết nhựa mủ, sau đó phơi khô dưới nắng trời vài ba ngày rồi cắt, ghép các tấm vỏ cây, dây rừng theo kích cỡ của người mặc rồi khâu nên hình hài những tấm váy, khố, áo, mũ….

Trang phục vỏ cây được đồng bào Cơ Tu ở Nam Giang mặc khi tái hiện nghi thức cúng đất lập làng

Trang phục vỏ cây được đồng bào Cơ Tu ở Nam Giang mặc khi tái hiện nghi thức cúng đất lập làng

Tại một số nơi, đồng bào Cơ Tu cho biết vỏ cây được chọn làm trang phục phải có lớp vỏ đẹp, đủ độ rộng, dài, dày, ít gai để trang phục không bị rách, không gây trầy xước khó chịu cho người mặc.

Sau khi chọn được cây có vỏ ưng ý thì không được dùng dao cắt ngang mà phải dùng chày đập vào vỏ cây từ ngọn trở xuống để vỏ cây mềm và từ từ bong ra. Lớp vỏ cây này ngâm nước cho hết nhựa, rồi được phơi khô hoặc nướng cho dẻo, tiếp tục lột lớp da bên ngoài để lại lớp vỏ mỏng bên trong và tiếp tục đập cho đến khi tơi mỏng ra rồi khâu lại theo mẫu hợp với thân hình của mình.

Để chống mốc, giữ hương tự nhiên của vỏ cây thì có thể ngâm vỏ cây vào nồi nước nấu với các loại lá để nguội. Nếu chọn được những vỏ cây khổ lớn, dài thì cần khoét lỗ làm cổ áo, gài các sợi dây vào mép áo để thắt lại rộng, chật tùy thích mỗi khi mặc. Để ghép các mảnh vỏ cây lại dùng dây gai của cây bhơ nương, một loại cây rất dẻo và chắc, tương tự như chỉ khâu.

Vào mùa đông, người Cơ Tu kết thêm vỏ cây vào trang phục để chống giá rét, giữ ấm, trang phục này cũng khá thoải mái khi đi săn bắn ở rừng sâu, phát rẫy, cắt lá lợp nhà,…

Vào mùa đông, người Cơ Tu kết thêm vỏ cây vào trang phục để chống giá rét, giữ ấm, trang phục này cũng khá thoải mái khi đi săn bắn ở rừng sâu, phát rẫy, cắt lá lợp nhà,…

Theo lời những người lớn tuổi, trước đây để đổi một bộ trang phục, có khi phải mất cả một con lợn nhỏ, nhưng không dễ gì để có thể tìm mua vì để làm nên một chiếc áo vỏ cây phải mất cả tháng trời, chưa kể cất công lặn lội để tìm nguyên liệu, nên đàn ông Cơ Tu rất tự hào khi tự tay làm nên những chiếc áo vỏ cây cho mình và chỉ để dành tặng người thương. Mỗi chiếc áo làm ra, như một lời thương yêu gởi gắm, trân trọng từ khâu rừng tìm lột vỏ cây bóc vỏ, khâu áo.

Theo ông Trần Ngọc Hùng- nguyên Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam trước đây), thời gian qua, với sự hỗ trợ dự án 6, huyện Nam Giang tổ chức phục dựng nghi thức cúng đất lập làng, lễ cưới, lễ kết nghĩa, lễ mừng lúa mới, trình diễn trang phục truyền thống,… của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Tại những lễ hội trên, những bộ trang phục vỏ cây được đồng bào Cơ Tu mặc, trình diễn, giới thiệu luôn được mọi người yêu thích, tìm hiểu. Người mặc cũng rất hãnh diện khi tự tay dệt và khoác lên người bộ trang phục vỏ cây độc đáo, kỳ công.

Trang phục vỏ cây được trình diễn tại lễ hội văn hóa du lịch ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam trước đây

Trang phục vỏ cây được trình diễn tại lễ hội văn hóa du lịch ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam trước đây

Ngày nay, trang phục từ thổ cẩm đã trở thành trang phục hàng ngày của đồng bào Cơ Tu, trang phục làm bằng vỏ cây thường chỉ dùng để mặc vào những dịp lễ hội của làng. Nhưng đồng bào Cơ Tu vẫn luôn cố gắng giữ gìn và truyền dạy kỹ thuật làm trang phục vỏ cây, lan tỏa niềm tự hào khi tự tay làm và khoác lên mình bộ trang phục độc đáo vào những sự kiện quan trọng.

Đặc biệt vào những dịp lễ tạ ơn rừng, cúng đất lập làng, bộ trang phục vỏ cây được các già làng chọn mặc như một cách trân trọng, giữ gìn về truyền thống, tập quán ăn mặc một thời gian khó của đồng bào, khi trang phục bằng vải rất hiếm. Đây cũng là cách để thể hiện lòng biết ơn, nhắc nhở người trẻ luôn giữ rừng, sông, suối đã chở che cho buôn làng, gia đình, giúp dân làng cái ăn cái mặc,…

THU HOÀI

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/doc-dao-trang-phuc-vo-cay-cua-nguoi-co-tu-152130.html