Đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn
Bên cạnh loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái, trong những năm gần đây, Bạc Liêu còn chú trọng phát triển du lịch cộng đồng trải nghiệm du lịch nông nghiệp, nông thôn, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Bạc Liêu là một trong những tỉnh có tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch. Hiện nay tỉnh có 11/43 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long công nhận (nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL).
Hiện nay, các sản phẩm du lịch nông nghiệp truyền thống, du lịch sinh thái vườn, du lịch cộng đồng thông qua sự cộng hưởng, giao thoa về văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng và lễ hội giúp du khách tham quan, trải nghiệm, đang được ngành du lịch Bạc Liêu chú trọng xây dựng và phát triển.
Đáng chú ý, Bạc Liêu đã triển khai thực hiện hoàn thành giai đoạn I của Đề án bảo tồn nhãn cổ gắn với phát triển du lịch với tổng số 1.110 gốc nhãn thuộc sở hữu của 48 hộ dân trên địa bàn xã Hiệp Thành và xã Vĩnh Trạch Đông thành phố Bạc Liêu, với diện tích trên 50 ha.
Điểm nổi bật ở nơi đây là những vườn nhãn với nhiều gốc nhãn cổ thụ, có cây lên đến hàng trăm năm tuổi. Thêm vào đó là một khung cảnh đồng quê đặc trưng cho nông thôn vùng ĐBSCL tạo thành một không gian sinh thái nông nghiệp hấp dẫn có thể tổ chức các hoạt động du lịch đa dạng như nghỉ cuối tuần, văn hóa, sinh thái, ẩm thực…
Ngoài ra, với 56 km bờ biển trải dài từ giáp ranh tỉnh Sóc Trăng đến cửa biển Gành Hào là một hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển với diện tích hàng nghìn ha có những nét độc đáo của hệ sinh thái ngập mặn để kết hợp và hướng đến xây dựng thành các sản phẩm du lịch nông nghiệp, sinh thái hấp dẫn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy cho hay, ngành chức năng đang vận động nhân dân cải tạo vườn tạp trồng cây ăn trái; hướng dẫn nông dân chuyển đổi nghề từ sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng rau sạch, hoa kiểng, cây kiểng, nuôi cá kiểng, phát triển mô hình kinh tế trang trại để hình thành và phát triển du lịch sinh thái, làng nghề, nhà vườn, từ đó tạo nên sự cộng hưởng tham gia của doanh nghiệp, hộ dân trong khởi nghiệp về du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Ngày 23/12, trong khuôn khổ hoạt động của Ngày hội Du lịch nông nghiệp, nông thôn và sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu năm 2023, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội thảo định hướng phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh nhằm định hướng để du lịch nông thôn Bạc Liêu có cách làm phù hợp, đổi mới, sáng tạo, tăng tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, kinh doanh, phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trên địa bàn tỉnh.
Tại hội thảo các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp lữ hành, nhà quản lý cho rằng, thực tế tiềm năng du lịch nông thôn cũng khá lớn, song hiện tại du lịch nông nghiệp, nông thôn của Bạc Liêu chỉ mới dừng lại ở mức độ tự phát, thiếu quy hoạch, kế hoạch; nên đôi khi dẫn tới trùng lắp, đơn điệu và manh mún, khai thác không đúng giá trị vốn có của loại hình du lịch này.
Để phát triển có hiệu quả du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức, hành động cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, người dân, cộng đồng và khách du lịch. Trong đó, chú trọng quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp gắn với chính sách xây dựng nông thôn mới trên cơ sở khảo sát toàn diện thực trạng phát triển các mô hình du lịch nông thôn hiện có, xây dựng bản đồ du lịch với các tour, tuyến, điểm du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường nông thôn, các đơn vị, doanh nghiệp, làng nghề sản xuất sản phẩm OCOP tiêu biểu.
Tổ chức các sự kiện, lễ hội, diễn đàn giới thiệu và kết nối du lịch nông thôn, nông nghiệp; lồng ghép giới thiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các sự kiện quảng bá du lịch, các chương trình kết nối nông sản và chương trình OCOP.