Đánh thức tiềm năng 'cô gái nông nghiệp ngủ quên'
Là một quốc gia nông nghiệp, với lợi thế về khí hậu, vị trí địa lý, người dân chăm chỉ, khéo léo…Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm chế biến nông sản của thế giới. Chuyên gia Nguyễn Thị Thành Thực viết cho Mekong ASEAN.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế lấy canh nông làm gốc. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh.
Thật vậy! Việt Nam xưa nay vốn là một nước thuần nông nghiệp. Dân số sống ở nông thôn và lao động ngành nông nghiệp vẫn luôn chiếm tỷ trọng cao, chưa kể những gia đình nông thôn làm nông nghiệp chỉ thuần cung ứng lương thực, thực phẩm cho gia đình sống ở thành thị.
Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam từ chỗ thiếu ăn, đến nay sản lượng sản xuất nhiều ngành đã gấp hàng chục lần so với nhu cầu trong nước, trở thành ngành xuất khẩu đem về ngoại tệ, góp phần cân bằng cán cân thương mại và giúp hàng chục triệu gia đình giàu có hơn.
Giờ đây rất nhiều vùng nông thôn đã thịnh vượng hơn đô thị, những ngôi làng đã xuất hiện nhiều biệt thự, nhà vườn, xe hơi. Tỷ lệ người nông thôn đi du lịch không chỉ trong nước mà cả nước ngoài ngày càng tăng. Điều đó chứng tỏ nông nghiệp đã khẳng định vị thế của mình trong việc đảm bảo đời sống con người.
Không những thế, nông nghiệp còn giúp Việt Nam đóng góp vai trò vào khả năng đảm bảo an ninh lương thực thế giới và bảo vệ hệ sinh thái môi trường sống, trong việc giữ rừng – lá phổi của thế giới.
Một đất nước có đa dạng khí hậu, thổ nhưỡng, nóng ẩm quanh năm là điều kiện thiên thời địa lợi tốt nhất để phát triển nông nghiệp thuận tự nhiên. Trên thế giới không có nhiều quốc gia có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho nông nghiệp như Việt Nam.
Thời gian qua, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, đã có nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước quan tâm, dành cho nông nghiệp, nông dân. Đặc biệt là công tác mở cửa thị trường với nhiều nông sản như sầu riêng, chanh leo, khoai lang, tổ yến xuất chính ngạch đi Trung Quốc, bưởi xuất đi Mỹ.
Nông nghiệp thực sự trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, việc xây dựng các liên kết vùng cũng đã đặt nông nghiệp, nông dân là một mục tiêu kết nối.
Với sự điều hành của Tư lệnh ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan lần đầu tiên coi trọng và ban hành các chính sách “tri thức hóa nông dân”, chuyển từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Do đó, tuy kinh tế thế giới suy thoái, các chuỗi cung ứng đứt gẫy, nhưng ước tính cả năm ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng đạt từ 2,8 – 3%.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, tiềm năng nông nghiệp đang giống như “cô gái ngủ quên trong rừng”, cần phải có những chính sách thiết thực và đủ mạnh hơn nữa để đánh thức cô gái này. Với những điều kiện tự nhiên sẵn có, nếu kết hợp đầu tư trọng tâm, trọng điểm và định vị thị trường phù hợp, nông nghiệp sẽ đem lại giá trị kinh tế cao và bền vững.
Chúng ta vẫn thường hay nói với nhau rằng xuất khẩu tuy nhiều nhưng giá trị nông sản chưa cao, thu nhập người nông dân chưa tương xứng. Điều này chính là do tiềm năng nông nghiệp chưa được khai phá hết.
Để người nông dân sống hạnh phúc trên cánh đồng của mình thì việc thay đổi tư duy bài toán kinh tế nông nghiệp là câu chuyện cần làm ngay và luôn. Nguyên nhân căn cốt đến từ sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm, hợp tác chỉ là hình thức. Người sản xuất chỉ có công sức và kinh nghiệm nhưng họ thiếu kiến thức (kiến thức khoa học, kiến thức thị trường ), chi phí sản xuất của Việt Nam đang cao hơn Trung quốc từ 20 - 30%, mặc dù ngày công lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/3 đến ½ của họ.
Bên cạnh đó, các chính sách cho hạ tầng nông nghiệp của những vùng kinh tế trọng điểm như Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long chưa được đầu tư xứng tầm. Chi phí logistic, chi phí thủ tục hành chính, chi phí tài chính là ba khoản hiện nay quá cao, cực kỳ bất hợp lý với một đất nước mà ngành nông nghiệp là trụ đỡ.
Nếu nông sản được xử lý sơ chế, đóng gói tại vùng sản xuất sẽ giảm chi phí vận chuyển rác thải, giảm hư hao sản phẩm trên khâu lưu thông…Điều này cần nhiều cảng cạn, kiểm dịch niêm phong container xuất khẩu tại vùng sản xuất, giảm chi phí đợi chờ, tắc nghẽn tại các cảng, cửa khẩu.
Yếu tố quy hoạch, hạ tầng là quan trọng nhưng yếu tố con người còn quan trọng hơn. Người dân cần thay đổi căn bản tư duy “lão làng” của mình để học hỏi những phương thức mới phù hợp với thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ví dụ vùng trồng vải thiều của Bắc Giang hiện nay khác hẳn ngày xưa, cây cụt toàn cành và chỉ cao hơn đầu người, nhưng năng suất, chất lượng và giá trị gấp nhiều lần trước đây.
Ngược lại, nhiều nơi thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long hay Tây Nguyên vẫn còn nguyên thói quen canh tác cũ, vườn cây rậm rạp, hở miếng đất nào là vùi ngay cây xuống.
Nhà nước, nhà khoa học cần có những chính sách và nghiên cứu thiết thực, phù hợp hơn và cạnh tranh hơn với thị trường thế giới để giúp cho người dân, doanh nghiệp giảm thiểu chi phí, nâng cao giá trị đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trên con đường “đánh thức cô gái nông nghiệp”, doanh nghiệp hãy xác định thế mạnh của mình, chỉ nên làm cái gì mình mạnh nhất, mình hiểu nhất chứ không nên làm tất cả. Đặc biệt, doanh nghiệp khi chia sẻ và liên kết với nông dân sẽ đủ sức cạnh tranh với thị trường không biên giới.
Nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững đang là xu hướng của thời đại, để sớm tiệm cận đến xu hướng này, nông nghiệp Việt Nam cần nhiều thay đổi mà trong đó yếu tố số hóa là công cụ không thể thiếu.
Các ứng dụng khoa học, tự động hóa cho năng suất cao sẽ giúp giảm chi phí. Ngành nông nghiệp cần hiện đại hóa (số hóa) cách làm trước đây và ứng dụng những công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ vi sinh vào nông nghiệp để đảm bảo xanh và bền vững.
Thực hiện chuyển đổi số một cách đồng bộ và thực chất là yêu cầu cấp thiết. Nhìn lại một năm đã qua về chuyển đổi số, thật lòng phải nói “cách đồng hoang chuyển đổi số nông nghiệp có vẻ còn hoang vu hơn trước”.
Năm 2021, khi Chương trình mục tiêu quốc gia chuyển đổi số được phê duyệt, không khí háo hức, nóng hổi lan rộng, nhiều tập đoàn xông xáo vào chuyển đổi số nông nghiệp, đưa nông dân lên sàn, nông nghiệp thông minh … nhưng có lẽ đây chỉ là cơn say nắng mà thôi. Gốc rễ vấn đề “Chuyển đổi số là gì ? Chuyển đổi số nông nghiệp bắt đầu từ đâu? Gồm những công việc gì” đều chưa được làm rõ.
“Trái tim” của nông nghiệp Việt Nam chính là Đồng bằng sông Cửu Long. Có thể nói vùng này không chỉ là vựa lúa đảm bảo an ninh lương thực, mà còn là vựa thủy hải sản, trái cây đảm bảo an ninh dinh dưỡng cho cả nước.
Trong những lần từng buôn bán, gặp gỡ với bà con nông dân miền Tây, ấn tượng tốt nhất trong tôi là tính hào sảng của họ. Bà con nơi đây sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, canh tác với những người muốn học hỏi, không chút giấu giếm.
Thậm chí, họ sẵn sàng chia sẻ kinh tế với những thương lái tử tế, nếu biết người đi buôn mua nông sản của mình bị lỗ vốn nhiều mà họ thì có lời, vụ sau hay chuyến sau, họ có thể bù thêm cho thương lái.
Gần đây, những nông dân miệt vườn Miền tây đã di cư lên Tây nguyên để đem những giống cây có giá trị, tiêu biểu như sầu riêng để mở rộng vùng trồng, họ sẵn sàng chỉ bảo cho những người xa lạ để cùng nhau tạo thành những vùng hàng hóa chất lượng cao.
Tôi thiết nghĩ Nhà nước nếu có thêm những chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho người nông dân miền Tây được tiếp cận các thông tin thị trường, kiến thức và công nghệ mới thì họ sẽ có thể sáng tạo tốt nhất và đóng góp ở mức cao nhất cho ngành nông nghiệp Việt Nam.