Danh y Đào Công Chính góp phần tạo thế kiềng 3 chân cho nền y học nước nhà
Với những đóng góp quý giá từ nghiên cứu dưỡng sinh để lại cho hậu thế, đại danh y Đào Công Chính (xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) được đánh giá góp phần tạo thế kiềng 3 chân vững chãi cho nền y học cổ truyền nước nhà cùng với nhà dược học Tuệ Tĩnh, nhà y học Hải Thượng Lãn Ông.
Danh y tài ba lỗi lạc
Theo sử sách ghi lại, Đào Công Chính sinh năm 1639 ở làng Cõi, tức xã Hội + Am, huyện Vĩnh Lại, xứ Hải Dương (nay là thôn Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng).
Thuở nhỏ, ông có tên là Đào Đĩnh Đạt; đến khi thi Hương thì đổi tên là Đào Công Chính. Ông sinh ra trong một gia đình nho học, nghèo khó. Khi còn bé, ông đã nổi tiếng thông minh, được người làng ví là "thần đồng".
Năm 13 tuổi, ông đỗ Hương cống (cử nhân). Năm 23 tuổi đỗ Bảng nhãn và thuộc nhóm tuổi trẻ đỗ cao của lịch sử thi cử Hán học nước ta thời bấy giờ (năm 1661).
Sau khi đỗ Bảng nhãn, ông được giữ chức Thị thư Viện Hàn Lâm, tham gia biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư do Phạm Công Trứ làm chủ biên.
Trải qua 15 năm, Đào Công Chính đã thăng chức từ Thừa thiên phủ doãn (quan đứng đầu kinh đô Thăng Long) cho tới Phó sứ rồi Kinh diên giảng quan (giảng sách cho Vua) rồi Hữu Thị Lang Bộ Lại và tới năm 1677 thì được phong Thần lộc đại phu bồi tụng (người giúp chúa Trịnh điều hành công việc quốc gia).
Theo nghiên cứu từ nhà sử học Ngô Đăng Lợi -Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng, chỉ trong 15 năm mà Đào Công Chính thăng chức quá nhanh, chứng tỏ ông là người tài ba lỗi lạc, được vua chúa trọng sủng, tin dùng và các quan kính nể.
Kể từ tháng 6 năm Vĩnh Trị thứ hai (1677) không còn tài liệu ghi chép nào về ông. Vì vậy, năm mất của ông chưa xác định được. Ngay cả làng Hội Am thờ ông làm thành hoàng cũng chỉ ghi ngày tháng mất mà không ghi năm. Hiện Viện nghiên cứu Hán Nôm còn giữ được 5 bộ sách mà Đào Công Chính làm chủ biên và là tác giả, đồng tác giả.
Bảo sinh diên thọ là bộ sách y học sớm nhất còn giữ được
Cũng theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi, trong 5 bộ sách này (Đại Việt sử ký, Trùng san Lam Sơn, Trung hung thực lục, Bảo sinh diên thọ, Bắc sử thi tập) thì bộ Bảo sinh diên thọ là cuốn sách do Đào Công Chính biên soạn theo yêu cầu của chúa Trịnh Tạc. Sau khi soạn xong, chúa Trịnh sai 13 vị khác tham gia đính chính, hiệu chính, khảo chính kỹ càng trước khi cho khắc ván in. Đây cũng là bộ sách y học vào loại sớm nhất nước ta hiện còn giữ được. Cuốn sách này bàn về vệ sinh phòng bệnh, rèn luyện tâm thần, tăng thêm tuổi thọ cho con người. Nó không chỉ có giá trị về mặt y học mà còn có ý nghĩa trong nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam.
Trong dân gian còn lưu truyền một số giai thoại về tài chữa bệnh, y đức của danh y Đào Công Chính. Cùng với các đại danh y bậc nhất Lãn Ông, Tuệ Tĩnh, Hoàng Đôn Hoàng…, Đào Công Chính là bậc danh y tài đức vẹn toàn, làm rạng danh nền y học cổ truyền dân tộc.
Tại hội thảo khoa học bàn về thân thế, sự nghiệp của danh y Đào Công Chính ngày 6/12/2004, Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng (Chủ tịch Hội đông y Việt Nam lúc bấy giờ) đã kết luận: Từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 19, Đông y Việt Nam đã có 59 danh y với 61 tác phẩm để lại cho hậu thế, trong đó có danh y Đào Công Chính với Bảo sinh diên thọ toản yếu (Bảo sinh diên thọ).
Dù Bảo sinh diên thọ là cuốn sách viết cho vua, quan áp dụng nhưng cuốn sách này đề cập rất toàn diện, từ lý luận đến cách sống, cách ăn uống, nghỉ ngơi, tắm rửa, kiêng kị trong sinh hoạt, cách tự xoa bóp với các bài tập cụ thể rất thiết thực giúp người đọc dễ hiểu, dễ nhớ mà làm theo. Dù cuốn sách đã ra đời hơn 300 năm nhưng thực tế đến nay, rất nhiều người ở mọi nơi cũng đã và đang chọn dưỡng sinh tập luyện để tăng sức khỏe, kéo dài tuổi thọ. Điều này cho thấy, giá trị hiện thực mà đại danh y Đào Công Chính để lại cho hậu thế vô cùng lớn. Cùng với đại danh y Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông, sự xuất hiện và những công trình nghiên cứu để lại cho hậu thế của danh y Đào Công Chính đã tạo kiềng 3 chân rất vững cho nền đông y Việt Nam (vừa có cây thuốc, vừa chữa bệnh, vừa dưỡng sinh).
"Bảo sinh diên thọ toản yếu là một cuốn sách y học về cách giữ gìn sự sống, kéo dài tuổi thọ tương đối toàn diện của danh y Đào Công Chính. Nội dung của sách đã được Hải Thượng Lãn Ông, Lê Hữu Trác tuyển chọn đưa vào cả 2 quyển Thượng, Hạ trong vệ sinh yếu quyết", GS Hoàng Bảo Châu – Nguyên Viện trưởng Viện YHCT Việt Nam tham góp ý kiến.
Cũng tại hội thảo khoa học bàn về thân thế, sự nghiệp của danh y Đào Công Chính, Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Lê Văn Thanh – Chủ tịch Hội Đông Y Hải Phòng nêu ý kiến "Nói về sự phát triển y học cổ truyền nước nhà, không thể không nói đến các đại danh y có các trước tác Tuệ Tĩnh với Nam dược thần hiệu; Hải Thượng Lãn Ông với bộ Y tông tâm linh và Đào Công Chính với Bảo sinh diên thọ. Qua đó thấy rằng, mỗi danh y nghiên cứu đi sâu một phương pháp phòng bệnh, chữa bệnh giúp cho nền y học cổ truyền nước ta thêm phong phú, có giá trị thực tiễn.
Sẽ tổ chức kỷ niệm ngày giỗ của cụ tại Nhà lưu niệm
Là hậu duệ đời thứ 14, đích tôn của đại danh y Đào Công Chính, ông Đào Công Phượng – người đang giữ trọng trách hương lễ trong gia tộc họ Đào tại xã Cao Minh chia sẻ: "Tôi từng nghe các bô lão trong làng - là con cháu nhiều đời sau của cụ Đào Công Chính kể, từ thời nhà Lê, cụ đã được người làng ca tụng là "Thánh thuốc Nam – Hội Am Vĩnh Lại" (xưa kia Vĩnh Bảo, Hải Phòng gọi là Vĩnh Lại). Khi cụ vinh quy bái tổ về thăm làng, mọi người cũng không ai biết cụ trẻ tuổi mà giữ chức cao nên cũng không tổ chức đón tiếp khiến cụ có phần phật ý. Sau đó, cụ có ghé một ngôi chùa ở xã và đặt tên cho chùa đó là "Am Khánh Tự". Cụ có nhiều bài thuốc viết thành sách và lưu truyền lại. Thời bố chúng tôi còn giữ nhiều sách của cụ, đến thời tôi thì không còn nhiều".
Theo lời ông Phượng, ngoài một số con cháu còn ở lại làng thì phần lớn hậu duệ họ Đào Công đã di cư sang đất Ninh Giang (Hải Dương) sinh sống rất đông. Tiếc rằng, con cháu đông thế nhưng đến đời thứ 14 chẳng có ai theo nghề y để nối truyền nghề của cụ, giúp đời, giúp người.
Hàng năm, đến ngày giỗ cụ, con cháu dòng họ Đào Công từ khắp nơi lại hội tụ về tế lễ rất đông. Năm nay, kỷ niệm 315 năm ngày giỗ cụ, nghi thức giỗ còn được làm trang trọng tại khu nhà lưu niệm mang tên cụ nên ai cũng háo hức, phấn chấn lắm, ông Phượng cho hay.
Ngay cả khi về nghỉ hưu, danh y Đào Công Chính sống thanh bạch tại mảnh đất mà ông bỏ tiền ra mua từ trước gần chùa Nhân Mễ (nay thuộc xã Vinh Quang, cách Hội Am trên 3 km) mở trường dạy học và chữa bệnh cứu người.
Sau gần 2 thế kỷ yên nghỉ tại Nhân Mễ, đến năm 1901 dòng họ Đào Công ở Hội Am mới đưa thi hài ông về an táng tại nghĩa trang làng Hội Am như ngày nay.
Ghi nhận những đóng góp của ông, tháng 7/2023, Nhà lưu niệm danh y Đào Công Chính đã được xây dựng trên khu đất rộng hơn 1 ha ở làng Hội Am, tổng giá trị đầu tư giai đoạn một 14,5 tỷ đồng. Ông Đào Công Phượng, cháu đích tôn đời thứ 14 của đại danh y, được chính quyền giao quản lý, chăm sóc nhà lưu niệm.