'Đánh thức' văn học thiếu nhi:Giải thưởng là nguồn động lực cổ vũ người cầm bút

Thị trường sách văn học dành cho thiếu nhi chưa bao giờ sôi động như những năm gần đây. Mặc dù sách ngoại nhập vẫn chiếm tỉ lệ không nhỏ, nhưng đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều tác giả, tác phẩm hướng tới độc giả thiếu nhi.

Mảnh đất văn học thiếu nhi nay đã được “đánh thức” bằng nhiều cách, trong đó có việc tổ chức các cuộc vận động sáng tác, các giải thưởng văn học.

Những tác phẩm tốt sẽ đem đến cho các em nhỏ cảm xúc tích cực, trân trọng vẻ đẹp bình dị trong cuộc sống. Ảnh: Đỗ Tâm

Những tác phẩm tốt sẽ đem đến cho các em nhỏ cảm xúc tích cực, trân trọng vẻ đẹp bình dị trong cuộc sống. Ảnh: Đỗ Tâm

Viết theo “đòi hỏi” của… thiếu nhi

Lâu nay chúng ta vẫn thường bàn cách làm sao để viết được những tác phẩm phục vụ lứa tuổi thiếu nhi, mà ít đặt vấn đề ngược lại, rằng trẻ em cần gì ở người viết. Chắc chắn, đó là những tác phẩm mà trẻ em nhìn vào, thấy mình trong đó cũng như thấy suy nghĩ, xúc cảm, hành động của thế hệ mình. Bình thường, các nhà văn nói chung, cây bút viết cho thiếu nhi nói riêng thường viết về những trải nghiệm của bản thân, và thường viết theo những gì họ muốn. Cho nên, thị trường sách văn học chưa có nhiều tác phẩm khai thác những góc khuất mà các em đang phải trải qua.

Nhà thơ Bảo Ngọc, công tác tại Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, người có nhiều năm sáng tác văn học cho trẻ em, chia sẻ, để “kéo” bạn đọc nhỏ tuổi đến với các tác phẩm thơ, truyện, người viết phải hiểu cái “gu” của các bạn. Các bạn nhỏ tuổi yêu thích tác phẩm có tính hấp dẫn, thực sự mới mẻ, thật gọn, gần gũi, chân thành, đẹp đẽ.

“Tôi rất mong muốn rằng các tác phẩm thơ, truyện thiếu nhi sẽ đem đến cho các em nhỏ cảm xúc tích cực, niềm yêu đời, sẽ giúp các em phát hiện và trân trọng vẻ đẹp bình dị, đáng sống trong cuộc đời này. Xa hơn thế, tôi mong muốn bọn trẻ khát khao tìm thấy con đường của chính mình từ những gì đẹp đẽ trong văn chương” - nhà thơ Bảo Ngọc nhấn mạnh.

Tác giả Lê Sinh Hùng (14 tuổi) được trao giải “Khát vọng Dế Mèn” (Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn năm 2024). Ảnh: Duy Khánh

Tác giả Lê Sinh Hùng (14 tuổi) được trao giải “Khát vọng Dế Mèn” (Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn năm 2024). Ảnh: Duy Khánh

Thực tế, không thể có một bí quyết chung nào để giúp các nhà văn viết ra những tác phẩm hay cho trẻ em. Mỗi tác giả phải tự mình tìm ra con đường đi tới trái tim người đọc nhỏ tuổi, tùy theo sở trường, vốn sống, bản lĩnh riêng của mình. Mỗi nhà văn đều phải tự mình trả lời câu hỏi: Trẻ muốn gì ở người viết chúng ta? Nguyễn Nhật Ánh trở thành nhà văn lớn trong lĩnh vực văn học thiếu nhi vì ông đã viết đúng với tâm lý lứa tuổi.

Tiến sĩ Thái Phan Vàng Anh đánh giá: “Đọc truyện của Nguyễn Nhật Ánh thì trẻ em tìm thấy tuổi thơ sinh động, hồn nhiên, chân thật của chính mình, còn người lớn thì nhận được những “tấm vé” về lại tuổi thơ”.

Hiện nay, tiện nghi hiện đại chi phối nếp sinh hoạt của từng gia đình. Mối liên hệ tình cảm gia đình trở nên mong manh trong làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ. Lối sống có phần vô cảm, thói ích kỷ càng ngày càng nhiễm vào tâm hồn trẻ thơ. Bởi vậy, theo nhà văn Nguyễn Thu Hằng, mỗi nhà văn, qua tác phẩm của mình, phải trở thành người bạn thân của các em. Người bạn ấy, ngoài thực hiện vai trò sáng tác, vừa phải thủ thỉ kể cho các bạn nhỏ câu chuyện sao cho thật gần gũi, thân thiết mà vẫn mang lại cảm giác thú vị, vừa định hướng thẩm mỹ và lồng ghép khéo léo những giá trị nhân văn qua tác phẩm.

Tạo nguồn cảm hứng

Một số tác phẩm đoạt giải thưởng Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi đợt 1 năm 2021 - 2023 của Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: An Nhi

Một số tác phẩm đoạt giải thưởng Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi đợt 1 năm 2021 - 2023 của Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: An Nhi

Song, để kéo trẻ em đến với sách, đặc biệt là sách văn học, ngoài việc nhà văn cần viết để đáp ứng nhu cầu của độc giả thiếu nhi, còn cần sự “ủng hộ” để tác giả - tác phẩm được độc giả biết tới.

Nhà văn Thái Chí Thanh, Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi (Hội Nhà văn Việt Nam) cho rằng, Việt Nam từng có thời kỳ rực rỡ của văn học thiếu nhi với các thế hệ vàng mà nhiều lớp con em lớn lên đã được tắm trong nền văn chương ấy. Mấy chục năm gần đây, văn học thiếu nhi dẫu có thời điểm khởi sắc nhưng nhìn chung còn mờ nhạt. Những đơn vị có trách nhiệm như Hội Nhà văn Việt Nam, các tổ chức, hội đoàn liên quan đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đủ để kéo văn học thiếu nhi trở lại không khí sôi nổi như trước đây.

Đó có lẽ là lý do để một số cuộc thi viết cho thiếu nhi đã được tổ chức trong thời gian vừa qua. Hội Nhà văn Việt Nam, NXB Kim Đồng và một số đơn vị khác đã và đang tích cực tổ chức các cuộc thi viết, các giải thưởng văn học thiếu nhi nhằm khơi gợi, kích thích sự sáng tạo của các cây bút, qua đó, mong muốn thu nhận được những tác phẩm chất lượng. Phát động cuộc vận động sáng tác lần thứ nhất từ năm 2023 đến năm 2025, NXB Kim Đồng đã tổ chức các cuộc gặp mặt trực tiếp tác giả ở các vùng, miền khác nhau, tổ chức nhiều buổi giao lưu tại trường học giữa nhà văn và độc giả để cùng các tác giả lắng nghe sở thích, nhu cầu của bạn đọc thanh, thiếu niên hôm nay.

Có thể nói, trong lịch sử phát triển của mình, NXB Kim Đồng đã góp phần quan trọng trong quá trình phát triển của nền văn học thiếu nhi Việt Nam. Một trong những mặt hoạt động nổi bật của NXB Kim Đồng là liên tục tổ chức các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi, qua đó phát hiện ra nhiều cây bút mới, tác phẩm mới giá trị. Không ít tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng và được tái bản nhiều lần như “Búp sen xanh” của Sơn Tùng, “Cát cháy” của Thanh Quế, “Những tấm lòng yêu thương” của Hoàng Bình Trọng, “Ngôi nhà trong cỏ” của Lý Lan, “Bến tàu trong thành phố” của Xuân Quỳnh, “Dòng sông thơ ấu” của Nguyễn Quang Sáng, “Tuổi thơ im lặng” của Duy Khán, “Bỏ trốn” của Phan Thị Thanh Nhàn, “Đợi mặt trời” của Phạm Ngọc Tiến, “Nhạc giữa trời” của Nguyễn Thị Bích Nga, “Một thiên nằm mộng” của Nguyễn Ngọc Thuần... đã ra đời từ cái nôi vận động sáng tác do NXB Kim Đồng tổ chức. Những năm gần đây, không ít cuốn sách văn học thiếu nhi của NXB Kim Đồng đã được vinh danh tại các giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Sách Quốc gia, Giải thưởng Dế mèn như “Cá linh đi học” của Lê Quang Trạng, “A lô! Cậu đấy à” của Trần Đức Tiến...

Những cuộc thi, cuộc vận động sáng tác là cơ hội để các tác giả, độc giả được giao lưu, chia sẻ ý kiến chuyên môn cũng như tạo nguồn cảm hứng sáng tác. Sau các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác, hàng nghìn tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi đã “chào đời”, trong đó có nhiều tác phẩm có chất lượng được độc giả yêu thích. Bên cạnh lượng tác giả thành danh viết cho thiếu nhi đang tăng, có thể nhận ra sự xuất hiện của nhiều cây bút trẻ, đặc biệt phải kể đến những cây bút viết cho thiếu nhi như Cao Khải An, Nguyễn Vũ An Băng, Đoàn Lữ Thụy Phương, Lê Sinh Hùng... đã được Giải thưởng Dế mèn xướng danh. Với những tác giả nhỏ tuổi, một giải thưởng mang ý nghĩa hết sức quan trọng như thế là bước đà giúp các tác giả nhí vững tin bước tiếp trên con đường văn chương.

Cùng với việc vinh danh các tác giả - tác phẩm viết cho thiếu nhi thông qua hệ thống giải thưởng, theo nhà văn Trần Đức Tiến, việc tác phẩm được trình bày đẹp, bắt mắt cũng là yếu tố hết sức quan trọng để thu hút độc giả. Ông chia sẻ: “Tôi đã tới một số nước như Thụy Điển, Đan Mạch, tiếp xúc với một số nhà văn nước ngoài, dự các hội thảo quốc tế về văn học thiếu nhi, nhận thấy rằng các nhà văn nước ngoài rất coi trọng tranh vẽ. Mỗi ấn phẩm dành cho thiếu nhi dứt khoát phải có sự kết hợp giữa nhà văn và họa sĩ. Truyện tranh cũng góp phần nuôi dưỡng, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của các em. Tôi vẫn luôn mong có tác giả nào đó cùng với họa sĩ làm được những quyển truyện tranh tốt”.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/danh-thuc-van-hoc-thieu-nhi-giai-thuong-la-nguon-dong-luc-co-vu-nguoi-cam-but-671308.html