Đảo chính Niger: Nguyên nhân gì, tác động sao đến khu vực và thế giới?

Với đảo chính Niger, 2 câu hỏi được đặt ra: nguyên nhân nào, và sự việc này sẽ tác động thế nào đến tình hình khu vực và thế giới.

Cuộc đảo chính do Chỉ huy lực lượng Vệ binh của Niger - tướng Abdourahamane Tiani lãnh đạo hôm 26-7 lật đổ Tổng thống dân cử Mohamed Bazoum là một diễn biến chú ý của thế giới những ngày qua.

Trong khi Burkina Faso và Mali - hai nước láng giềng của Niger và từng xảy ra đảo chính quân sự - cảnh báo các nước không xen vào thì ông Bazoum đang tích cực kêu gọi quốc tế can thiệp dàn xếp.

Quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland (giữa) họp báo sau cuộc gặp với các lãnh đạo đảo chính Niger, tại Neamey ngày 7-8. Chuyến đi của bà Nuland được cho nhằm ngăn Wagner mở rộng ảnh hưởng ở Niger. Ảnh: AP

Quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland (giữa) họp báo sau cuộc gặp với các lãnh đạo đảo chính Niger, tại Neamey ngày 7-8. Chuyến đi của bà Nuland được cho nhằm ngăn Wagner mở rộng ảnh hưởng ở Niger. Ảnh: AP

Hai câu hỏi được đặt ra là nguyên nhân nào dẫn đến đảo chính và sự việc này sẽ có tác động thế nào đến tình hình khu vực và thế giới. Theo Hội đồng Quan hệ đối ngoại (tổ chức nghiên cứu độc lập về chính sách đối ngoại của Mỹ và các quan hệ quốc tế), có nhiều nguyên nhân dẫn đến đảo chính ở Niger.

Chính trị Niger vốn bất ổn với năm cuộc đảo chính kể từ khi giành độc lập vào năm 1960. Vấn đề sắc tộc và tính hợp pháp của ông Bazoum cũng là lý do khi ông thuộc dân tộc thiểu số Ả Rập của Niger, vốn được coi là nguồn gốc ngoại quốc, theo tờ The Conversation. Xã hội Niger âm ỉ nhiều khủng hoảng, như đói nghèo, hạn hán và mất an ninh do cuộc chiến chống các nhóm nổi dậy tại khu vực Sahel kể từ năm 2011.

Sự kiện ở Niger là cuộc đảo chính thứ bảy ở Tây và Trung Phi kể từ năm 2020. Với Niger, bên cạnh bất ổn chính trị trong nước, tình trạng mất an ninh do đảo chính cũng có thể làm suy yếu nỗ lực ngăn chặn nạn nhập cư bất hợp pháp và nạn buôn người, vì Niger nằm trên tuyến đường di cư chính đi về phía Bắc đến Địa Trung Hải.

Với châu Phi, giới quan sát lo ngại xu hướng đảo chính có thể làm trầm trọng tình trạng bất ổn trong khu vực, làm suy yếu cuộc chiến chống khủng bố. Cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực được đánh giá đang suy yếu khi nhiều nước phương Tây dần đứng ngoài cuộc. Sau khi Pháp rút lực lượng, bạo lực gia tăng tại Burkina Faso và Mali.

Cuộc đảo chính cũng tác động tới quan hệ Niger và phương Tây. Mỹ đe dọa ngừng viện trợ Niger, trong khi Niger hạn chế sự hiện diện của quân đội Mỹ và chấm dứt nhiều thỏa thuận quốc phòng với Pháp.

Trong khi đó với Nga, theo giới quan sát, bất ổn ở Niger có thể thúc đẩy đà mở rộng ảnh hưởng của Moscow tại khu vực. Nga đã được định vị là một đối tác “chống thực dân” đối với các quốc gia trong khu vực và tập đoàn lính đánh thuê Wagner cũng triển khai ở nhiều nước châu Phi như Mali, Cộng hòa Trung Phi.

VĨNH KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/dao-chinh-niger-nguyen-nhan-gi-tac-dong-sao-den-khu-vuc-va-the-gioi-post746168.html