'Đánh thức' giá trị văn hóa truyền thống trong du lịch
Từ câu chuyện cộng đồng mạng xã hội chia sẻ, ủng hộ khuyến cáo không mặc trang phục nước ngoài khi du lịch Sa Pa nhằm tôn trọng bản sắc văn hóa người Mông cho thấy, việc tôn trọng, gìn giữ và ứng xử đúng đắn với văn hóa truyền thống trong du lịch rất quan trọng. Hơn hết, việc 'đánh thức' các giá trị truyền thống bản địa có thể tạo ra sức hút to lớn hơn với du khách, trong khi tận dụng được các tiềm năng, lợi thế sẵn có tại điểm đến.
Ứng xử đẹp với văn hóa bản địa
Mới đây, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh tấm bảng khuyến cáo trang phục khi du lịch Sa Pa, được nhiều người ủng hộ. Tấm bảng treo bên ngoài nhà dân ở bản Cát Cát có nội dung: “Xin quý khách vui lòng không mặc trang phục Mông Cổ, hở hang để tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa người Mông. Trân trọng cảm ơn!”.
Trước đó, trào lưu thuê và chụp ảnh trang phục Mông Cổ, Tây Tạng đã xuất hiện tại nhiều điểm du lịch miền núi ở Hà Giang, Lào Cai, Tây Nguyên... và từng bị dư luận chỉ trích vì không phù hợp với bản sắc các dân tộc Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc một số người dân địa phương, tiểu thương nhập trang phục nước ngoài để tạo xu hướng độc lạ nhằm thu hút khách thuê và chụp ảnh là một trào lưu đáng lo ngại. Dù hoạt động này không bị cấm nhưng phần nào làm “tổn thương” đến bản sắc văn hóa dân tộc bản địa, đặc biệt là văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi.
Trong khi đó, ngành Văn hóa đã và đang nỗ lực bảo tồn và phát huy những giá trị đang dần bị mai một này trong nhiều năm nay. Hầu hết du khách thông thường không thể phân biệt được trang phục của người dân tộc và của người nước ngoài; đối với du khách quốc tế còn dễ gây hiểu lầm hơn.
Do vậy, sử dụng đúng chất liệu văn hóa trong du lịch không chỉ nâng cao giá trị điểm đến bởi bản sắc không trùng lặp với các nền văn hóa khác, thúc đẩy kinh tế, mà còn thể hiện sự tôn trọng giá trị truyền thống của Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ khi người dân tự ý thức được lòng tự hào và trách nhiệm bảo vệ văn hóa dân tộc, họ mới thực sự hành động. Điều này rất cần đến các đơn vị quản lý tăng cường tuyên truyền, vận động người dân địa phương về cách làm du lịch dựa trên văn hóa truyền thống vốn có.
Khi giá trị truyền thống là “trái tim”
Du lịch ở các tỉnh Tây Nguyên ghi nhận bước “chuyển mình mạnh mẽ” sau thời gian “ngủ đông” bởi đại dịch, do biết cách khai phá những giá trị văn hóa truyền thống để làm mới các sản phẩm du lịch. Trong năm 2023, khu vực này đã tổ chức hàng loạt hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch từ cấp vùng tới cấp cơ sở, trong đó có những sự kiện thu hút hàng trăm nghìn du khách.
Có thể kể tới Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ nhất tại tỉnh Kon Tum; Tuần lễ Văn hóa, du lịch tỉnh Gia Lai; Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk; Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8,…
Cùng với các lễ hội văn hóa, người dân địa phương đã mạnh dạn tạo ra những sản phẩm du lịch mới từ đặc trưng văn hóa cộng đồng, như văn hóa cồng chiêng, để tạo ra các sản phẩm du lịch, đồ lưu niệm bắt kịp xu hướng và thị hiếu của du khách. Một trong những hoạt động thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước là trải nghiệm trực tiếp nghề gốm thủ công lâu đời của người M’nông và Ê Đê ở Đắk Lắk. Với sự phát triển của hoạt động du lịch trải nghiệm, nghề gốm dường như được “hồi sinh” trước nguy cơ bị mai một.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa đang là hướng đi được nhiều buôn làng ở các tỉnh vùng Tây Nguyên quan tâm, nhằm cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết số 23-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các mục tiêu quan trọng đề ra bao gồm phát triển các trung tâm du lịch lớn, hình thành các tuyến du lịch, sản phẩm du lịch gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Theo hướng đi này, các tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ người dân địa phương vừa khai thác du lịch, vừa bảo tồn các di sản văn hóa.
Những sản phẩm du lịch từ chính cộng đồng, người dân Tây Nguyên tạo ra ngày càng được du khách thập phương, thậm chí nhiều khách quốc tế biết và tìm đến trải nghiệm. Điều này cho thấy, khi giá trị văn hóa truyền thống được “đánh thức”, người làm du lịch vừa có thể tạo ra những chuỗi sản phẩm văn hóa độc đáo, hút khách, vừa đóng góp vào nỗ lực bảo tồn, gìn giữ, tôn vinh. Những nỗ lực này cộng hưởng tạo ra sức hút lớn hơn để phát triển du lịch liên vùng, có đủ khả năng cạnh tranh với các trung tâm du lịch khác ở trong và ngoài nước.
Đáng nói, các sản phẩm văn hóa nhìn chung đều là sản phẩm rất đặc thù, việc đầu tư cho sản phẩm văn hóa nhiều khi không thấy ngay được kết quả trước mắt mà cần có khoảng thời gian lâu dài. Do đó, vai trò điều phối, định hướng, tuyên truyền, quản lý, bảo vệ và phát huy di sản của các cơ quan chức năng là rất quan trọng, nhất là phải tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương.