Đánh thức du lịch sông Hồng
Các dòng sông trên địa bàn Thủ đô Hà Nội được ví như những vỉa quặng đầy trữ lượng để du lịch khai thác, trong đó có sông Hồng. Tuy nhiên, việc khai thác du lịch sông Hồng hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với giá trị của dòng sông...
Tiềm năng còn “ngủ đông”
Hệ thống sông hồ của Hà Nội không chỉ là dòng chảy của tự nhiên mà còn là dòng chảy của văn hóa - lịch sử trên mảnh đất ngàn năm văn hiến. Trong đó, sông Hồng chảy qua khu vực Thủ đô có những giá trị hết sức đặc biệt.
Sông Hồng chảy qua Hà Nội có chiều dài khoảng 160km, trong đó 40km qua nội đô, được xác định là trục không gian cảnh quan chủ đạo, không gian kết nối đô thị trung tâm Hà Nội. Dọc 2 bên bờ sông Hồng hiện còn nhiều di tích lịch sử văn hóa đặc sắc, cùng đó là các lễ hội như: Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Gióng, Ðức Thánh Trần Hưng Ðạo và Ðức Thánh Chử Ðồng Tử… Cũng trên khúc sông chảy qua Hà Nội còn có cây cầu Long Biên - chứng nhân của lịch sử.
Cùng với đó là những làng nghề truyền thống, làng cổ như làng Đường Lâm - ngôi làng cổ đầu tiên được Nhà nước trao bằng Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia ngày 19/5/2006; làng Bát Tràng - nơi lưu giữ nghề truyền thống, là một điểm du lịch thu hút du khách gần xa; làng đào Nhật Tân (Tây Hồ); làng nghề mây tre đan (Thường Tín)…
Bàn về tiềm năng du lịch của sông Hồng đối với Thủ đô Hà Nội, ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á nhận định, tuyến du lịch sông Hồng là một sản phẩm hấp dẫn không chỉ với khách du lịch trong nước, mà cả khách quốc tế. Nếu biết cách khai thác, sản phẩm này có nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt với đối tượng khách nước ngoài đến từ châu Âu.
Mặc dù được ví như vỉa quặng có trữ lượng dồi dào được bồi đắp qua hàng ngàn năm lịch sử, từng được kỳ vọng sẽ là một hướng đi góp phần quan trọng với du lịch của Thủ đô, song việc khai thác tour sông Hồng mới dừng ở mức nhỏ lẻ, chưa được đầu tư bài bản. Các doanh nghiệp lữ hành nhận định, tuyến du lịch này chủ yếu phục vụ khách đi theo đoàn, kết hợp giữa du lịch sinh thái với du lịch tâm linh, hầu như không có khách lẻ.
Theo các chuyên gia du lịch, nguyên nhân chính cho việc sản phẩm du lịch sông Hồng chưa khai thác hết tiềm năng là do cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, các đơn vị khai thác gặp nhiều khó khăn về bến bãi, giao thông dẫn ra bến tàu. Khu vực sông Hồng có 2 bến tàu, ở Chương Dương Độ và ở Bạch Đằng, song đường đi vào rất khó khăn.
PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, sự chồng chéo trong các chính sách, quy định về cấp phép, quản lý bến tàu thủy nội địa và phương tiện đường thủy khiến nhiều nhà đầu tư không dám vận hành, khai thác sản phẩm du lịch đường sông tại Hà Nội.
Đẩy mạnh đầu tư, làm mới sản phẩm
Được biết, hiện nay đang có Công ty cổ phần Thăng Long - GTC là đơn vị được phép vận hành khai thác bến Chương Dương, tuyến du lịch sông Hồng từ Hà Nội - Hưng Yên. Dù vậy, Công ty GTC vẫn chưa khai thác hết các điểm di tích lịch sử, văn hóa do hệ thống giao thông kết nối, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ du lịch đường sông còn chưa được đầu tư để đáp ứng được yêu cầu đón khách.
Theo ông Phạm Hải Quỳnh, việc có thể làm ngay là Công ty GTC liên kết với những đơn vị khác đầu tư cầu cảng tàu để tạo thành điểm check-in hấp dẫn cho du khách. Xây dựng sản phẩm tàu cao cấp về đêm. Trước mắt, đơn vị khai thác du lịch sông Hồng cần phải hoàn thiện điểm đến thay vì cách tham quan kiểu cũ.
Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia cũng cho rằng, để du lịch sông Hồng phát triển, cơ quan quản lý cần chuẩn bị rất nhiều các điều kiện cơ sở vật chất cho sản phẩm du lịch đường sông. Cụ thể, xây dựng và cấp phép hoạt động bến tàu du lịch đường sông; quy hoạch và đầu tư giao thông kết nối điểm đón từ đường sông lên đường bộ theo lịch trình…
Còn theo PGS.TS Dương Văn Sáu - nguyên Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội): Cần tập trung nghiên cứu, đầu tư phát triển thành phố 2 bên bờ sông Hồng một cách khoa học, hiện đại, gắn chặt với việc gìn giữ và bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và môi trường sinh thái nhân văn. Việc xây dựng các cây cầu qua sông Hồng phải là những công trình giao thông trọng điểm, đồng thời mỗi cây cầu phải trở thành một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật độc đáo, đặc sắc. Quy hoạch ngay khu vực bờ bãi ven sông, kè bờ và nạo vét dòng sông để giao thông đường thủy an toàn, thông suốt.
Có thể thấy, tour du lịch sông Hồng có rất nhiều tiềm năng để trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng và hấp dẫn của Hà Nội. Tuy nhiên, để sản phẩm này thực sự khởi sắc, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, cần có sự quyết tâm vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/danh-thuc-du-lich-song-hong-10297715.html