Đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế thể thao
Kinh tế thể thao tuy còn mới mẻ ở nước ta nhưng đã trở thành ngành công nghiệp phát triển mạnh trên thế giới. Với hơn 100 triệu dân và sự hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, Việt Nam đứng trước thời cơ phát triển kinh tế thể thao.
Một “mỏ vàng” của nền kinh tế
Giải chạy đêm tại TP Hồ Chí Minh 2025 dự kiến diễn ra đêm 22, rạng sáng 23-2 hiện nhận được sự đăng ký tham dự của hơn 12.000 vận động viên (VĐV) trong nước và quốc tế. Không chỉ thu hút những chân chạy hàng đầu giúp lan tỏa phong trào chạy bộ, giải còn là một sản phẩm du lịch tiêu biểu, giúp những người tham gia vừa thể hiện tình yêu với chạy bộ vừa có dịp trải nghiệm văn hóa-du lịch tại Thành phố mang tên Bác. Năm 2023, giải đấu này thu hút 14.000 VĐV và hơn 80.000 khán giả theo dõi, cổ vũ, doanh thu đạt 5 triệu USD.
Là vùng đất nổi tiếng với tinh thần thượng võ, những năm qua, tỉnh Bình Định đã tạo ra một sản phẩm du lịch đêm hấp dẫn mang tên “Đêm võ đài Bình Định”. Không chỉ hấp dẫn đối với người dân địa phương, đêm võ đài đã tạo được sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế bằng những trận đấu mỗi đêm, xen giữa là những tiết mục biểu diễn võ đặc sắc.

Giải chạy đêm tại TP Hồ Chí Minh trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Ảnh: VNE
Cũng lấy thể thao là một trong những động lực phát triển kinh tế-xã hội, những năm qua, Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành địa điểm hấp dẫn thu hút các đội đến tập huấn, tổ chức các giải thể thao chuyên nghiệp. Với điều kiện địa lý, tự nhiên lý tưởng; hệ thống cơ sở vật chất thể thao được đầu tư đồng bộ, năm 2024, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức thành công 26 giải thể thao quốc gia và dự kiến trong năm 2025 sẽ tổ chức 29 giải thể thao quốc gia.
Những ví dụ trên chỉ là khía cạnh nhỏ của kinh tế thể thao mà Việt Nam đang phát triển. Với dân số hơn 100 triệu người, điều kiện người dân ngày càng phát triển, dư địa phát triển kinh tế thể thao Việt Nam còn rất lớn. Theo TS Vũ Thái Hồng, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Thể thao (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), kinh tế thể thao bao gồm các hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp đến hoạt động thể dục thể thao (TDTT) như tập luyện, thi đấu; cũng như gián tiếp phục vụ các hoạt động TDTT như: Sản xuất, cung cấp trang thiết bị thể thao, truyền thông, marketing... "Dù chưa chính thức được coi là một ngành kinh tế tại Việt Nam nhưng các loại hình dịch vụ và sản phẩm thể thao đã và đang phát triển, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sự có mặt của các thương hiệu lớn về dụng cụ, trang thiết bị thể thao tại Việt Nam là minh chứng rõ nét cho tiềm năng này", TS Vũ Thái Hồng cho biết.
Đẩy mạnh học tập, hợp tác quốc tế
Trong suy nghĩ của nhiều người dân Việt Nam, thể thao vẫn chưa được xem là một nghề, thường gắn với hình ảnh “con nhà nghèo vượt khó”, song ở nhiều nước trên thế giới, kinh tế thể thao mang đến những giá trị lớn. Tại Nhật Bản, các nhà quản lý đã khéo léo kết hợp văn hóa truyền thống với thể thao để tạo sức hút đặc biệt đối với du khách. Ví dụ, việc quảng bá sumo như một môn thể thao biểu tượng của quốc gia đã giúp đất nước mặt trời mọc thu hút được đông đảo du khách quốc tế muốn tìm hiểu về văn hóa truyền thống. Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy thành công trong phát triển kinh tế thể thao đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ, xây dựng hệ thống chuyên nghiệp và gắn kết với văn hóa bản địa.
Những năm qua, Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các công ty trong nước đầu tư vào ngành thể thao và tham gia hợp tác quốc tế. Các tập đoàn lớn như Alibaba và Wanda đã đầu tư vào lĩnh vực thể thao, bao gồm mua bản quyền truyền hình, đầu tư vào các câu lạc bộ thể thao nước ngoài và tài trợ cho các giải đấu quốc tế. Nhờ đó, Trung Quốc đã xây dựng được một thị trường thể thao sôi động, tạo nhiều cơ hội kinh doanh và việc làm, đồng thời mở rộng ảnh hưởng của thể thao nước này ra quốc tế.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan cũng đã đạt được những thành tựu về kinh tế thể thao. Trong đó, du lịch thể thao Thái Lan là một điểm nhấn, khi họ tổ chức nhiều giải thể thao tầm cỡ quốc tế như golf, marathon, muay... Ngoài ra, Thái Lan đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế và nâng cao chất lượng thể thao trong nước.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: “Để nền kinh tế thể thao Việt Nam phát triển bền vững, việc xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, chú trọng vào công nghệ và liên kết với các ngành du lịch, văn hóa là điều cần thiết. Bằng cách tận dụng lợi thế từ các môn thể thao truyền thống và khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo dựng một ngành kinh tế thể thao vững mạnh, mang bản sắc riêng”.
PGS, TS Đặng Văn Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học TDTT Bắc Ninh đề xuất: “Để hỗ trợ kinh doanh TDTT, chúng ta cần triển khai một chương trình đào tạo quy mô quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh TDTT như đã và đang làm đối với các doanh nghiệp kinh doanh những lĩnh vực kinh doanh khác. Ngoài ra, cần ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các nỗ lực phát triển thị trường thể thao và tạo môi trường đầy đủ cho hoạt động kinh doanh thể thao phát triển”.