Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch gắn với làng nghề tại Phú Xuyên, Hà Nội
Là một trong những vùng đất nổi tiếng trên cả nước với nhiều ngành nghề tiểu thủ công truyền thống, huyện Phú Xuyên, Hà Nội hướng tới xây dựng các chương trình du lịch tiêu biểu, hấp dẫn, đưa ngành du lịch Thủ đô ngày càng phát triển.
Ngày 26/4, Sở Du Lịch Hà Nội đồng phối hợp với UBND huyện Phú Xuyên tổ chức Hội nghị “Nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch và kết nối điểm du lịch huyện Phú Xuyên với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023”. Hội nghị nhằm mục đích hỗ trợ các điểm du lịch trên địa bàn huyện Phú Xuyên nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, góp phần tạo điểm đến du lịch chất lượng cao, tiêu biểu của Thành phố và kết nối với các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng các gói sản phẩm du lịch phù hợp, thu hút khách du lịch.
Theo ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, tại huyện Phú Xuyên, quy mô làng nghề ngày càng được duy trì và phát triển, với 154/154 làng có nghề, trong đó 43 làng nghề được thành phố công nhận và 112 di tích lịch sử được xếp hạng (35 di tích cấp Quốc gia, 77 di tích cấp thành phố) cùng một số danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, đình, đền, chùa có giá trị về mặt tâm linh và văn hóa như: Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đầy xã Nam Triều, Chùa Ráng xã Quang Lãng, cây Lộc vừng cứu quốc xã Chuyên Mỹ, cây đa Giời ơi - cây di sản Việt Nam xã Phúc Tiến;...
"Với hệ thống tài nguyên du lịch văn hóa phong phú, Phú Xuyện hiện có 02 điểm du lịch đã được UBND Thành phố công nhận theo quy định của Luật Du lịch 2017 là điểm du lịch làng nghề khảm trai – sơn mài Chuyên Mỹ và Điểm du lịch làng nghề may Vân Từ. Đặc biệt, năm 2022 ngành Du lịch Thủ đô vinh dự có 02 sản phẩm OCOP du lịch đầu tiên là Điểm du lịch Green Park và Điểm dịch vụ du lịch làng quê Hồng Vân, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch số 73/KH-UBND, ngày 04/3/2022 của UBND Thành phố về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025" - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết.
Thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho hay, hiện trên địa bàn huyện Phú Xuyên, 43 làng nghề được Thành phố công nhận bao gồm: 11 làng nghề đan cỏ tế, 8 làng nghề khảm trai sơn mài, 6 làng nghề mộc, 5 làng nghề may mặc, thêu, cào bông, 3 làng nghề giầy da, 3 làng nghề tơ lưới, 2 làng nghề chế biến lương thực thực phẩm , 1 làng nghề bánh kẹo, 1 làng nghề cơ khí, 1 làng nghề sản xuất hương thắp, 1 làng nghề nặn Tò he, 1 làng nghề xây dựng.
Với khoảng 25.400 hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp (chiếm 39% tổng số hộ); 41.000 lao động sản xuất tiểu thủ công nghiệp (chiếm 40% tổng số lao động toàn huyện); giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp ước đạt 4.830 tỷ đồng; thu nhập bình quân của lao động làng nghề đạt 56 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện hiện có 474 công ty, trong đó 456 công ty, doanh nghiệp, 18 hợp tác xã hoạt động tiểu thủ công nghiệp; 08 tổ chức, quỹ tín dụng, 5 hội, câu lạc bộ hoạt động về sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.
"Những con số ấn tượng nêu trên đã giải quyết cho trên 80% số lao động trong các làng nghề và vùng phụ cận; thu nhập, đời sống của nhân dân các làng nghề được nâng lên, số hộ giàu, hộ khá tăng lên, hộ nghèo giảm; nhiều công trình phúc lợi được xây dựng, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi. Đặc biệt các sản phẩm của các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện đã có mặt ở các địa phương trong cả nước và thị trường nước ngoài, trong đó có nhiều thị trường khó tính, yêu cầu cao" - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện huyện Phú Xuyên, lịch sử phát triển lâu dài cũng như tiềm năng, thế mạnh của các làng nghề, đóng một vai trò đặc biệt quan trọng với sự phát triển của huyện Phú Xuyên trong những năm qua. Huyện Phú Xuyên cũng đang ra sức phấn đấu giai đoạn năm 2025-2030 trở thành một trong những huyện trọng điểm du lịch làng nghề trên địa bàn Thành phố, ngành du lịch huyện Phú Xuyên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế cùng phát triển./.