Đánh thức tiềm năng du lịch vùng Tam Giang - Cầu Hai

Không chỉ nổi tiếng với hệ thống đầm phá quan trọng và đẹp nổi tiếng Việt Nam, Tam Giang - Cầu Hai còn có tiềm năng phát triển du lịch. Cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, các làng quê nằm trải dài, lại sở hữu rất nhiều lễ hội dân gian vô cùng độc đáo..., các chuyên gia cho rằng sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo, đưa vào các tour tuyến, trở thành điểm nhấn cho du lịch.

Tam Giang - Cầu Hai. Ảnh: BẢO CHÂU

Tam Giang - Cầu Hai. Ảnh: BẢO CHÂU

Tiềm năng phát triển du lịch

Bao bọc chung quanh đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và cả đầm An Cư là một hệ thống hơn 100 làng sống với nghề nông hay nghề đánh cá, làm vườn, kéo dài từ ven biển đông bắc đến ven biển đông nam. Trong số đó có khoảng trên 20 làng có bề dày văn hóa có thể khai thác, như Vĩnh Xương, Kế Môn, Đại Lộc, Thai Dương Hạ, Cự Lại, Kế Sung, Xuân Thiên, An Bằng, Diêm Trường, Mỹ Lợi, Mỹ Á...

Lễ hội dân gian ở đây khá đặc biệt, gắn với tín ngưỡng, tôn giáo, tinh thần thượng võ của vùng sông nước. Một số lễ hội diễn tả khung cảnh sản xuất trên đầm phá và mong muốn sự may mắn, bình yên, có vụ mùa bội thu. Cùng với đó, người dân vùng đầm phá còn tạo ra rất nhiều sản phẩm, làng nghề truyền thống nổi tiếng.

Tất cả những yếu tố này là tiền đề để nghiên cứu tổ chức các loại hình du lịch gắn với khai thác giá trị văn hóa dân gian của vùng miền nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách, đặc biệt là nhu cầu trải nghiệm sinh thái, nông nghiệp và văn hóa dân gian cùng làng nghề truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, đối với vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có thể đề xuất tập trung vào hai loại hình du lịch gắn văn hóa dân gian. Thứ nhất là du lịch tâm linh, đây là loại hình du lịch đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu tín ngưỡng, tôn giáo thông qua những lễ nghi của cá nhân và cộng đồng, các lễ hội truyền thống của cộng đồng địa phương. Thứ hai, du lịch trải nghiệm văn hóa, loại hình này đáp ứng nhu cầu khám phá văn hóa về nông, ngư nghiệp, các nghề/làng nghề thủ công truyền thống của du khách, nhất là giới trẻ, cư dân ở các đô thị.

Một nghi lễ của cư dân khu vực đầm Chuồn thuộc hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai

Một nghi lễ của cư dân khu vực đầm Chuồn thuộc hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai

Đồng quan điểm, TS. Lê Vũ Trường Giang (Khoa Lịch sử - Trường đại học Khoa học, Đại học Huế) nhận định, với hai nguồn tài nguyên văn hóa dân gian và tri thức bản địa phong phú, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đang có tiềm năng lớn để hướng đến việc phát triển du lịch. Việc phát triển du lịch dựa vào văn hóa dân gian theo TS. Giang, ở đây cần được xem xét với góc nhìn đa chiều và cần được thực hiện theo từng cấp độ từ cá nhân tổ chức cung cấp dịch vụ du lịch (bao gồm cả cộng đồng người dân), cấp độ điểm đến, cấp độ rộng lớn liên quan đến phát triển bền vững cho toàn khu vực hệ đầm phá.

Hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo tồn

Không dừng lại ở các lễ hội tín ngưỡng dân gian, vùng phá Tam Giang - Cầu Hai còn có hệ thống di tích đồ sộ, có thể kết hợp đưa vào khai thác du lịch. TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho hay, tính đến năm 2023, tổng số di tích tại vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được xếp hạng là 30 di tích. Trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 13 di tích quốc gia và 16 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Ngoài ra còn có nhiều công trình nằm trong danh mục kiểm kê bảo vệ, nhiều di tích danh thắng độc đáo.

Thực tế, có nhiều giải pháp phát triển du lịch gắn với các di tích tại vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và đã đạt được những thành quả đáng kể. Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành thử nghiệm số du khách đi tour không nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do những hạn chế trong quản lý và phát triển điểm đến, chưa khai thông tốt các tiềm năng hiện có để hình thành các sản phẩm đặc trưng có tính cạnh tranh cao. Công tác xúc tiến quảng bá chưa xứng tầm, chưa phát huy hiệu quả.

Để tháo gỡ được những hạn chế đó, TS. Phan Thanh Hải cho rằng, tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch. Bởi họ là những người am hiểu về địa hình, lịch sử, văn hóa, đặc trưng di tích nơi họ sinh sống và cũng chính họ sáng tạo nên những giá trị nhân văn như phong tục tập quán, lễ hội, làng nghề truyền thống, tri thức dân gian. Ngoài ra, cần tiến hành hoạch định và thực hiện chiến lược phát triển điểm đến du lịch trong chiến lược phát triển tổng thể của vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai để đảm bảo các điều kiện cơ bản đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và phát triển bền vững.

“Cần xử lý hài hòa quan hệ giữa phát triển du lịch với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích tại vùng đầm phá. Đồng thời, chú trọng tôn tạo cảnh quan, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ du lịch để di tích, danh thắng trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách. Tổ chức tốt sản phẩm du lịch không chỉ tăng doanh thu cho ngành du lịch mà còn quay trở lại đầu tư một phần cho di tích, như: việc bảo vệ, tôn tạo, tu bổ, gìn giữ và phát huy những giá trị di tích tại vùng đầm phá”, TS. Hải bày tỏ.

Bài: Nhật Minh - Ảnh: Trần Đình Đức Hiếu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/du-lich/danh-thuc-tiem-nang-du-lich-vung-tam-giang-cau-hai-134301.html