Danh tướng Trần Khánh Dư với chiến thắng Vân Đồn đầu năm 1288
Chiến thắng Vân Đồn đầu năm 1288 đã đẩy quân Nguyên vào thế cùng quẫn, phải tìm cách rút về. Tháng 4/1288, chiến thắng Bạch Đằng lịch sử thắng lợi đã kết thúc.
LTS: Nhân kỷ niệm 730 năm Chiến thắng Vân Đồn (1288 - 2018), Đại tá Đặng Việt Thủy đã gửi đến quý độc giả bài viết về trận đánh này, cùng vị danh tướng tài giỏi Trần Khánh Dư.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Cách đây vừa tròn 730 năm, một trận phục kích đường biển của quân đội nhà Trần do danh tướng Trần Khánh Dư chỉ huy đã tiêu diệt và bắt hầu hết đoàn thuyền lương quân Nguyên - Mông trong kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ III (1287-1288), góp phần quan trọng làm thất bại cuộc xâm lược của nhà Nguyên, đó là trận Vân Đồn (tháng 1/1288).
Hai lần xuất quân (năm 1258 và 1285) vẫn không chinh phục được nước Đại Việt nhỏ bé là điều bất ngờ đối với đội quân Mông Cổ thiện chiến đã từng đánh chiếm, khuất phục nhiều quốc gia trên thế giới.
Thất bại nặng nề khiến vua Nguyên là Hốt Tất Liệt nổi giận, quyết đánh Đại Việt lần nữa để phục thù và thực hiện bằng được mưu đồ chiếm và biến Đại Việt thành căn cứ mở đường bành trướng xuống vùng Đông Nam Á.
Thảm bại của những lần xâm lược trước không chỉ nung nấu ý chí báo thù mà còn là bài học xương máu khiến Hốt Tất Liệt phải suy tính kỹ lưỡng cho lần xuất quân thứ ba làm sao phải giành được thắng lợi quyết định.
Với quyết tâm đè bẹp Đại Việt, cuộc xuất quân lần này được nhà Nguyên xúc tiến ngay sau khi cuộc viễn chinh thứ hai vừa thảm bại (cuối năm 1285).
Vua Nguyên đình chỉ cuộc xâm lược Nhật Bản để tập trung binh lực cho cuộc đánh chiếm Đại Việt lần này.
Toàn bộ quân viễn chinh lần thứ ba lại đặt dưới quyền thống lãnh của thân vương Thoát Hoan với tước hiệu Trấn Nam Vương như cũ. Hành động khởi đầu của vua Nguyên là cấp cho quân của Thoát Hoan 4.000 con ngựa.
Tháng 2/1287, cơ quan phụ trách việc xâm lược Đại Việt được thành lập với tên gọi "Chinh Giao Chỉ hành thượng thư tỉnh".
A-gu-rúc-tri được cử làm Bình chương chính sự, A-ba-tri và viên tướng Tống đầu hàng Trình Bằng Phi là Hữu thừa; A-lý làm Tả thừa; Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp làm Tham tri chính sự. Tất cả đều dưới quyền chỉ huy của Thoát Hoan.
Tháng 12/1287, với số quân khoảng 50 vạn, quân Nguyên chia làm ba đạo tiến vào nước ta theo ba hướng.
Khác với các cuộc tiến công trước, trong lần tiến công này, cùng với hai mũi tiến theo đường bộ từ Quảng Tây và Vân Nam, lần này quân Nguyên lập thêm một mũi tiến công bằng thủy binh gồm 600 chiến thuyền do Ô Mã Nhi, một "dũng sĩ quen thủy chiến" cùng Phàn Tiếp, Trương Ngọc thống lĩnh xuất phát từ Khâm Châu vượt biển tiến vào nước ta theo đường sông Bạch Đằng.
Huy động quân đông để tăng cường sức mạnh, song quân càng nhiều thì việc tiếp tế lương thực là điều không dễ, nhất là chiến trường xa và đi lại hiểm trở như Đại Việt.
Bài học cho quân Nguyên trong những lần xâm lược trước chính là lương ăn.
Mặc dù, đã tiến được vào Thăng Long, kinh đô của Đại Việt nhưng chúng không thể chiếm đóng được lâu dài do quân dân nhà Trần đã thực hiện kế hoạch "thanh dã" khiến quân xâm lược lâm vào tình trạng thiếu đói không còn đủ sức chống lại các cuộc tập kích của quân ta.
Lịch sử là một thước đo chuẩn mực
Do vậy, vấn đề lương thảo đặc biệt được quân Nguyên chú trọng trong cuộc tiến quân lần này.
Không thể huy động một lực lượng với hàng chục vạn dân phu gánh gạo theo quân, vả lại biện pháp này đã được thực thi ở các cuộc xâm lược trước nhưng không mang lại hiệu quả cao.
Trong cuộc xuất quân lần này, Hốt Tất Liệt quyết định tải lương bằng đường biển. Vì thế trong hướng tiến công bằng đường biển của quân Nguyên, bên cạnh đạo thủy binh có cả một đoàn thuyền lương.
Đây là một thủ đoạn mới của quân Nguyên vốn chỉ mạnh về kỵ binh nhằm có thể đánh mạnh và chắc thắng ở Đại Việt.
Đoàn thuyền lương của quân Nguyên do Trương Văn Hổ chỉ huy gồm 70 chiếc thuyền chở 170.000 thạch lương, được đoàn thuyền chiến của Ô Mã Nhi đi trước hộ tống, từ Khâm Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) theo đường biển đông bắc tiến vào Đại Việt.
Ngày 17/12/1287, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đạo thủy binh và thuyền lương được lệnh xuất phát.
Trọng trách của đạo thủy binh này không chỉ là tiến quân mà phải đưa bằng được đoàn thuyền vận tải lương thực về đến Vạn Kiếp, nơi quân Nguyên đang muốn xây dựng thành một căn cứ quân sự lớn, lấy đó làm nơi xuất phát các cuộc tiến công tiêu diệt quân Trần.
Nếu số lương thực được chuyển đến an toàn thì quân Nguyên yên tâm về mặt hậu cần, không phải lo cướp lương ăn như những lần xâm lược trước.
Nắm được kế hoạch tiến công của quân Nguyên, nhà Trần huy động sức mạnh toàn dân và tích cực chủ động đề ra kế hoạch đánh giặc. Các đạo quân chủ lực được bố trí trên các hướng tiến quân của địch.
Quân ta vừa tổ chức chặn đánh kiềm chế, tiêu hao sinh lực địch trên các tuyến đường bộ ở biên giới phía bắc vừa tập trung lực lượng tăng cường phòng thủ đường biển.
Một lực lượng thủy binh mạnh được bố trí trên vùng biển đông bắc, một vùng địa bàn chiến lược trọng yếu nhằm tiêu diệt thủy quân và phá hủy lương thực của giặc.
Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, một trong những viên tướng dũng mãnh của nhà Trần được phong làm phó tướng, chỉ huy đánh giặc ở đây.
Xác định vùng biển đông bắc là địa bàn trọng yếu; chọn tướng giỏi giao trọng trách, điều này chứng tỏ bộ chỉ huy thống soái nhà Trần nắm rất chắc ý đồ của giặc nên đã chọn hướng chiến lược chính xác và quyết tâm làm thất bại kế hoạch hậu cần của quân Nguyên ngay từ đầu.
"Chúng ta phải nói cho con cháu biết bản chất thật của quân xâm lược"
Khi thủy binh của quân Nguyên đi vào vùng biển nước ta, chúng bị thủy binh ta chặn đánh ở Ngọc Sơn (Mũi Ngọc, Móng Cái), nhưng đoàn thuyền của Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp vẫn tiến được vào cửa An Bang (Quảng Yên).
Thủy quân Đại Việt giao chiến với binh thuyền giặc nhưng không đủ sức tiêu diệt chúng: "Khi ấy, thủy quân nhà Nguyên đánh Vân Đồn.
Hưng Đạo Vương giao hết công việc ở biên thùy cho Vân Đồn phó tướng là Nhân Huệ Vương Khánh Dư. Khánh Dư đánh nhau với giặc bị thua" (Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, trang 65).
Thừa thắng Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp theo sông Bạch Đằng vội tiến về Vạn Kiếp để nhanh chóng hội quân với Thoát Hoan theo như kế hoạch đã định, bỏ lại phía sau đoàn thuyền vận lương nặng nề của Trương Văn Hổ.
Ô Mã Nhi cho rằng thủy quân Đại Việt đã thất bại, đường tiến quân của chúng không có gì trở ngại, vì vậy y đốc thúc quân lính tiến thẳng không phải hộ tống đoàn thuyền lương. Sai lầm này của Ô Mã Nhi đã bị Trần Khánh Dư phát hiện.
Không ngăn được thủy binh quân Nguyên, Trần Khánh Dư và quân tướng của ông chưa hoàn thành được nhiệm vụ trọng yếu triều đình giao cho.
Được tin thủy quân ta không thắng giặc, Thượng hoàng Trần Thánh Tông nổi giận, lập tức cho Trung sứ tới Vân Đồn triệu Khánh Dư về kinh đô trị tội cho dù Khánh Dư là thân vương rất được trọng dụng. Nhưng "quân pháp vô thân", nhà Trần thực hiện rất nghiêm về kỷ luật quân đội.
Trần Khánh Dư biết rất rõ tội của mình, ông xin với Trung sứ: "Lấy quân luật mà xử, tôi xin chịu tội, nhưng xin hoãn cho vài ba ngày, để tôi lập công chuộc tội, rồi sẽ chịu búa rìu cũng chưa muộn" (Đại Việt sử ký toàn thư, sách đã dẫn, trang 65).
Mặc dù không đánh bại được thủy binh Nguyên nhưng Trần Khánh Dư vẫn nhận thấy ông còn có cơ hội lập công.
Giặc vẫn còn ở phía sau, các thuyền lương và một bộ phận thủy quân đi với thuyền lương của chúng chưa tới.
Hướng đòn tiến công vào đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ là sự nhạy bén, táo tạo của Trần Khánh Dư.
Mặc dù đây không phải là mục tiêu chủ yếu nhưng lại cực kỳ hiểm yếu, bởi đoàn thuyền lương là "dạ dày", là niềm hy vọng của quân xâm lược, nó quyết định khả năng chiến đấu của quân Nguyên trong suốt cuộc chiến tranh.
Diệt được đoàn thuyền lương là ta cắt được dạ dày của giặc, sẽ làm rúng động thế trận của quân Nguyên, khiến kế hoạch của chúng sẽ bị đảo lộn.
Có những tình tiết lịch sử chỉ thấy dân gian lan truyền
Như trên đã nói, sau khi vượt qua được những cuộc chặn đánh của quân ta ở Ngọc Sơn, Vân Đồn, Ô Mã Nhi thừa thắng thúc quân thúc quân tiến về Vạn Kiếp.
Say sưa với thắng lợi ban đầu, Ô Mã Nhi quên đi một nhiệm vụ quan trọng mà y đảm nhận: Hộ tống đoàn thuyền lương. Sai lầm của Ô Mã Nhi tạo thời cơ và điều kiện thuận lợi thủy binh của ta tiêu diệt đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ.
Mặc dù vừa thua trận nhưng Trần Khánh Dư vẫn đủ tỉnh táo, kịp thời phát hiện sai lầm của Ô Mã Nhi.
Ông nhanh chóng chấn chỉnh lực lượng, tổ chức chặn đánh đoàn thuyền lương, tuy thời gian rất ngắn nhưng ông đã kịp thời dàn trận chờ giặc tới để tiêu diệt.
Trần Khánh Dư tổ chức trận địa phục kích tại Vân Đồn (Cẩm Phả) và Cửa Lục (Hòn Gai), theo trình tự mạnh dần về phía Cửa Lục.
Sử liệu không cho ta biết được lực lượng của Trần Khánh Dư là bao nhiêu và đội hình bố trí như thế nào, nhưng so sánh về tương quan lực lượng giữa ta và địch ở vào thời điểm này đã hoàn toàn khác trước.
Quân ta có nhiều lợi thế: thủy binh nhà Trần là những đội quân tinh nhuệ, có tinh thần quyết chiến cao, đã có kinh nghiệm đánh thủy binh Nguyên.
Đoàn thuyền lương của Trương Văn Hỗ chở nặng, đi chậm, không có đạo thủy binh của Ô Mã Nhi hộ tống, sức chiến đấu bị hạn chế.
Tháng 12 âm lịch (5/1 đến 2/2/1288), yên chí có quân của Ô Mã Nhi đi trước dọn đường, Trương Văn Hỗ cho đoàn thuyền chở nặng lương thực và khí giới chậm chạp tiến vào Hạ Long, chúng không ngờ bị rơi vào trận địa phục kích của quân ta.
Khi quân giặc vừa tới Vân Đồn, thủy binh của ta từ các vị trí yểm sẵn bất ngờ xông ra tiến công mãnh liệt.
Trương Văn Hổ cùng quân lính ra sức chống đỡ và cố thúc đoàn thuyền tiến vào đất liền nhưng bị quân ta liên tục tiến công.
Giặc bị chặn đánh trên chặng đường dài hàng chục ki-lô-mét, đến Cửa Lục (Hòn Gai) thủy binh của ta đổ ra đánh càng đông, quân giặc không chống đỡ nổi, phần bị đắm thuyền, phần bị quân ta tiêu diệt, chúng phải đổ cả thóc xuống biển hòng thoát thân nhưng không thể, phần lớn số quân bị tiêu diệt.
Trương Văn Hổ may mắn thoát chết chạy về Quỳnh Châu (Hải Nam, Trung Quốc) trên một chiếc thuyền.
Toàn bộ số lương thảo của giặc bị nhấn chìm. Quân ta toàn thắng. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Khánh Dư đánh, giặc bị thua, bắt được lương thực khí giới của giặc không xiết kể, bắt sống quân giặc rất nhiều" (Sách đã dẫn, trang 66).
Trận Đông Bộ Đầu - Chiến công hiển hách của quân dân ta thời nhà Trần
Tin thắng trận lập tức được báo về triều đình, Thượng hoàng tha tội trước không hỏi đến, Trần Khánh Dư và quân của ông đã chuộc được tội trước đây để cho thủy quân của Ô Mã Nhi qua được Vân Đồn.
Nhằm làm cho quân Nguyên chóng "ngã lòng", vua Trần ra lệnh thả những quân lính bị bắt trong trận Vân Đồn về doanh trại, để chúng báo tin cho chủ tướng.
Trong khi đó tại Thăng Long, đại quân Nguyên đã hội đủ mà thuyền lương chưa đến, việc thiếu lương ăn đã thành nguy cơ cấp bách.
Chờ mãi không thấy đoàn thuyền lương tới, Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi đem thủy quân ra biển đón đoàn thuyền của Trương Văn Hổ, khi đến An Bang thì mọi hy vọng về đoàn thuyền lương của chúng bị tiêu tan.
17 vạn thạch lương đã bị chìm ở Vân Đồn, còn Trương Văn Hổ đã cao chạy xa bay, Ô Mã Nhi đành phải cho quân quay về Thăng Long.
Chiến thắng Vân Đồn có tầm quan trọng rất lớn đối với toàn bộ cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ ba, làm thất bại ngay từ đầu kế hoạch hậu cần của quân Nguyên, đẩy chúng vào khó khăn không thể khắc phục nổi về mặt lương thảo.
Đây là đòn chí tử, giáng đúng vào chỗ hiểm của đối phương. Một lần nữa đội quân của Thoát Hoan lâm vào tình trạng thiếu đói phải cướp lương thực để sống, khó có thể tiếp tục chiến tranh.
Đó là một nguyên nhân đẩy nhanh quân xâm lược đến thất bại. Kế hoạch hậu cần mà triều đình Nguyên dày công chuẩn bị đã tan thành mây khói.
Chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của chúng bị phá sản, hy vọng chiếm đóng lâu dài cũng tiêu tan. Lo sợ lại bị tiêu diệt như những lần xâm lược trước, quân Nguyên đã phải sớm tính đến việc lui quân.
Chiến thắng Vân Đồn để lại bài học kinh nghiệm về nghệ thuật chỉ huy trên chiến trường. Đó là phán đoán tình huống đúng, kịp thời phát hiện và lợi dụng sai lầm của địch, hạ quyết tâm chính xác, khẩn trương triển khai thế trận tiêu diệt địch giành thắng lợi.
Bằng khả năng tư duy sắc bén, nhạy cảm cùng với việc nắm vững mọi hoạt động của kẻ thù, Trần Khánh Dư biết chắc đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ còn đang ở phía sau.
Trước lệnh triệu hồi của triều đình, ông vẫn bình tĩnh xin lui lại vài ngày. Sự phán đoán của ông hoàn toàn chính xác và ông cùng tướng sĩ của mình đã lập được chiến công.
Trong hoàn cảnh thủy binh ta vừa thua trận, triều đình ra lệnh hồi triều chịu tội, Trần Khánh Dư cùng quân tướng hạ quyết tâm đánh tiếp đoàn thuyền lương và phải đánh thắng.
Trần Nhân Tông - vị vua anh hùng cứu nước, vị sư tổ của Thiền phái Trúc Lâm
Chỉ trong một thời gian ngắn, Trần Khánh Dư cùng quân sĩ của ông đã bố trí dàn trận trên một địa bàn tương đối dài để đánh giặc. Phải có quyết tâm rất cao, sự đồng lòng của quân tướng mới có thể nhanh chóng tạo dựng được một trận địa như vậy.
Với kinh nghiệm của một đội thủy binh đã từng xông pha nhiều chiến trận, dưới sự chỉ huy của một danh tướng tài ba, quân Trần đã nhử được giặc vào sâu trong trận địa để rồi tung ra một lực lượng mạnh đánh áp đảo khiến kẻ thù phải thất trận hoàn toàn.
Chiến thắng Vân Đồn đầu năm 1288 là một chiến công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba của quân dân Đại Việt, là lưỡi dao cắt toàn bộ dạ dày của quân xâm lược, tạo ra tiền đề cho thắng lợi của ta và thất bại của giặc, góp phần quan trọng đẩy nhanh cuộc rút quân của đạo quân xâm lược nhà Nguyên.
Nói thêm về danh tướng Trần Khánh Dư, người chỉ huy trận Vân Đồn lịch sử, ông thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Trần, cha là Thượng tướng quân Trần Phó Duyệt, được triều đình phong ấp ở Chí Linh (Hải Dương). Thời trẻ, ông ham học võ nghệ, giỏi binh thư. Vua Trần Thánh Tông nhận ông làm con nuôi.
Do có việc trái ý, ông bị vua Trần cách chức, tịch thu hết tài sản, đuổi về quê ở Chí Linh. Đã có lúc, ông phải làm nghề đốt than để sinh sống, truyền rằng ông có làm bài thơ "Người bán than" để tự vịnh.
Năm 1282, trước nguy cơ xâm lược của nhà Nguyên, vua Trần lên vùng quê ông, gọi ông về họp ở Bình Than (Hải Dương) bàn việc chống giặc.
Nhờ công lao trong cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ hai, từ cuối năm 1287 ông được cử chỉ huy đạo quân phòng ngự giữ vùng biển Đông Bắc, đóng doanh trại ở Vân Đồn (Quảng Ninh).
Chiến thắng Vân Đồn đầu năm 1288 đã đẩy quân Nguyên vào thế cùng quẫn, phải tìm cách rút về. Tháng 4/1288, chiến thắng Bạch Đằng lịch sử thắng lợi đã kết thúc cuộc xâm lược của quân Nguyên.
Ngày toàn thắng, Trần Khánh Dư được phong Phiêu kỵ thượng tướng quân, một chức chỉ dành cho các hoàng tử, tước Nhân Huệ Vương.
Khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn biên soạn xong bộ Binh thư yếu lược, Trần Khánh Dư vinh dự được viết lời tựa. Trần Khánh Dư là vị tướng giỏi, lập nhiều công, trải thờ ba đời vua, khi mất được truy phong Đại Vương.
Tài liệu tham khảo:
- Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội - 1971.
- Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, 20 trận đánh trong lịch sử dân tộc (Thế kỷ X - Thế kỷ XVIII), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2002.
- Đinh Xuân Lâm - Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Việt Nam - các nhân vật lịch sử - văn hóa, Cục bảo vệ An ninh nội bộ và Văn hóa tư tưởng, Hà Nội - 2008.