'Đánh thức' tiềm năng đầu tư của Quảng Ngãi

Với mục tiêu trở thành hạt nhân tăng trưởng và là động lực phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực từng ngày để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực trọng điểm.

Tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực từng ngày để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực trọng điểm. (Nguồn: Báo Quảng Ngãi)

Tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực từng ngày để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực trọng điểm. (Nguồn: Báo Quảng Ngãi)

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, năm 2023, tỉnh xác định tập trung thu hút các dự án đầu tư có chất lượng theo danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, trọng tâm và ưu tiên hàng đầu vẫn là lĩnh vực công nghiệp, kế đến là dịch vụ, du lịch, thương mại, hạ tầng, giao thông, môi trường, đô thị, khu dân cư.

Rộng cửa đón dòng đầu tư

Ở lĩnh vực công nghiệp, Quảng Ngãi sẽ thu hút đầu tư một số nhóm dự án, gồm: sản xuất dệt, may mặc, giày da; chế biến thực phẩm, nước giải khát; cơ khí chế tạo thiết bị lớn, sản xuất kim loại và gia công thép; sản xuất sản phẩm thép hạ nguồn; sản xuất điện dân dụng, thiết bị, vật liệu điện đa dụng, điện tử; công nghiệp hỗ trợ và logistics. Các nhóm dự án này do nhà đầu tư đề xuất, 100% vốn của nhà đầu tư. Để thu hút các dự án này, Quảng Ngãi dành khoảng 1.600 ha diện tích đất trong Khu kinh tế (KKT) Dung Quất, Khu công nghiệp (KCN) Tịnh Phong.

Ở lĩnh vực dịch vụ, du lịch, thương mại, Quảng Ngãi định hướng thu hút đầu tư 6 dự án, gồm: Khu dịch vụ - du lịch An Vĩnh, diện tích 20 ha; Khu dịch vụ - du lịch Đồng Hộ 20 ha tại huyện đảo Lý Sơn; Dự án Công viên trung tâm TP. Quảng Ngãi, xã Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi) 150 ha; Khu du lịch sinh thái Thạch Bích 200 ha; Khu du lịch sinh thái Cà Đam 1.286 ha, trong đó, diện tích phục vụ đầu tư công trình khoảng 300 ha, diện tích quy hoạch rừng tạo vành đai cảnh quan cho khu du lịch khoảng 986 ha; Khu du lịch sinh thái Trà Bói, diện tích 40 - 50 ha.

Trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông, môi trường, Quảng Ngãi định hướng kêu gọi đầu tư 2 dự án: Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt thị xã Đức Phổ, diện tích 7,95 ha; Nghĩa trang nhân dân Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa. Bên cạnh đó là các dự án lĩnh vực đô thị, dịch vụ - khu dân cư, trong đó có Dự án Khu đô thị Meyhomes Tịnh Long, xã Tịnh Long (TP. Quảng Ngãi) có diện tích từ 80 - 100 ha, do Tập đoàn Tân Á Đại Thành đề xuất đầu tư và tài trợ quy hoạch; Dự án Khu đô thị Đảo Ngọc, phường Trương Quang Trọng (TP. Quảng Ngãi), diện tích 187 ha hiện đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, đang tiến hành các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư.

Ngoài ra, Tỉnh cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các dự án khu nhà ở công nhân, nhà ở thương mại; đầu tư du lịch, đô thị, nghỉ dưỡng tại các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và TP. Quảng Ngãi...

Tỉnh sẽ ưu tiên xúc tiến đầu tư nước ngoài tại các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc); Đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư ở các nước có nền công nghiệp hiện đại đáp ứng nhu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững.

Lắng nghe, nắm bắt kịp thời những quan tâm của doanh nghiệp

Địa phương luôn đồng hành với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, xây dựng Quảng Ngãi trở thành điểm đến hấp dẫn, bình đẳng đối với các nhà đầu tư.

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư Quảng Ngãi, Tỉnh dành nhiều ưu đãi cho các dự án công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ; sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ 30% trở lên, sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó là các dự án sản xuất điện tử, cơ khí trọng điểm, máy nông nghiệp, ô tô, phụ tùng ô tô; đóng tàu; sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; các sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số…

Nhà đầu tư đến với Quảng Ngãi sẽ được hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; phát triển thị trường, cung cấp thông tin…

Không chỉ vậy, Tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hướng tới việc xây dựng chính quyền “phục vụ doanh nghiệp”.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND Tỉnh khẳng định, Quảng Ngãi luôn lắng nghe, nắm bắt kịp thời những quan tâm của doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với địa phương, nhất là những vấn đề liên quan sự hỗ trợ từ đội ngũ lãnh đạo các cấp, các ngành; thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; hệ thống kết cấu hạ tầng và các loại hình dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực; môi trường cạnh tranh thông thoáng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, thành phần kinh tế…

Cơ hội giới thiệu Quảng Ngãi với thế giới

Hội nghị “Giới thiệu Quảng Ngãi” - sự kiện đối ngoại lớn nhất năm 2023 của tỉnh Quảng Ngãi sẽ được tổ chức tại TP. Hà Nội vào ngày 25/10, kỳ vọng mở ra cơ hội hợp tác giữa Tỉnh với các cơ quan ngoại giao, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đây cũng là lần đầu tiên, UBND tỉnh và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức sự kiện đối ngoại có quy mô lớn nhằm quảng bá, giới thiệu về tỉnh với các đối tác nước ngoài.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và các đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương. (Nguồn: Báo Người lao động)

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và các đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương. (Nguồn: Báo Người lao động)

Tham dự hội nghị dự kiến có hơn 400 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương cùng các cơ quan, tổ chức thương mại quốc tế; các chuyên gia về kinh tế, doanh nhân, nhà đầu tư... trong nước và quốc tế. Lãnh đạo Bộ ngoại giao sẽ tham dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Hội nghị tập trung giới thiệu cơ hội đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, lĩnh vực nông nghiệp, du lịch; tiềm năng hợp tác phát triển xây dựng trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia, trung tâm du lịch biển đảo Lý Sơn...

Đồng thời, tăng cường vận động viện trợ ODA và NGO đối với các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên, thông qua các chuỗi hoạt động tại Hội nghị góp phần truyền tải thông điệp Quảng Ngãi mong muốn tăng cường hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực.

“Đây cũng là cơ hội thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp xúc, thiết lập và phát triển quan hệ hợp tác với các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế và đối tác nước ngoài. Qua đó, xúc tiến và thu hút đầu tư, tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa tỉnh Quảng Ngãi với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài; vận động viện trợ góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển cộng đồng, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế của tỉnh”, ông Võ Phiên nhấn mạnh.

Bên lề Hội nghị còn có “Không gian Quảng Ngãi” để trưng bày gian hàng, triển lãm, giới thiệu một số lĩnh vực nổi bật của tỉnh và cơ hội hợp tác vào Quảng Ngãi.

Trong khuôn khổ Hội nghị sẽ diễn ra Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi với Hiệp hội Doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc) tại Việt Nam; phiên tiếp xúc song phương giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi với các đại biểu.

Dịp này còn có các buổi tiếp xúc Đại sứ các nước của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh và Tọa đàm Cơ hội hợp tác đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên chủ trì.

Xuân Cúc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/danh-thuc-tiem-nang-dau-tu-cua-quang-ngai-246580.html