Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch ở Triệu Phong

Thời gian qua, huyện Triệu Phong đưa ra nhiều chính sách phát triển du lịch, trong đó có Kế hoạch của Huyện ủy thực hiện Chương trình hành động số 83 ngày 25/7/2017 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08 ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng đề án 'Phát triển du lịch huyện Triệu Phong đến năm 2025, định hướng đến năm 2030'; Kế hoạch số 3402 ngày 28/12/2018 của UBND huyện về thực hiện đề án phát triển du lịch huyện Triệu Phong giai đoạn I (2019- 2025).

 Du khách đến tham quan Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang. Ảnh: NV

Du khách đến tham quan Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang. Ảnh: NV

Trong năm 2019 vừa qua, UBND huyện Triệu Phong làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bàn biện pháp triển khai quy hoạch chi tiết quần thể di tích lịch sử Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, tổ chức hoạt động kỉ niệm 30 năm lập lại huyện Triệu Phong 1/5 (1990- 2020); trùng tu, tôn tạo một số di tích lịch sử trên địa bàn như: Các di tích Đền thờ Bác Hồ, Chốt thép Long Quang… Huyện ủy Triệu Phong xác định phát huy tiềm năng, lợi thế các di tích lịch sử cách mạng, cảnh quan tự nhiên, giá trị văn hóa- tâm linh… để xây dựng sản phẩm du lịch có tính hấp dẫn, cạnh tranh cao, bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, huyện Triệu Phong xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu phát triển kinh tế- xã hội của huyện. Với mục tiêu đặt ra, phấn đấu đến năm 2025 thu hút khoảng 45.000 lượt khách du lịch, tổng doanh thu ước đạt 160 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 5,71% tổng giá trị thương mại- dịch vụ, du lịch của huyện; đến năm 2030 thu hút khoảng 66.000 lượt khách du lịch, tổng doanh thu ước đạt 310 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 8,37% tổng thương mại- dịch vụ, du lịch của huyện. Tạo việc làm ổn định cho trên 800 lao động.

Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin (VH&TT) huyện Triệu Phong Hồ Ngọc Thiên cho biết: “Việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử, văn hóa, đặc biệt là các di tích lịch sử cách mạng có vai trò quan trọng trong giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện, đặc biệt là thế hệ trẻ được các cấp, ngành quan tâm. UBND huyện thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác định vị, cắm mốc các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2018- 2019, đến nay đã thực hiện được 33 di tích với nguồn kinh phí 400 triệu đồng do huyện đầu tư, nâng tổng số di tích hoàn thành hồ sơ pháp lí là 51 di tích trên tổng số 80 di tích. Phối hợp với Trung tâm Quản lí di tích và bảo tàng tỉnh lập hồ sơ di tích cấp tỉnh đối với địa điểm Dốc Bốm, xã Triệu Ái. Xây dựng báo cáo các loại hình văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện Triệu Phong. Lập hồ sơ quy hoạch chi tiết quần thể Di tích Chúa Tiên Nguyễn Hoàng trên đất Triệu Phong gắn với phát triển du lịch.

Phòng VH&TT phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt phong trào “Chăm sóc các địa chỉ đỏ” trên địa bàn huyện. Vận động các dòng họ làm tốt công tác bảo tồn di vật, cổ vật như các sắc phong, chiếu chỉ. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cũng được quan tâm và duy trì thường xuyên nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của làng quê như Lễ hội Chợ Đình Bích La (Triệu Đông); Lễ hội Bài chòi làng Ngô Xá Tây (Triệu Trung), Lễ hội Đua thuyền truyền thống xã Triệu Giang, Triệu Độ, Triệu Phước, Lễ hội Cầu ngư (Triệu An)”.

Cùng với đó, huyện Triệu Phong còn có quần thể di tích và danh lam thắng cảnh đẹp, có ý nghĩa lịch sử như quần thể di tích Chúa Nguyễn Hoàng tại làng Trà Bát, xã Ái Tử, huyện Vũ Xương (nay là thôn Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong); Khu di tích tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, nơi lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu liên quan đến thân thế, sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn ở xã Triệu Thành; Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang là một trong những ngôi chùa xưa nhất và cũng là ngôi Tổ đình duy nhất của tỉnh Quảng Trị, thuộc hệ phái phật giáo Bắc tông- biểu tượng tâm linh của Phật giáo tỉnh Quảng Trị, tọa lạc ở làng Ái Tử, xã Triệu Ái, nay thị trấn Ái Tử. Với giá trị to lớn về kiến trúc nghệ thuật cùng những giá trị văn hóa, nhất là nơi đã khắc đậm đời sống tâm linh của nhân dân trong một thời gian dài nên ngày 15/11/1991, ngôi chùa này được nhà nước xếp hạng di tích văn hóa- lịch sử cấp quốc gia hạng A1. Địa điểm Dốc Bốm là nơi du kích xã Triệu Ái phối hợp tiêu diệt 4 tên lính Mỹ và đốt cháy chiếc xe Jeep của địch, đập tan ý đồ xây dựng căn cứ tiền đồn của Mỹ ở vùng giáp ranh tại địa bàn xã Triệu Ái. Đây là trận đánh tiêu diệt lính Mỹ đầu tiên giữa ban ngày của quân và dân xã Triệu Ái tạo được tiếng vang trong toàn tỉnh và được đi báo cáo điển hình tại hội nghị thi đua của quân khu; là trận đánh tiêu diệt lính Mỹ đầu tiên trên chiến trường huyện Triệu Phong và tỉnh Quảng Trị vào ngày 6/6/1966. Lễ hội Chợ Đình Bích La là lễ hội truyền thống tiêu biểu cho nền văn hóa làng xã Việt Nam. Đây là lễ hội có ý nghĩa tâm linh, phản ánh nét sinh hoạt văn hóa dân gian tốt đẹp mang tính cộng đồng cao của người dân trong vùng. Chợ chỉ họp mỗi năm một lần vào ngày mùng 3 Tết Nguyên đán.

Cùng với việc tham quan, nghiên cứu, du khách có thể thưởng thức nhiều món ngon tại các bãi biển chạy dài trên địa bàn huyện, trong đó có bãi tắm Nhật Tân, xã Triệu Lăng; khu du lịch sinh thái Trấm có không khí trong lành kết hợp với cảnh vật thiên nhiên phong phú và đa dạng với những đồi tràm đan xen với ruộng lúa, hồ nước tự nhiên trong xanh, du khách có thể đắm mình trong vẻ đẹp hoang sơ và thưởng thức nhiều sản vật nơi đây; đến khu du lịch sinh thái hồ Ái Tử thuộc thôn Kiên Phước, xã Triệu Ái, du khách sẽ được thỏa sức ngắm nhìn và hòa mình trong hồ nước ngọt tự nhiên trong mát… Nhờ đó, năm 2019 lượng khách đến tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh và lễ hội trên địa bàn huyện Triệu Phong khoảng hơn 3.000 lượt người.

Trưởng Phòng VH&TT huyện Hồ Ngọc Thiên cho biết thêm, năm 2020, Phòng VH&TT sẽ tham mưu lãnh đạo huyện kêu gọi nhà đầu tư đầu tư xây dựng hồ Ái Tử trở thành khu du lịch sinh thái; tham mưu công tác lập hồ sơ quy hoạch, từng bước bảo tồn, phục dựng và đầu tư nâng cấp các di tích trong quần thể di tích Chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong phục vụ công tác phát triển du lịch…

Nguyễn Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=145218