'Đánh thức' tiềm năng du lịch làng nghề
Khai thác tiềm năng các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch mang đến hiệu quả kép: Vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề, vừa mang lại lợi ích kinh tế - xã hội.
Tiềm năng lớn
Lào Cai có nhiều làng nghề truyền thống gắn với nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 10 làng nghề, 20 làng nghề truyền thống, 17 nghề truyền thống được công nhận. Các nghề và làng nghề truyền thống được công nhận tập trung vào các nghề như nấu rượu, may và thêu thổ cẩm, đan lát, chạm khắc bạc, làm hương đốt, làm bánh phở. Hiện 3 làng nghề có sản phẩm OCOP là nấu rượu xã Bản Phố (huyện Bắc Hà), nấu rượu xã Thanh Bình (thị xã Sa Pa) và chế biến miến dong xã Bản Xèo (huyện Bát Xát). Các làng nghề này không chỉ góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa mà còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Lào Cai là một trong những trọng điểm du lịch của Việt Nam. Nhu cầu khai thác những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn ngày càng cao, trong đó nhu cầu về sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm đặc trưng của địa phương là vấn đề đặt ra đối với ngành du lịch.
Thực tế, các nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn hoạt động tương đối ổn định, đặc biệt, một số mặt hàng của các làng nghề đã và đang trở thành sản phẩm hàng hóa nổi tiếng. Đó là làng nghề thổ cẩm với các địa chỉ đã được du khách biết đến như làng nghề may, thêu thổ cẩm thôn Ngải Trồ (xã Y Tý, huyện Bát Xát); làng nghề may, thêu thổ cẩm thôn Nì Xỉ (xã Pha Long, huyện Mường Khương); làng dệt thổ cẩm của người Tày xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên); làng dệt thổ cẩm của người Giáy xã Tả Van (thị xã Sa Pa); làng dệt vải của người Thu Lao xã Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương).
Với tiềm năng, lợi thế về du lịch, thị xã Sa Pa đã quan tâm đầu tư phát triển làng nghề thêu, dệt thổ cẩm phục vụ khách du lịch. Hiện thị xã Sa Pa có 11 làng nghề thêu, dệt thổ cẩm ở các xã Tả Phìn, San Sả Hồ (nay là xã Hoàng Liên) với khoảng 1.050 hộ tham gia và một số tổ hợp tác của Hội Phụ nữ thị xã, mỗi năm xuất khẩu khoảng 32.000 - 35.000 m vải thổ cẩm, trị giá hàng tỷ đồng. Các huyện Văn Bàn, Bắc Hà, Bát Xát… cũng hình thành nhiều làng nghề thêu, dệt thổ cẩm, thu hút lao động lúc nông nhàn, mỗi năm sản xuất gần 40.000 m vải.
Lào Cai là vùng đất của nhiều loại rượu ngon, mỗi loại rượu có công thức, bí quyết riêng của từng dân tộc. Các làng nghề nấu rượu truyền thống ở Lào Cai đã được hình thành, tạo ra những sản phẩm nổi tiếng như rượu thóc San Lùng của người Dao ở huyện Bát Xát, rượu ngô Bản Phố của người Mông ở huyện Bắc Hà. Hiện các làng nghề vẫn trình diễn, giới thiệu quy trình nấu rượu truyền thống tới du khách và các sản phẩm rượu đã được sản xuất thành hàng hóa, đăng ký nhãn hiệu, trở thành sản vật ưa thích khi du khách đến Lào Cai. Đặc biệt, rượu San Lùng lọt vào tốp 100 đặc sản quà tặng Việt Nam 2020 - 2021 do tổ chức Hội Kỷ lục Việt Nam ghi nhận.
Lào Cai cũng chú trọng phát triển các làng nghề thủ công truyền thống, nhất là làng nghề chạm khắc bạc. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các làng nghề và nghề chạm khắc bạc như thôn Nậm Giàng 1, thôn Trung Chải, xã Dền Sáng (huyện Bát Xát); thôn Séo Pờ Hồ, xã Mường Hum (huyện Bát Xát); thôn Nậm Cang 1, xã Liên Minh (thị xã Sa Pa); thôn Sả Séng, xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa); thôn Cát Cát, xã Hoàng Liên (thị xã Sa Pa); xã Ngũ Chỉ Sơn (thị xã Sa Pa). Đặc biệt, nghề chạm khắc bạc của người Dao đỏ thôn Séo Pờ Hồ (xã Mường Hum) đã được Sở Công Thương công nhận và đang được bảo tồn, phát huy.
Lào Cai còn có nhiều nghề truyền thống khác có thể trở thành sản phẩm du lịch như nghề đan lát của dân tộc Hà Nhì ở xã Y Tý (huyện Bát Xát); nghề rèn đúc lưỡi cày của người Mông xã Bản Phố và xã Na Hối (huyện Bắc Hà); nghề làm hương của người Giáy ở huyện Bát Xát và người Mông ở huyện Si Ma Cai...
Khai thác để phát triển du lịch
Trong những năm qua, vấn đề bảo tồn nghề thủ công truyền thống được tỉnh quan tâm và nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng. Việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch đã được cụ thể hóa trong “Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035”. Theo đó, trong định hướng phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh xác định rõ: “Phát triển sản phẩm theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan thiên nhiên; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; giải quyết tốt vấn đề môi trường, lao động, việc làm; phấn đấu đưa ngành du lịch trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”.
Làng nghề truyền thống có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch nhưng tỉnh vẫn chưa khai thác hết do còn những “điểm trừ”. Trước tiên, làng nghề truyền thống có lịch sử phát triển mang tính cộng đồng cao, do người dân làm chủ thể. Do đó, hoạt động du lịch tại làng nghề truyền thống phần lớn đan xen với sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của cộng đồng nên việc tổ chức không gian, quản lý chất lượng dịch vụ khó khăn hơn. Hầu hết làng nghề chủ yếu đáp ứng nhu cầu tham quan trong thời gian ngắn, chưa có nhiều dịch vụ trải nghiệm. Việc khai thác đội ngũ nghệ nhân tại các làng nghề phục vụ phát triển du lịch chưa hiệu quả, mới chú ý đến kỹ thuật sản xuất, thiếu kỹ năng trình diễn phục vụ du khách.
Phát triển du lịch làng nghề là hướng đi phù hợp và đã được nhiều địa phương ưu tiên đầu tư, tuy nhiên tỉnh cũng cần có giải pháp để khai thác, phát triển du lịch làng nghề. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 254 ngày 28/9/2020 về “phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó xác định cụ thể các sản phẩm du lịch cho từng địa phương và các sản phẩm du lịch gắn với làng nghề truyền thống. Sở cũng tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, xây dựng các mô hình trình diễn tại các làng nghề truyền thống, thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề, đồng thời có sáng kiến tôn vinh làng nghề thổ cẩm thông qua tổ chức sự kiện “Lễ hội thổ cẩm - tinh hoa Tây Bắc”. Sở tham mưu lồng ghép các chương trình phát triển gắn với du lịch làng nghề như xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ hạ tầng du lịch, xúc tiến du lịch quốc gia, hành động quốc gia về du lịch, khuyến công, khuyến nông… Phối hợp với các địa phương trong tỉnh rà soát, kiểm kê và lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia một số nghề thủ công truyền thống như đan lát của người Tày, người Hà Nhì, người Mông xanh; nghề thêu, dệt hoa văn, làm thổ cẩm của các dân tộc Tày, Giáy, Mông. Những di sản văn hóa này sẽ trở thành thương hiệu để phát triển các sản phẩm độc đáo phục vụ phát triển du lịch, mang lại lợi ích kinh tế cho các địa phương.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/213991-danh-thuc-tiem-nang-du-lich-lang-nghe