Đảo chính ở Niger: Chính quyền quân sự ủy quyền cho 2 nước này can thiệp nếu bị tấn công, vì sao tiến trình rút quân của LHQ khỏi Mali bị cản trở?

Chính quyền quân sự ở Niger khẳng định sẽ trao quyền cho quân đội của các nước láng giềng Burkina Faso và Mali can thiệp trong trường hợp nước này bị tấn công.

Ngày 24/8, chính quyền quân sự Niger cho biết, Burkina Faso và Mali được phép can thiệp vào Niamey trong trường hợp cần thiết. (Nguồn: Teller Report)

Ngày 24/8, chính quyền quân sự Niger cho biết, Burkina Faso và Mali được phép can thiệp vào Niamey trong trường hợp cần thiết. (Nguồn: Teller Report)

Theo Bộ Ngoại giao Niger, trong chuyến thăm Niamey hôm 24/8, Ngoại trưởng Burkina Faso Olivia Rouamba và người đồng cấp Mali Abdoulaye Diop đã hoan nghênh việc Niger cho phép quân đội hai nước láng giềng này “can thiệp vào lãnh thổ Niger trong trường hợp bị tấn công”.

Hồi cuối tháng 7, trước tình hình Tổng thống Niger Mohamed Bazoum bị lật đổ, Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã đưa ra tối hậu thư, trong đó đe dọa sẽ dùng vũ lực nếu chính quyền quân sự Niger không phục chức cho ông Bazoum.

Trong khi đó, chính quyền ở Burkina Faso và Mali tuyên bố, bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào nước láng giềng Niger sẽ được coi là chống lại chính các nước này. Niger là quốc gia thứ 4 ở Tây Phi xảy ra đảo chính kể từ năm 2020, sau Burkina Faso, Guinea và Mali.

Cùng ngày, ông Florencia Soto Nino-Martinez, phó phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) khẳng định, tình hình ở Niger đang khiến việc rút lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ khỏi nước láng giềng Mali trở nên phức tạp hơn.

Theo ông Martinez, cuộc đảo chính ở Niger có thể gây “tác động đáng kể” đến quá trình rút quân, do Niger là một trong những tuyến đường chính để đưa nhân viên và các thiết bị rời khỏi Mali. Việc Niger đóng cửa biên giới khiến LHQ buộc phải tìm các tuyến đường thay thế.

Tháng 6 năm nay, Hội đồng Bảo an LHQ đã quyết định chấm dứt sứ mệnh của Phái bộ Gìn giữ Hòa bình của LHQ tại Mali (MINUSMA) và cho phái bộ này 6 tháng (đến ngày 31/12/2023) để hoàn thành việc rút quân.

MINUSMA được Hội đồng Bảo an LHQ triển khai hồi năm 2013. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ gìn giữ hòa bình nguy hiểm nhất của LHQ. Tính đến cuối tháng 6/2023, hơn 300 binh sĩ gìn giữ hòa bình đã thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ.

(theo AFP)

Hạnh Lê

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dao-chinh-o-niger-chinh-quyen-quan-su-uy-quyen-cho-2-nuoc-nay-can-thiep-neu-bi-tan-cong-vi-sao-tien-trinh-rut-quan-cua-lhq-khoi-mali-bi-can-tro-239612.html