Danh xưng 'Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam': Thói háo danh của người Việt?
Những ngày qua, dư luận đã 'mắt tròn, mắt dẹt' khi được nghe danh xưng kêu như chuông 'Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam'. Danh xưng này đã 'bay cao', 'bay xa' theo những cái lắc đầu ngao ngán, những nụ cười mỉa trước thói háo danh của một bộ phận người Việt.
Nhảm nhí và lố bịch
Nguồn cơn của câu chuyện bắt nguồn từ chiếc giấy mời “Đêm chung kết, trao giải Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” diễn ra vào ngày 13/7, được gửi đến bà Phạm Nữ Hiền Ngân - một cô đồng người Bình Định. Dòng ghi danh xưng “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam 2018” trên giấy mời ấy đã khiến dư luận dậy sóng.
Tìm hiểu thêm, nhiều người mới “té ngửa”, hóa ra cùng với hơn 20 danh hiệu “nữ hoàng” khác, danh hiệu “nữ hoàng” này đã có từ cách đây gần một năm - khi Trung ương Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam phối hợp với Công ty XNK Ô tô Ngọc Minh tôn vinh các hội viên tiêu biểu trong chương trình “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2018”.
Đến dự chương trình đó với tư cách đại biểu, nguyên Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Vương Duy Biên đã được mời trao bằng danh hiệu ấy cho bà Hiền Ngân, dù rằng ông không biết gì về danh hiệu này, theo như chia sẻ mới đây của ông với báo chí. Trước đó, chính hội này cũng được phen gây ồn ào dư luận khi tặng bằng khen có ghi chức danh “Giáo sư âm nhạc” cho ca sĩ Ngọc Sơn!
Với danh xưng ấy, bà Hiền Ngân đã liên tục hiện diện nổi bật ở nhiều sự kiện và đã được trang doanhnghiephoinhap.vn của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đưa tin: “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Phạm Nữ Hiền Ngân vinh dự tiếp quyền Chủ tịch nước”, “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Phạm Nữ Hiền Ngân giao lưu văn hóa tại Paris” cùng nguyên Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Vương Duy Biên hay trang kinhtedulich.vn đưa tin: “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam vinh dự được hầu khai mạc lễ Giỗ tổ Hùng Vương”…
Những ồn ào dường như càng lớn khi “nữ hoàng” đó được bầu giữ chức Phó trưởng ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam tại TPHCM hồi cuối tháng 6 vừa qua. Thế nhưng, mới đây bà Hiền Ngân đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng xin từ chức.
“Danh xưng nào đây?”; “Thật nhố nhăng, lố bịch”; “Từ cô hầu đồng một bước lên nữ hoàng, chuyện nhảm nhí chỉ có ở Việt Nam”; “Cái quái gì đang xảy ra vậy? Ai bầu? Tiêu chí nào?”… - nghe câu chuyện về “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam” dư luận đã thốt lên như thế.
Thậm chí, nhiều người còn bức xúc bình luận: “Mới hôm nào hội nghề nghiệp phong giáo sư, nay lại thấy hội nghệ nhân phong nữ hoàng văn hóa tâm linh, rồi chả biết hội gì phong nữ hoàng nội y nữa... Loạn danh hiệu quá xem ra đã nhảm nhí, lại dám thêm quốc hiệu Việt Nam vào danh hiệu nhảm nhí thì quả là đã lạm dụng tình cảm thiêng liêng của quốc gia dân tộc ấy”. “Chúng ta có nhiều danh hiệu không giống ai. Bộ VH,TT&DL cần hạn chế bớt ba cái danh hiệu tào lao này là vừa”...
Để dẹp phải có chế tài mạnh
PGS.TS Đỗ Thị Hảo - Viện Nghiên cứu Hán Nôm thẳng thắn nói: “Tôi thấy bây giờ loạn, không có tiêu chuẩn nào, thích thế nào thành ra như thế. Làm gì có cái chuyện “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam”? Các cụ xưa làm gì có chuyện láo nháo thế. Ngày xưa mà nói như thế có mà tru di đến cửu tộc chứ không phải là tam tộc đâu. Bây giờ mạnh ai người ấy nói, cứ đưa ra những khái niệm, những từ tưởng là ghê nhưng thực ra chẳng có giá trị gì”.
Bà Hảo cho rằng, đấy là nhiệm vụ của cơ quan quản lý văn hóa. “Cơ quan quản lý văn hóa phải vào cuộc, có chế tài răn đe chứ không thể để ai muốn tôn vinh danh hiệu gì cũng được”, PGS.TS Đỗ Thị Hảo nhấn mạnh.
Ông Vương Duy Bảo, nguyên Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL) cũng cho rằng, việc trao những danh hiệu vô nghĩa, vô duyên như “Nữ hoàng văn hóa tâm linh” thế này là một trò lố, làm rối việc quản lý Nhà nước. Vì vậy, “tôi cho rằng Bộ VH,TT&DL, Ban Tuyên giáo Trung ương cần có ý kiến về việc này”. Đồng thời, từ việc đặt câu hỏi: Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam có lợi ích gì từ việc trao tặng những danh hiệu vô nghĩa như vậy? Hội có chức năng phong những danh hiệu đó không?
Ông Bảo đề nghị: “Đơn vị cho phép thành lập Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam phải nhắc nhở, chấn chỉnh hội đi cho đúng đường lối, tôn chỉ của một hội nghề nghiệp, đừng đưa ra cụm từ không có ý nghĩa gì về mặt văn hóa, tâm linh cũng như không phục vụ gì cho sự phát triển của hội. Thậm chí, nếu cần thì phải kỷ luật, giải tán hội”.
Than rằng, loạn “ông hoàng, bà chúa” mất rồi, trong một bài viết mới đây, TS Nguyễn Viết Chức chỉ ra: “Vấn đề ở đây là trong xã hội có vẻ đang “thịnh hành” xu hướng “khát khao” thành “ông hoàng, bà chúa”! Cơ quan chức năng nên có chiến lược để ngăn chặn bằng các quy định mang tính pháp quy, không nên để nó tự phát “muôn hình vạn trạng” rồi phải chạy theo gỡ rối”...
Ở góc nhìn của nhà nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng, TS Nguyễn Ngọc Mai nhìn nhận, thực tế trên nói lên bản chất háo danh của một bộ phận người Việt. Những người này đang tự lòe bịp nhau bằng những mỹ từ chứ không có thực chất. Nhưng nguy hại thay khi những người đó có danh vị rồi thì sẽ dẫn đến trạng thái tự huyễn hoặc về bản thân, thậm chí dùng danh vị hão mà mua quyền lực…