Đánh thức tiềm năng

Với lợi thế là Thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, lại có nhiều điểm tham quan, sản phẩm truyền thống…, Hà Nội có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế ban đêm.

Tận dụng thế mạnh đó, Hà Nội đã bước đầu xây dựng, phát triển kinh tế ban đêm dưới các loại hình như không gian đi bộ, khu chợ đêm, tuyến phố ẩm thực…, và trên thực tế đã mang lại hiệu quả nhất định.

Đơn cử, tại các tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, việc thí điểm bán hàng đến 2h sáng giúp các hộ kinh doanh tăng thêm thu nhập, đồng thời thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm thành phố đêm của nhiều du khách. Tour trải nghiệm đêm tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò ra đời từ giữa năm 2020 thu hút nhiều khách tham quan. Đặc biệt, sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ” tổ chức cuối tháng 11-2020 có sức hấp dẫn rất lớn, khiến lượng khách cũng như doanh thu tăng đột biến so với ngày thường...

Thế nhưng, hoạt động kinh tế ban đêm ở Hà Nội mới chỉ được khai thác ở quy mô nhỏ, mang tính riêng lẻ tại một số khu vực. Thành phố thiếu những điểm nhấn thực sự ấn tượng để thu hút du khách. Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế ban đêm cũng đối mặt nhiều thách thức liên quan tới bảo đảm an ninh trật tự, tiếng ồn, rác thải…

Hà Nội được đánh giá là hội đủ yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển kinh tế ban đêm, nếu khai thác hiệu quả sẽ mang lại sức bật cho kinh tế Thủ đô. Do đó, các sở, ngành, địa phương cần thực hiện tốt Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”. Trong đó, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng mô hình phát triển kinh tế ban đêm bài bản, tổng thể trên cơ sở tham khảo các mô hình kinh tế ban đêm đang hoạt động hiệu quả của nước ngoài, từ đó áp dụng phù hợp với thực tiễn của Thủ đô. Cơ quan chức năng cũng cần chú trọng tham mưu xây dựng cơ chế chính sách, tạo khung pháp lý phù hợp nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư; tính toán kỹ lưỡng các yếu tố ảnh hưởng, tác động đến địa phương.

Để kinh tế ban đêm phát triển bền vững, việc quy hoạch có vai trò rất quan trọng. Do đó, các sở, ngành, địa phương cần phối hợp nghiên cứu kỹ và đưa ra quy hoạch tổng thể cũng như quy hoạch chi tiết các khu vực, địa bàn, tuyến phố có khả năng phát triển các loại hình kinh tế ban đêm; gắn với phát triển cơ sở hạ tầng, hạn chế ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm an ninh trật tự, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để bảo đảm quyền lợi, sự an toàn cho nhân dân, du khách cũng như các cơ sở kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, giảm dần, tiến tới xóa bỏ định kiến về những tiêu cực của kinh tế ban đêm; hướng dẫn, đào tạo để người dân nơi phát triển kinh tế ban đêm kinh doanh, ứng xử văn minh, xây dựng hình ảnh tốt đẹp lưu lại trong hành trình của du khách. Đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cũng cần nâng cao năng lực quản lý, chất lượng phục vụ du khách, giữ gìn văn minh thương mại, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đánh thức tiềm năng kinh tế ban đêm - với sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, sẽ giúp “miếng bánh” kinh tế ban đêm trở thành “khẩu phần” hằng ngày của nền kinh tế Thủ đô, đồng thời góp phần giúp các ngành du lịch, công nghiệp giải trí, ẩm thực… thêm phát triển.

Quỳnh Anh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/987737/danh-thuc-tiem-nang