Đánh thuế tài sản là 'rọi ánh sáng vào góc tối'

Với dân số gần 99 triệu người, chia nhau diện tích 330 nghìn km2, mật độ dân số của Việt Nam là 318 người/km2, gấp đôi quốc gia đông dân nhất hành tinh là Trung Quốc (154 người /km2). Bởi thế, đất đai với chúng ta là tài nguyên vô cùng giá trị và có giới hạn. Do vậy, nhà nước càng phải không ngừng nghĩ cách khai thác tài nguyên này càng hiệu quả và bền vững càng tốt, trong đó có đánh thuế.

Sau "sốt" đất nhiều khi là những thành phố "ma", hoang hóa nhiều năm. Ảnh: Tr.Lưu.

Sau "sốt" đất nhiều khi là những thành phố "ma", hoang hóa nhiều năm. Ảnh: Tr.Lưu.

Mới đây, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan tổng kết, đánh giá tác động về tình hình thực hiện Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; trong đó có đề nghị góp ý về việc bổ sung đánh thuế đối với nhà, nghiên cứu xây dựng Luật Thuế tài sản hay bất động sản (nếu có).

Bốn năm trước (2018), Bộ Tài chính từng lấy ý kiến góp ý dự án Luật Thuế tài sản nhưng vấp phải phản ứng từ dư luận.

Song, việc đánh thuế tài sản là một bước quan trọng mà dù muốn hay không, chúng ta cũng phải tiến hành.

Theo Nomancapitalist.com, chỉ còn 11/194 quốc gia trên thế giới không có thuế tài sản, hầu hết đó những vùng đảo “thiên đường thuế” với cơ chế bảo mật đầy “bóng tối”.

Trong ASEAN, chỉ còn Thái Lan là không có thuế tài sản nhưng lại có Thuế trên thặng dư vốn (Capital Gains Tax).

Tại Mỹ, năm 2020, thuế tài sản đóng góp đến 11,9% trong toàn bộ nguồn thu của quốc gia, theo dữ liệu của cơ quan thuế Hoa Kỳ.

Như mọi quốc gia trên thế giới, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách, đặc biệt, hàng chục năm qua, chúng ta thường chi nhiều hơn thu. Năm nay, Quốc hội đã quyết nghị mức bội chi ngân sách là 372.900 tỉ đồng, tương đương 4% GDP. Vì vậy, chúng ta càng cần tăng đầu vào và siết chặt đầu ra, tăng thu thuế và giảm chi tiêu.

Một ngôi nhà tăng giá, chủ nhà hí hửng vui mừng vì mình đang giàu lên, thì cũng là lúc phải móc hầu bao mà trả thuế nhiều hơn. Đó chính là đánh thuế dựa trên giá trị. Thế giới đã đầy rẫy phương pháp tính giá trị bằng hàng trăm thông số, trong đó có diện tích, vị trí, hạ tầng... và đặc biệt phương pháp là phải lũy tiến. Để đảm bảo sự công bằng giữa tầng lớp bình dân và giới siêu giàu thì cần phải quy định mức chịu thuế cao, thuế suất thấp, nhưng lũy tiến với những bước thuế lớn.

Trên mạng xã hội, từng có nữ doanh nhân, người nổi tiếng khoe hàng chục chiếc sổ đỏ, thậm chí sổ đỏ tính bằng cân. Tương phản với clip khoe sổ đỏ “ngàn like” là những khu đất bỏ hoang, những ngôi “nhà ma”, những con đường lầy lội, sũng nước vì nhưng giá đất cực cao. Bao trùm toàn vùng mà giao dịch cứ trao nhau tiền tỉ giữa lầy lội hoang vu đó, là “bóng đêm”.

Chúng ta cần một bộ luật thật tốt, một cơ chế thực thi hiệu quả, công khai, minh bạch, một hạ tầng kỹ thuật quản trị cao, với những dữ liệu thống kê chính xác... để rọi vào “bóng đêm”

Có thể đánh thuế tài sản không khiến giá nhà hạ, nhưng chắc chắn việc đánh thuế tài sản, đặc biệt là nhà đất, sẽ là một động lực mới soi rọi vào những “góc khuất lì lợm” nhất của nền kinh tế, trong đó có đầu cơ bất động sản. Đó sẽ là luồng gió mới cho những nhận thức đúng đắn về sự minh bạch.


https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/danh-thue-tai-san-la-roi-anh-sang-vao-goc-toi-1025072.ldo

Theo HẢI LINH (LĐO)

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12436/202203/danh-thue-tai-san-la-roi-anh-sang-vao-goc-toi-5770273/