Đánh thức dòng Đông Ba

Đôi khi có những ký ức tưởng ngủ quên bỗng một hôm trở về rực rỡ, ấy là khi tôi ngồi thuyền trên sông Đông Ba, đi từ cầu Gia Hội về Bao Vinh, đến ngã ba Sình. Khoảng sông nước mênh mông này từng đi vào trí tưởng tượng của tôi và bạn bè thời thơ bé: 'Nơi cuối cùng của sông Hương là ở chỗ mô tụi bây hè?'

 Nhịp sống đời thường trên dòng Đông Ba. Ảnh: Nguyễn Phong

Nhịp sống đời thường trên dòng Đông Ba. Ảnh: Nguyễn Phong

Hồi ấy, mỗi chiều hè là đám con nít xóm tôi lại rộn ràng ở bến sông nhà tôi. Từ bến nước ấy, nhìn lên là cồn Hến, nhìn xuống là bến đò chợ Dinh. Bây giờ thì có cầu chợ Dinh nên bến đò đã đi vào dĩ vãng từ lâu, nhưng tôi vẫn còn nhớ mỗi khi chúng tôi ôm phao bơi ra giữa dòng trong sự bảo vệ của mấy anh trai tôi, nhìn về hướng bến đò chợ Dinh, thấy mênh mông nước ở “phía dưới nớ”, một vùng sông nước chứa bao điều bí ẩn trong những cái đầu con nít xóm tôi. “Dưới nớ” có ma rà, có cá sấu và chúng tôi tin rằng đó là nơi cuối cùng của dòng Hương. Chỉ là tưởng tượng thôi mà nhiều lúc cũng thành những cãi vã, giận lẫy, bỏ cuộc tắm sông, nghỉ bơi vài ngày rồi mới chơi lại và lại hào hứng nói về những điều tưởng tượng sẽ gặp trên chặng đường khám phá dòng sông ở phía hạ nguồn.

Bây giờ thì tôi đang ngồi trên thuyền đi từ cầu Gia Hội về Bao Vinh theo đường sông Đông Ba. Tôi ngạc nhiên nhận ra mình lên thuyền của anh Nghết, chị Hoa bằng một bước nhảy thật nhẹ nhàng và nhanh nhẹn. Chính “cú” nhảy lên thuyền không che giấu một tuổi thơ rong chơi đã làm tôi nghĩ đến bạn bè thuở nào. Nếu bây giờ mà có Ánh, Bụng, Lựu, Huệ đi cùng chuyến này thì chúng tôi sẽ vui biết bao nhiêu, cũng sẽ cãi nhau điều chi đó hay ít nhất cũng trầm ngâm, “răng tới chừ mà tụi mình mới đi tìm lời giải đáp cho thắc mắc từ thuở thơ bé hè? Không có bạn bè tuổi thơ nhưng hôm ấy tôi được đi cùng hai người bạn vong niên “xuất hiện thường xuyên trên nhiều chương trình truyền hình nói về Huế, nói bằng một tình yêu và sự hiểu biết Huế vô cùng thông tuệ và sâu sắc”, một người là chị lớn nhà ở “Hàng Đường” - đường Bạch Đằng, GS.TS. Thái Kim Lan và một người là anh lớn nhà ở Thành Nội, nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng.

Suốt chiều dài 3km từ cầu Đông Ba về Bao Vinh, thuyền đi giữa hai bên là phố phường, vườn tược làm tôi không ngăn được liên tưởng thú vị rằng giống như tôi đang đi thuyền đi trên con sông Tuber xinh đẹp ở thành Rome, sông Amstel ở Hà Lan mà tôi từng xem trong các chương trình du lịch qua màn ảnh nhỏ. Từ dưới sông Đông Ba nhìn lên, mây trời và những hàng cây bồ đề trên đôi bờ in bóng xuống dòng sông xanh, cảnh quá đẹp và quá bình yên. Năm 2008, vạn đò sông Đông Ba được đưa lên bờ định cư, hai bờ dòng sông đã được kè đá, vẻ đẹp ban đầu của dòng sông đào cách đây 220 năm hiện ra, thông thoáng và êm đềm. Tôi đọc được vẻ hạnh phúc, rạng rỡ trên gương mặt GS.TS. Thái Kim Lan khi đi trên dòng sông tắm mát tuổi thơ của bà. Sông Đông Ba của Huế quá đẹp, dư sức có một tour du lịch thú vị. Hai người bạn lớn của tôi say sưa nói về tiềm năng của tour du lịch này.

Có biết bao điều thú vị để kể trên đoạn đường 6km cả đi và về của tour du lịch này, mà toàn là những chuyện hấp dẫn như chuyện lịch sử sông đào Đông Ba gắn liền với lịch sử xây dựng Kinh thành Huế khi vào năm 1805 vua Gia Long cho đào sông Đông Ba làm sông hộ thành, rồi chuyện làng Thế Lại Thượng, chùa Thế Long, chùa Thuận Hóa, đình và miếu làng Thế Lại Thượng, chùa Diệu Đế, ngôi chùa vốn là tiềm để của Thiệu Trị đi vào ca dao với câu ca “Đông Ba - Gia Hội hai cầu/ Ngó qua Diệu Đế bốn lầu hai chuông” và còn nữa những phủ đệ của các ông hoàng, bà chúa mà bây giờ từ dưới sông nhìn lên bóng những cổng phủ rêu phong, trầm mặc níu mắt người nhìn và không ngăn được những tưởng tượng về một thời ngựa xe qua lại nơi này.

Ở phía đường Huỳnh Thúc Kháng cũng là bao nhiêu câu chuyện kể gắn liền với thời hiện đại chưa xa, như là Tòa soạn báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng ở số 123 đường Đông Ba, phố Hàng Bè, nay là số 193 đường Huỳnh Thúc Kháng; hay giới thiệu về một loại đặc sản nổi tiếng của Huế đó là kẹo mè xửng với cửa hiệu đầu tiên, cho đến nay vẫn còn giữ nghề truyền thống của gia đình như Nam Thuận, Hồng Thuận, từ năm 1950 đã xuất khẩu kẹo mè xửng Huế đi Paris, Hong Kong (Trung Quốc)…

Tất cả mọi dòng sông đều đổ ra biển, cuối dòng Đông Ba là Bao Vinh. Khúc sông này đúng là mênh mông nước, đi đoạn nữa sẽ đến Ngã Ba Sình là nơi gặp nhau của sông Hương, sông Bồ trước khi đổ ra biển. Từ dưới sông nhìn lên, mặt sau của những ngôi nhà phố cổ Bao Vinh được sơn lại nhiều màu sắc, đẹp như một bức tranh sẽ khơi dậy niềm phấn khởi khi kể về thương cảng Thanh Hà - phố cổ Bao Vinh, câu chuyện một thời cảng phố ven sông gắn liền với lịch sử thương mại Đàng Trong đã phát triển mạnh từ năm 1636 khi chúa Nguyễn Phúc Lan cho thành lập thương cảng Thanh Hà.

Thuyền cập bến, lên bờ phía Tiên Nộn hay Bao Vinh, du khách sẽ có tiếp những câu chuyện của mình về những ngôi làng hạ nguồn sông Hương. Một tour du lịch bằng thuyền trên dòng sông Đông Ba như thế vô cùng hấp dẫn. Hai người bạn lớn của tôi không giấu được nỗi tha thiết mong chờ đánh thức dòng sông Đông Ba một ngày gần đây bằng tour du lịch thuyền trên sông Đông Ba.

Riêng tôi, tôi muốn nhắn gửi đến những người bạn “Ánh ơi, Bụng ơi, Lựu, Huệ ơi, cuối dòng sông Hương cảnh đẹp lắm, chúng mình hẹn cùng nhau một chuyến xuôi dòng Đông Ba để tận mắt thấy “Nơi cuối sông Hương là chỗ mô tụi bây?” nghe, những người bạn hàng xóm của tôi.

Xuân An

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/danh-thuc-dong-dong-ba-152489.html