Đánh thức tiềm năng du lịch đồng bằng sông Cửu Long
Du lịch đồng bằng sông Cửu Long có những sản phẩm và cách làm du lịch khá giống nhau, chưa phát huy hết tiềm năng của từng địa phương và thiếu tính liên kết. Vì vậy, có ý kiến đề xuất thành lập Ban điều phối phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long, hình thành Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch vùng này...
Sản phẩm, cách làm na ná nhau
Ngày 29.3, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Sở Du lịch TP. Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Xây dựng, phát triển tour - tuyến và các sản phẩm đặc thù của du lịch ĐBSCL".
Tại đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện cho biết, năm 2023, Cần Thơ đón trên 5,9 triệu lượt khách, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu du lịch đạt trên 5.400 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Cùng với các địa phương vùng, Cần Thơ đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng. Cùng với đó, xây dựng, triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn… từng bước định vị thương hiệu du lịch đặc trưng của thành phố. Tuy nhiên, ngành du lịch TP. Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung đang gặp khó khăn, thách thức khi các sản phẩm du lịch và cách làm du lịch khá giống nhau, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh đặc thù của từng địa phương.
Theo TS. Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, điểm nghẽn của du lịch vùng chính là thiếu tính liên kết trong du lịch. Thực tế, các sản phẩm tour, tuyến trong vùng còn bị cắt khúc, chưa mang tính kết nối. Hạ tầng du lịch cũng chưa có sự liên kết...
Từ góc độ đơn vị lữ hành, Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ Lê Đình Minh Thy cho rằng, ngành du lịch vùng ĐBSCL vẫn còn hạn chế trong việc lắng nghe cảm nhận của du khách. Công tác bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn cảnh quan môi trường du lịch còn yếu. Bên cạnh đó, việc làm mới sản phẩm du lịch của vùng còn chậm và chưa giữ chân được du khách; quảng bá du lịch chưa thực sự hiệu quả. Đặc biệt, sân bay Cần Thơ dù là cảng hàng không quốc tế nhưng đến nay không có đường bay quốc tế và từ chỗ có 7 đường bay nội địa giờ chỉ còn 4, vì vậy rất khó tăng được lượng du khách.
Đề xuất thành lập ban điều phối phát triển du lịch vùng
Năm 2023, tổng số khách đến ĐBSCL đạt gần 45 triệu lượt, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó khách quốc tế hơn 1,8 triệu lượt, tăng 257,4 % với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu ước đạt 45.743 tỷ đồng, tăng 42,59% so với cùng kỳ 2022.
Du lịch ĐBSCL còn rất nhiều dư địa để phát triển, góp phần vào mục tiêu chung của toàn ngành du lịch năm 2024. Để đánh thức tiềm năng du lịch của vùng, theo TS. Trần Hữu Hiệp, cần sớm thành lập ban điều phối phát triển du lịch ĐBSCL, hình thành Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch ĐBSCL để thu hút nguồn lực phát triển du lịch, xây dựng môi trường du lịch của khu vực hấp dẫn hơn. Đặc biệt, phải quan tâm đầu tư hạ tầng tương xứng với tiềm năng, quan tâm chất lượng nguồn nhân lực và tạo được thương hiệu cho du lịch vùng...
Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ đề xuất, có thể mở các đường bay thuê chuyến kết nối với những điểm đến để du khách đến vùng ĐBSCL nhiều và thuận lợi hơn. Các địa phương nên phối hợp với các hãng hàng không để mở rộng chuyến bay đến miền Tây theo mùa; đẩy mạnh tổ chức các hoạt động như sự kiện lễ hội, triển lãm, các chương trình giảm giá đặc biệt để thu hút du khách. Đồng thời, phát triển sản phẩm du lịch có tính sáng tạo, mang tính độc đáo và không trùng lặp giữa các tỉnh, thành phố, tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch...
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan cho rằng, có 3 vấn đề lớn cần sớm giải quyết.Đầu tiên là chính sách phát triển du lịch. Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở quản lý du lịch trong việc đề xuất, tư vấn các cơ thế chính sách về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Phối hợp với các sở quản lý du lịch trong công tác phổ biến, hỗ trợ triển khai các chính sách mới về du lịch vừa được ban hành, để giúp các doanh nghiệp khai thác nhanh và hiệu quả.
Nhà nước tập trung hỗ trợ công tác nghiên cứu, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu và xu hướng mới sau đại dịch, như du lịch MICE (Hội thảo kết hợp với nghỉ dưỡng), du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, lịch sử và đặc biệt là du lịch xanh...
ĐBSCL có tài nguyên du lịch sinh thái rất phong phú. Để tạo sự hấp dẫn cao, cần xây dựng được các sản phẩm đặc thù mỗi vùng, mỗi tỉnh; khai thác giá trị các di sản văn hóa để tạo ra sự khác biệt. Phải xem đây là nhiệm vụ trọng điểm của du lịch các tỉnh trong khu vực, tránh trùng lặp, dễ gây nhàm chán cho du khách.
Để nâng cao tính cạnh tranh, đưa ĐBSCL sớm trở thành khu du lịch sinh thái độc đáo của Việt Nam và khu vực, cần tập trung đầu tư vào 3 lĩnh vực là sản phẩm, chất lượng dịch vụ và xúc tiến du lịch. Trong đó, vấn đề trình độ, kỹ năng của đội ngũ lao động du lịch đóng vai trò chủ lực. Hiệp hội Du lịch ĐBSCL phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tập trung triển khai nhanh việc nâng cấp chất lượng đội ngũ lao động du lịch của vùng, bà Cao Thị Ngọc Lan nói.