Danh tính người cầm đuốc tại lễ khai mạc Olympic vẫn chưa được tiết lộ
Bất chấp những đồn đoán và cả tranh luận, cho tới nay, Ban tổ chức Olympic Tokyo vẫn đang làm rất tốt việc giữ bí mật danh tính người châm đuốc Olympic ở lễ khai mạc.
Danh tính người cầm đuốc ở lễ khai mạc Olympic Tokyo được giữ bí mật đến phút chót, khiến truyền thông và dư luận không ngừng đồn đoán về người được lựa chọn.
Người cuối cùng có vinh dự châm ngọn lửa thiêng Thế vận hội vào đài lửa trong lễ khai mạc thường là một vận động viên nổi tiếng.
Ban đầu, truyền thông thiên về Naomi Osaka, ngôi sao quần vợt vô địch Grand Slam, là vận động viên Nhật Bản có tầm ảnh hưởng quốc tế.
Tuy nhiên, do trận đấu của Naomi Osaka với Zheng Saisai của Trung Quốc được lên lịch vào sáng sớm ngày 24/7 nên gần như chắc chắn Osaka sẽ không được trao nhiệm vụ thiêng liêng này.
Sự chú ý sau đó chuyển sang Hideki Matsuyama- tay golf châu Á đầu tiên vô địch The Masters...
Tuy nhiên, một số chuyên gia đã kêu gọi người rước đuốc không nhất thiết phải là vận động viên nổi tiếng. Người được chọn nên là đại diện cho sự hồi phục của đất nước sau trận động đất và sóng thần năm 2011, gây nên thảm họa hạt nhân Fukushima, tàn phá bờ biển phía Đông Bắc Nhật Bản và cướp đi sinh mạng gần 20.000 người.
Năm 1964, Nhật Bản từng đưa ra lựa chọn tương tự khi để Yoshinori Sakai - một sinh viên đại học 19 tuổi sinh ra ở Hiroshima vào ngày 6/1945, ngày Mỹ ném bom nguyên tử, mang ngọn lửa Olympic vào sân vận động.
Bất chấp những đồn đoán và cả tranh luận, cho tới nay, Ban tổ chức Olympic Tokyo vẫn đang làm rất tốt việc giữ bí mật danh tính người châm đuốc Olympic ở lễ khai mạc.
Ngọn lửa Olympic được bắt nguồn từ Hy Lạp, nơi khai sinh phong trào Thế vận hội hiện đại từ năm 1896.
Thế vận hội Amsterdam năm 1928 là kỳ thế vận hội hiện đại đầu tiên mà hình ảnh ngọn lửa cháy sáng trong suốt thời gian diễn ra các cuộc tranh tài trở thành biểu tượng.
Đài lửa được thắp sáng, nhưng không có rước đuốc. Đến năm 1936, tại Thế vận hội mùa Hè Berlin, rước đuốc mới chính thức trở thành một phần của Olympic hiện đại để thể hiện sự kết nối với lịch sử.
Ngọn lửa được thắp sáng tại Olympia, Hy Lạp, giống như hàng thế kỉ trước và sau đó được truyền đến nơi diễn ra thế vận hội. Nó được duy trì đến nay như một nghi thức được mong đợi nhất trong lễ khai mạc mỗi kỳ thế vận hội.
Tại Olympic Tokyo, ngọn đuốc được thiết kế với hình ảnh cách điệu từ bông hoa anh đào 5 cánh, quốc hoa của nước chủ nhà Nhật Bản. Đuốc được làm bằng hợp kim, sử dụng nguyên liệu tái chế từ những ngôi nhà bị phá hủy trong trận động đất lịch sử năm 2011 tại Nhật Bản.
Nhật Bản đã tiến hành nghi lễ rước đuốc từ Hy Lạp vào tháng 3/2020 nhưng đã phải bỏ dở hành trình sau đó vì đại dịch COVID-19. Ngọn lửa này được đưa về Nhật Bản bằng đường hàng không và thắp tại bảo tàng Tokyo Olympic từ tháng 9/2020.
Đến ngày 26/3/2021, nghi thức rước đuốc Olympic được Nhật Bản khởi động lại và bắt đầu di chuyển từ Fukushima. Những người đầu tiên cầm đuốc chứa ngọn lửa thiêng cho hành trình này là các cô gái của đội bóng đá nữ vô địch World Cup 2011.
Ngọn lửa đi qua 47 tỉnh, thành trên khắp đất nước Nhật Bản. Vào cuối hành trình rước, người rước đuốc cuối cùng sẽ tiến vào sân vận động Olympic ở Tokyo, châm lửa từ ngọn đuốc vào đài lửa đặt ở sân.
Olympic Tokyo 2020 sẽ được khai mạc vào lúc 20h00 ngày 23/7 giờ địa phương (18h00 giờ cùng ngày giờ Hà Nội).
Lễ khai mạc sẽ kéo dài 3 giờ 30 phút (dài hơn dự kiến ban đầu 30 phút để các vận động viên có thời gian giãn cách vật lý) tại sân vận động quốc gia mới của Nhật Bản ở Shinjuku, Tokyo (có sức chứa 68.000 chỗ ngồi)./.