'Đánh thức' giá trị các di tích lịch sử văn hóa ở Hà Tĩnh
Hà Tĩnh được coi là đất tụ cư của người Việt cổ, là 'phên dậu' phía nam trong một thời kỳ lịch sử khá dài. Chính vì thế, Hà Tĩnh sở hữu một kho tàng di sản văn hóa vật thể khá phong phú. 'Đánh thức' giá trị của các di tích là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của ngành văn hóa Hà Tĩnh.
Danh thắng chùa Hương Tích (Can Lộc) là một trong những di tích được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, gắn với phát triển du lịch. Ảnh Thanh Hải
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, liên tục bị thiên tai, chiến tranh tàn phá, nhiều di sản ở Hà Tĩnh bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều di tích chỉ còn là phế tích. Với sự nỗ lực trong công tác bảo tồn, qua nhiều giai đoạn, nhất là từ khi có Luật Di sản văn hóa, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn đã từng bước được khảo sát, nghiên cứu, xếp hạng, trùng tu.
Liên tục nhiều địa phương, nhiều di tích huy động được hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng tu bổ, tôn tạo các di tích là “bức tranh” tươi sáng của ngành văn hóa trong nhiều năm qua. Trong bức tranh chung đó, mỗi dòng họ, mỗi xã, huyện có những “nét vẽ” với những “sắc màu” riêng trong cách thức thực hiện. Nổi bật như Hương Sơn gắn với phát huy giá trị truyền thống các dòng họ; Can Lộc gắn với phát triển du lịch; TX Hồng Lĩnh gắn với khôi phục, phát huy các lễ hội truyền thống…
Là một trong những huyện có nhiều di tích lịch sử - văn hóa và làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong thời gian qua, Can Lộc luôn hướng đến việc gắn với phát triển du lịch. Tiêu biểu như: chùa Hương Tích, cụm di tích ở làng Trường Lưu với hệ thống nhà cổ độc đáo và khu mộ, nhà thờ các danh nhân như Phan Kính, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự… những năm qua đã thu hút rất nhiều du khách cũng như các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học tìm đến.
Đền Làng Đông (xã Tùng Lộc, Can Lộc) đón bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Ảnh Đạt Võ
Ông Bùi Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện thông tin: “Trong những năm qua, Can Lộc có 54 di tích lịch sử được trùng tu, tôn tạo (88 lần) với tổng kinh phí 103,828 tỷ đồng (trong đó nguồn xã hội hóa là 44,795 tỷ đồng). Chúng tôi luôn chú trọng gắn công tác bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích với phát triển du lịch. Nhờ đó, ngày càng có nhiều di tích được biết đến rộng rãi và nhận được nhiều nguồn hỗ trợ để tiếp tục đầu tư, tôn tạo, phát huy giá trị trong đời sống Nhân dân”.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết 33 (Hội nghị lần thứ 9 khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, thời gian qua, các địa phương ở Hà Tĩnh đã không ngừng nỗ lực khôi phục, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di sản văn hóa. Trong đó, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch; huyện, xã và các dòng họ đã nỗ lực kêu gọi nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ tu bổ, tôn tạo di tích gắn với phát triển du lịch.
Nhà thờ Trần Hậu với 388 năm tuổi, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần to lớn của một dòng tộc có lịch sử gần 500 năm vừa được con cháu chung tay trùng tu, tôn tạo.
Ông Nguyễn Tùng Lĩnh, Trưởng phòng Quản lý di sản - Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh cho biết: “Tuy chưa nổi tiếng như một số di tích ở vùng đồng bằng sông Hồng nhưng nhiều di tích ở Hà Tĩnh cũng mang những đặc trưng kiến trúc, lịch sử khá tiêu biểu của từng triều đại và vùng miền. Đặc biệt là ghi dấu công lao, sự đóng góp trên nhiều lĩnh vực của nhiều danh nhân, dòng họ.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trong đời sống hiện nay đóng góp một phần quan trọng đến thực hiện các chủ trương của Đảng về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam thời đại mới. Đến nay, chúng tôi đã kiểm kê được trên 1.800 di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng; xếp hạng 589 di tích các loại, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 85 di tích cấp quốc gia, 502 di tích cấp tỉnh. Công tác tuyên truyền về giá trị của di tích cũng được các địa phương thực hiện tốt, tạo sự lan tỏa trong đời sống văn hóa của Nhân dân”.
Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đền Cả ở Ích Hậu (Lộc Hà) từng bị xuống cấp nghiêm trọng, năm 2019 được đầu tư 15 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo.
Những năm qua, việc phân cấp quản lý di tích được thực hiện với 3 cấp: tỉnh, huyện, xã cùng các dòng họ. Thông qua công tác lập hồ sơ, xếp hạng di tích đã gắn trách nhiệm của ngành chuyên môn, chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân vào việc nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn. Chính vì thế, việc thực hiện chính sách của Nhà nước, của tỉnh cũng như việc vận động nguồn lực xã hội hóa đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích và phát huy các giá trị của di tích ở các địa phương rất tốt. Tiêu biểu như các huyện Can Lộc, Hương Sơn, Nghi Xuân, TX Hồng Lĩnh, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh...
Anh Trần Anh Nam, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hương Sơn chia sẻ: “Những năm qua, ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước và tỉnh, một số xã, dòng họ đã làm tốt công tác huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích.
Trong đó, nổi bật như xã Sơn Bằng đã huy động hàng chục tỷ đồng tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, nhà thờ các dòng họ… Việc nhà thờ các dòng họ được tôn tạo đã góp phần phát huy giá trị truyền thống các di tích trong đời sống Nhân dân, nhất là truyền thống hiếu học, yêu nước, tương thân tương ái…”.
Đền Đông ở xã Đồng Môn (TP Hà Tĩnh) được trùng tu, tôn tạo từ nguồn vốn xã hội hóa đã phát huy giá trị giáo dục truyền thống trong đời sống hiện đại.
Các di tích lịch sử được bảo tồn và phát huy giá trị đã góp phần giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Bên cạnh đó, các lễ hội gắn với di tích được đông đảo Nhân dân hưởng ứng, tạo điều kiện giao lưu, kết nối cộng đồng, góp phần bảo tồn những nét đẹp văn hóa của quê hương, dân tộc, thúc đẩy phát triển du lịch, trở thành nguồn lực quan trọng góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.