Đánh thức tiềm năng suối, thác để phát triển du lịch sinh thái
Phát triển các điểm du lịch sinh thái gắn với suối, thác là một trong những hướng đi được huyện Nam Đông đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung khai thác.
Nhiều tiềm năng
Chỉ mất hơn 1 tiếng đồng hồ xuất phát từ TP. Huế, thác Kazan (xã Thượng Lộ) đã hiện ra với vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ, hứa hẹn là một điểm du lịch khiến những du khách khó tính nhất cũng phải hài lòng. Tuy có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, nhưng thực tế những năm qua du lịch tại thác Kazan chưa thu hút được đông đảo du khách tham gia. Chị Hoàng Hạnh Nguyên, du khách từ TP. Huế từng đến đây trải nghiệm chia sẻ, thác Kazan khá hoang sơ nên dễ dàng thu hút những người yêu thích khám phá thiên nhiên. Tuy nhiên, hạ tầng phục vụ còn thiếu hụt khá nhiều là một trong những nguyên nhân khiến mọi người có tâm lý e ngại khi đến đây du lịch.
Theo bà A Lăng Bé, Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng thôn Dỗi, thác Kazan từng đón nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan và khảo sát; điều đó có thể khẳng định giá trị và cảnh đẹp mà thiên nhiên ban tặng là rất lớn. Tuy nhiên, nguồn lực của địa phương, người dân nằm ngoài khả năng đầu tư xây dựng một điểm du lịch sinh thái xứng tầm, nên các dịch vụ du lịch cộng đồng Kazan như ẩm thực, lưu trú, vui chơi giải trí... vẫn chưa được phong phú.
Cuối tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Số 250/KH-UBND ngày 10/7/2023 triển khai thực hiện Đề án “Định hướng phát triển các điểm du lịch sinh thái gắn với suối, thác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”. Thác Kazan là một trong những địa điểm được chú trọng đầu tư để phát triển du lịch sinh thái. Theo đó, thác Kazan hiện đang được Ban quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng khu vực huyện Nam Đông đầu tư xây dựng công trình hạ tầng các điểm du lịch cộng đồng, bao gồm: Tuyến đường đi bộ nối từ điểm cuối trục đường chính đến chân thác Kazan, xây dựng bãi đỗ xe và nhà vệ sinh công cộng… Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành trong năm 2024 và được bàn giao cho HTX Du lịch cộng đồng thôn Dỗi quản lý và khai thác.
Huyện Nam Đông còn có nhiều thác, suối có tiềm năng khai thác du lịch sinh thái. Trong đó, thác Mơ hiện đang được Khu du lịch sinh thái YesHue Eco khai thác, quản lý và đã cơ bản đồng bộ về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; dịch vụ, sản phẩm đảm bảo cho loại hình du lịch suối, thác. Ngoài ra, thác Trượt cũng được đưa vào “Đề án phát triển du lịch huyện Nam Đông giai đoạn 2017 - 2020 định hướng đến năm 2030” và kêu gọi đầu tư; tuy nhiên hiện tại do một số khó khăn, rào cản vẫn chưa được đưa vào khai thác.
Khai phá thế mạnh
Theo thông tin từ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nam Đông, việc phát triển du lịch sinh thái gắn với suối, thác trên địa bàn huyện gặp một số khó khăn, như: Địa điểm đa phần nằm ở khu vực xa xôi, hẻo lánh nên đường đi vào khó khăn; chưa đa dạng dịch hỗ trợ như lưu trú, mua sắm…
Thời gian qua, các cấp chính quyền huyện Nam Đông đã có nhiều động thái tích cực nhằm phát triển du lịch sinh thái gắn với suối, thác, như tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch về đặc điểm của ngành nghề du lịch, những lợi ích từ hoạt động du lịch mang lại; tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên tại các điểm suối, thác, khu vực lân cận… Đồng thời, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức phát triển du lịch, kỹ năng giao tiếp chăm sóc khách hàng; mở các lớp tập huấn ngắn hạn, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Ngoài ra, UBND huyện cũng có các chương trình, giải pháp thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư các dự án phát triển du lịch sinh thái gắn với suối, thác.
Đại diện UBND huyện Nam Đông cho biết, thời gian tới, để có thể khai thác tiềm năng suối, thác và phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn huyện cần có những “cú hích” mạnh mẽ hơn nữa. Theo đó, UBND huyện sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông tiếp cận và gắn kết giữa các điểm du lịch sinh thái, góp phần tăng cường cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ du lịch; phát huy những tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung của địa phương.
Với đặc trưng về vị trí, địa hình của các suối, thác; loại hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, du lịch phượt, trekking, du lịch cắm trại - teambuilding sẽ là một trong những hướng đi tiềm năng để thu hút du khách. Ngoài ra, khâu quảng bá và chuyên nghiệp hóa dịch vụ cũng cần được chú trọng. Từng bước xây dựng thông điệp quảng bá du lịch, lựa chọn kênh thông tin và được cập nhật thường xuyên để kết nối với du lịch. Đồng thời, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử du lịch sinh thái gắn với suối, thác, các quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ động, thực vật tại điểm du lịch cho khách du lịch và nhân viên cũng cần được xây dựng một cách bài bản. Trong đó, chú trọng các nội dung về hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, không sử dụng hóa chất tẩy rửa/ xà phòng công nghiệp tại các suối; bảo vệ môi trường rừng và các loài động, thực vật tự nhiên; bảo vệ môi trường nước suối.
Theo lãnh đạo huyện Nam Đông, khó khăn nhất vẫn là câu chuyện nguồn vốn đầu tư. Trước mắt, huyện Nam Đông đã tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh và của địa phương để đầu tư hiệu quả cơ sở hạ tầng phát triển du lịch, dịch vụ. Về lâu dài, sẽ tăng cường các biện pháp kích cầu đầu tư, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch.