'Đánh thức' giá trị hương ước

Qua rà soát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến thời điểm hiện nay, hương ước, quy ước đã được xây dựng, công nhận và tổ chức thực hiện ở hầu hết các địa phương trong cả nước.

Hương ước - nét đẹp văn hóa làng. Ảnh: minh họa

Hương ước - nét đẹp văn hóa làng. Ảnh: minh họa

Khảo sát thực tế tại 106.383 thôn, làng cho thấy, trên 93% bản hương ước, quy ước đang phát huy hiệu quả, là công cụ góp phần tích cực vào hoạt động quản lý xã hội, đảm bảo phù hợp với nét đẹp, truyền thống, phong tục, nếp sống văn hóa riêng của mỗi thôn, làng.

Nhờ hệ thống các quy định rất cụ thể, rạch ròi về nghĩa vụ và quyền lợi của các thành viên trong các cộng đồng, hương ước đã trở thành công cụ quản lý mềm rất hiệu quả, khơi dậy tinh thần tự giác, tự nguyện của mỗi người dân, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.

Theo các nhà quản lý xã hội, việc tự giác chấp hành quy ước, hương ước ngày càng phát triển sâu rộng, đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, hương ước đã góp phần đưa pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống; gìn giữ, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư; bài trừ các tập tục lạc hậu; hình thành giá trị chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương; phát huy và mở rộng dân chủ ở cơ sở.

Qua việc thực hiện hương ước, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới; phát huy quyền tự do, dân chủ ở cơ sở, động viên, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ. Trong đó, nhiều văn bản được cộng đồng đánh giá cao như Quy ước về bảo vệ Tổ quốc; Quy ước về xây dựng nếp sống văn hóa; Hương ước giữ rừng...

Tuy nhiên, vai trò của hương ước tại nhiều nơi đang trở nên mờ nhạt và đang bị ngay chính thành viên các cộng đồng làng, xã xem nhẹ, bỏ qua. Nhiều chuyên gia cảnh báo, một số bản hương ước hầu như không ăn nhập với đời sống thôn, làng. Nhiều hương ước, quy ước sơ sài về nội dung, sao chép lặp lại chính sách, pháp luật, thiếu nét đặc trưng văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán, thuần phong mỹ tục của các địa phương. Thậm chí, một số hương ước, quy ước có nội dung trái pháp luật, xâm phạm hoặc hạn chế quyền con người, quyền công dân khi đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền và vật chất.

Nguyên nhân của tình trạng trên do việc thực hiện hương ước, quy ước ở một số địa phương còn hình thức, phong trào; không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mà chủ yếu là để ghi nhận thành tích, khi thực hiện việc công nhận các danh hiệu văn hóa.

Cách thức xây dựng hương ước theo kiểu từ trên xuống hiện nay đang làm cho hương ước mất đi giá trị, vì những quy định đó không gắn liền với quyền lợi và ý thức trách nhiệm của người dân. Thành thử, một công cụ mềm để quản lý làng xã rất hiệu quả đã bị xem nhẹ, bỏ qua, chưa khơi dậy được chức năng giúp nhân dân tham gia, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước...

Rõ ràng, hương ước có thể mang lại những điều chỉnh tích cực trong cuộc sống khi các quy định gắn chặt với đời sống thôn, làng trên cơ sở kế thừa những mặt tích cực của phong tục, tập quán truyền thống nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; đồng thời bổ sung những nội dung mà pháp luật chưa quy định cụ thể, phù hợp với yêu cầu tự quản của cộng đồng dân cư.

Để hương ước thực sự là “cánh tay nối dài” của pháp luật và cùng với pháp luật điều chỉnh một cách toàn diện các mối quan hệ phát sinh trong đời sống xã hội, chính quyền các địa phương cần tăng cường hướng dẫn các khu dân cư thực hiện việc rà soát sửa đổi, bổ sung quy ước, hương ước cho phù hợp với quy định chung và tình hình thực tế.

Phát huy những giá trị của hương ước cũng là một trong những phương thức thực hiện chủ trương mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/danh-thuc-gia-tri-huong-uoc-post447635.html