Đánh thức tiềm năng du lịch ở Ia Chim
Xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) có nhiều nguồn tài nguyên thu hút du lịch như lòng hồ Ia Ly, những vườn cây ăn quả và những giá trị văn hóa giàu bản sắc của cộng đồng người Gia Rai.
Cách trung tâm thành phố khoảng 10 phút đi xe máy, xã Ia Chim có những tiềm năng, lợi thế to lớn để phát triển các loại hình du lịch như: Địa thế thuận tiện, cảnh quan tươi đẹp, sơn thủy hữu tình của lòng hồ thủy điện Ia Ly; người dân hiền hòa, thân thiện và còn lưu giữ những nét văn hóa giàu bản sắc cùng với nhiều ngành nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng gỗ, làm rượu cần và các sản phẩm thủ công từ tre nứa.
Không những thế, những năm gần đây Ia Chim còn được biết đến là vựa trái cây lớn của thành phố Kon Tum với nhiều chủng loại như sầu riêng, bơ, cam, bưởi, ổi, thanh long. Đây là những yếu tố để các cấp ủy, chính quyền địa phương góp phần đưa du lịch Ia Chim phát triển lên tầm cao mới trong tương lai.
Để tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch ở Ia Chim, chúng tôi đến làng Weh. Ngôi làng yên bình mang những nét hoang sơ, mộc mạc bao trùm và cộng đồng dân cư chủ yếu là đồng bào Gia Rai. Đây là ngôi làng được UBND thành phố Kon Tum chọn để hỗ trợ thực hiện chương trình phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Hiện tại, làng Weh vẫn còn lưu giữ hơn 40 ngôi nhà sàn có tuổi đời hàng trăm năm; người dân còn duy trì nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ và lễ hội truyền thống, như lễ bỏ mả (pơ thi), lễ cúng mừng được mùa, lễ tạ ơn; nghề làm rượu cần, tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm, cồng chiêng, múa xoang hoạt động thường xuyên tại cộng đồng.
Đặc biệt, làng Weh còn có bến đò du lịch, tại đây, du khách có thể khám phá vùng sông nước của lòng hồ Ia Ly trên những chiếc thuyền du lịch và nhiều hoạt động dã ngoại bên lòng hồ. Đây được xem là lợi thế rất lớn trong lộ trình xây dựng phát triển du lịch cộng đồng ở làng Weh nói riêng và Ia Chim nói chung.
Đến thăm điểm du lịch của Hợp tác xã Nông nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch Ia Chim (HTX) bên lòng hồ thủy điện Ia Ly, anh Bùi Như Nhân- Giám đốc HTX cho biết: Được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền xã và thành phố, điểm du lịch của HTX cũng đã kịp hoàn thành và phục vụ khách du lịch vào đầu năm 2024. Các dịch vụ dần đi vào ổn định và ngày càng nâng cao chất lượng, điểm du lịch phục vụ các món ăn đặc sản vùng sông nước, gà nướng, cơm lam, rượu cần, phục vụ cồng chiêng của đội nghệ nhân làng Weh và trải nghiệm khám phá lòng hồ trên thuyền. Số lượng khách biết và đến tham quan ngày càng tăng lên rõ rệt.
Chị Nguyễn Thị Mai (thôn Tân An, xã Ia Chim) không giấu sự vui mừng sau chuyến đi khám phá lòng hồ trên thuyền du lịch, chia sẻ với chúng tôi: “Là người tại chỗ, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm trên thuyền du lịch, ngắm nhìn sông nước bao la, tận tưởng không khí trong lành và dòng nước mát lạnh của lòng hồ Ia Ly. Cùng với những hoạt động ẩm thực, văn hóa, tôi cho rằng đây là tiềm năng to lớn để phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm, khám phá tuyệt vời ở Ia Chim. Chuyến đi đã cho tôi cảm giác hết sức đặc biệt, thú vị và thư giãn”.
Bên cạnh những loại hình du lịch trải nghiệm văn hóa, khám phá thiên nhiên, xã Ia Chim còn có lợi thế rất lớn để phát triển thêm loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, khám phá “miệt vườn”. Toàn xã hiện có 4 hợp tác xã với gần 80 thành viên và nhiều hộ dân trồng cây ăn quả theo hướng an toàn, hữu cơ. Tổng diện tích cây ăn quả của xã lên đến 300ha với nhiều loại cây có giá trị cao như sầu riêng, bơ, mít, nhãn, cam, quýt, bưởi, chôm chôm. Đây cũng là thế mạnh cần phát huy để khai thác du lịch sinh thái, là nơi để khách tham quan, học hỏi, trải nghiệm và thưởng thức những sản phẩm trái cây an toàn ngay tại vườn, qua đó phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở Ia Chim.
Bà Uông Thị Trang - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Chim cho hay, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã hết sức quan tâm và định hướng phát triển du lịch, khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế ở địa phương để thu hút du khách, hoàn thành xuất sắc việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn nhiều việc phải làm để phát triển du lịch xã Ia Chim xứng tầm với tiềm năng, lợi thế vốn có như: Giữ gìn, phục dựng nguyên bản các lễ hội truyền thống, ngành nghề thủ công mỹ nghệ của người Gia Rai trên địa bàn, đặc biệt chú trọng xây dựng làng Weh sớm được công nhận là làng du lịch cộng đồng của thành phố; khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia xây dựng các điểm du lịch phục vụ ăn uống, lưu trú và tổ chức tour, tuyến du lịch.
Bên cạnh đó, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, tuyên truyền vận động người dân sản xuất cây ăn quả theo hướng hữu cơ, an toàn, xây dựng thương hiệu trái cây Ia Chim; quảng bá, thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm nông sản ở địa phương, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/danh-thuc-tiem-nang-du-lich-o-ia-chim-707989.html